Lùm xùm bài báo khoa học: Nên có danh mục tạp chí chính thống

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Việc xét công nhận chức danh Giáo sư, Phó giáo sư những năm gần đây luôn vướng phải những lùm xùm liên quan đến bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế. Vậy có cách nào để phân định một cách rạch ròi tạp chí chất lượng, tạp chí kém chất lượng hay tạp chí phi pháp hay không?

Giáo sư (GS) Nguyễn Văn Tuấn hiện đang là GS y khoa tiên lượng của Đại học Công nghệ Sydney (UTS), giáo sư kiêm nhiệm của khoa Y, Đại học New South Wales và Đại học Notre Dame Australia, có thể coi là một trong những người tiên phong đưa ra khái niệm "tạp chí dỏm" từ cách đây 10 năm.

Lùm xùm bài báo khoa học: Nên có danh mục tạp chí chính thống ảnh 1

Nhưng khi đó, hoặc do hội nhập quốc tế của các nhà khoa học Việt Nam chưa sâu, rộng hoặc vì một lý do nào đó nên không được quan tâm và có biện pháp ngăn chặn. Hậu quả là đến nay, nó đã tràn lan và rất mất công sức cho việc phân biệt dỏm với thật này.

Hội đồng GS ngành/liên ngành chịu trách nhiệm chất lượng tạp chí

GS Nguyễn Văn Tuấn nhận định hiện đang tồn tại sự lẫn lộn giữa tạp chí dỏm và tạp chí chính thống.

Sau vụ lùm xùm xét duyệt chức danh GS năm 2020, Hội đồng GS ngành Y đã quyết định lấy các tạp chí trong danh mục Web of Science (WoS), Scopus, Pubmed và ESCI (Emerging Scources Citation Index) là "tạp chí tín".

Nhưng các danh mục như Scopus, Pubmed và ESCI đều có những tạp chí dỏm. Kết quả của nhiều nghiên cứu cho thấy số tạp chí dỏm trong danh mục Scopus và Pubmed lên đến hàng trăm, và ESCI cũng có hàng chục tạp chí dỏm.

Có ước tính cho rằng tỉ lệ tạp chí dỏm trong danh mục ESCI là 0.61%, Scopus là 0.25%, nhưng WoS thì thấp nhất (0.1%). Chỉ riêng ngành thần kinh học, có hơn 10% các tạp chí trong chuyên ngành này trong Pubmed được giới chuyên gia đánh giá là dỏm.

Do đó, dựa vào các danh mục này một cách vô điều kiện là dễ dẫn đến sai lầm.

GS Nguyễn Văn Tuấn thông tin ở Việt Nam đã có nhiều nhà khoa học công bố trên các tạp chí dỏm. Chỉ cần xem qua vài tạp chí dỏm của Ấn Độ sẽ thấy nhiều tác giả Việt Nam trên đó.

Nếu tính cả các tạp chí dỏm ngoài Ấn Độ, ông ước tính đã có ít nhất 500 bài báo từ Việt Nam trên các tạp chí dỏm trong 10 năm qua.

Do đó, GS Nguyễn Văn Tuấn đề nghị một cách phân loại là tạp chí chính thống và "phi chính thống". Tạp chí chính thống do các hiệp hội khoa học chính thống làm chủ quản và xuất bản bởi các nhà xuất bản học thuật; hoặc/và do các nhà xuất bản học thuật (như Elsevier, Springer-Nature, Wiley, Sage, Taylor & Francis, Routledge, Oxford, Cambridge, Harvard, MIT, Academic Press,...) lập ra nhưng được công nhận bởi cộng đồng khoa học.

Cách phân nhóm như thế đã tự động loại bỏ các tạp chí dỏm. Do vậy, không cần quy định có trong Scopus hay WoS như là một tiêu chuẩn. Vì một tạp chí mới thuộc một hiệp hội khoa học có thể chưa có trong Scopus hay Clarivate, nhưng là chính thống. Người ngoài ngành có thể không biết và không am hiểu đủ để đánh giá các tạp chí này.

Đơn vị, tổ chức chịu trách nhiệm phân biệt tạp chí chính thống và phi chính thống theo GS Nguyễn Văn Tuấn chính Hội đồng GS ngành/liên ngành.

“Trong bất cứ lãnh vực nào, nếu là nhà khoa học có kinh nghiệm, ai cũng biết chỉ có một số ít tạp chí, chẳng hạn như trong chuyên ngành loãng xương, chỉ có chừng 10 tạp chí chuyên ngành hẹp, vài tạp chí gần với chuyên ngành, và vài tạp chí y khoa. Nếu ai đó không biết các tạp chí trong chuyên ngành của mình thì người đó chưa đủ kinh nghiệm. Đối với người làm trong chuyên ngành và có kinh nghiệm, chỉ cần nhìn vào tên tạp chí là biết “trong bộ lạc” hay không”, GS Nguyễn Văn Tuấn nói.

Còn nhiều lỗ hổng cần khắc phục

Một vấn đề khác nữa là khái niệm bài báo khoa học. Hiện nay, tiêu chuẩn để công nhận chức danh GS là 5 bài, còn PGS là 3 bài. Nhưng qui định không nói bài báo đó là gì. Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, đây là một thiếu sót nghiêm trọng.

Trong thực tế, có nhiều loại bài báo khoa học và giá trị của các bài báo cũng không tương đương nhau:

Bài nguyên gốc (là bài nghiên cứu nghiêm chỉnh, có giả thuyết, có phương pháp phân tích, và dữ liệu là dữ liệu gốc lần đầu được công bố); Bài báo cáo, không phải là bài báo khoa học nguyên gốc, vì không có giả thuyết hay mục tiêu mà chỉ là mô tả; Bài tổng quan (review), tức là một dạng "đọc báo giùm bạn", điểm qua thông tin từ những bài đã công bố trước đây. Đây không phải là nghiên cứu đúng nghĩa; Bình luận, (là những "Letter to the Editor", "Commentary", "Debate", "Editorial"). Đây là những ý kiến cá nhân, cũng không thể xem là nghiên cứu.

Hiện nay, trong việc xét duyệt hồ sơ của ứng viên GS, PGS, có tình trạng bài báo loại nào cũng được xem là "công bố quốc tế" và có giá trị như nhau. Nếu ứng viên có 10 bài báo cáo được xem hơn người có 3 bài báo gốc! Đó là một sự vô lí vì trung bình hoá khoa học.

GS Nguyễn Văn Tuấn đề xuất để xét duyệt công nhận chức danh GS, PGS, chỉ nên dựa vào bài nguyên gốc. Các bài báo khác (báo cáo, tổng quan, ý kiến) không được tính, nhưng có thể dùng để đánh giá vị thế của ứng viên trong chuyên ngành.

Quan trọng hơn, ông cho rằng việc xét công nhận chức danh GS, PGS nên dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.

Ở các đại học phương Tây, mục tiêu của việc đề bạt (hay "công nhận") GS là nhằm nhận dạng nhân tài trong khoa bảng, nhận dạng người có khả năng lãnh đạo. Dựa trên nguyên lí đó, các nước đưa ra 3 trụ cột về các tiêu chuẩn: nghiên cứu khoa học; giảng dạy và đào tạo; phục vụ cho chuyên ngành, xã hội, và tư cách lãnh đạo.

Do đó, GS Nguyễn Văn Tuấn cho rằng để xét chứng nhận GS theo chuẩn mực quốc tế, thì cần phải soạn lại qui chuẩn.

Bộ tiêu chuẩn về công bố khoa học phải phản ảnh sự khác biệt và công bằng giữa 2 ngạch GS chuyên về nghiên cứu khoa học và GS chuyên về giảng dạy. Điều quan trọng là GS không phải chỉ là người công bố khoa học hay giảng dạy, mà còn phải có đóng góp cho xã hội (qua phản biện xã hội) cho chuyên ngành.

MỚI - NÓNG