Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội

Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội
TP - Đa số ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không tán thành Đề án mở rộng Hà Nội sẽ được trình ra QH vào ngày 13/5 này. Như vậy, nếu đa số ĐBQH tán thành ý kiến này, chủ trương mở rộng Hà Nội có thể sẽ phải lùi lại.

Trao đổi với Tiền phong chiều qua (9/5) ông Nguyễn Ngọc Đào - thành viên UBPL xác nhận: Các thành viên Ủy ban ủng hộ chủ trương quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội. Còn với việc mở rộng Thủ đô thì UB Pháp luật đề nghị lùi đến một thời điểm thích hợp.

Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội ảnh 1

Nên làm cho những cái đang có đúng tính chất đô thị rồi hãy nghĩ đến chuyện mở rộng

Lòng dân chưa thuận

Vậy ông tán thành hay không tán thành Tờ trình mở rộng Thủ đô Hà Nội?

Tôi tán thành chủ trương mở rộng Thủ đô Hà Nội, bởi không thể không mở rộng. Nhưng mở rộng theo định lượng hay định tính thì tôi thiên về định tính. Hãy mở rộng Hà Nội về chiều cao không gian, không nên mở rộng Hà Nội để biến mất Hà Nội- trong suy tư của người Việt, nó thực sự là trái tim.

Hôm qua họp, đa số đại biểu của UB Pháp luật ủng hộ chủ trương mở rộng, nhưng rất lo lắng mở rộng thế nào. Chính phủ đề nghị mở rộng hết tỉnh Hà Tây thực ra là một đề án, một ý tưởng không phù hợp.

Không phù hợp vì hai nhẽ. Thứ nhất là chưa có thông tin, chưa có lộ trình, chưa có sự chuẩn bị trên mọi phương diện mà đã quyết định mở rộng, đặc biệt là chưa chuẩn bị về tinh thần của người dân, lòng dân. Lòng dân mà chưa chuẩn bị thì bất cứ cái gì cũng không thành công được.

Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội ảnh 2  Không phải “nông dân mừng mình về Hà Nội đâu”- đây là cách nói dí dỏm thôi. Nông dân về Hà Nội hiện nay là nông dân sẽ bán đất, sẽ mất đất. Về Hà Nội là lợi cho các đại gia, tầng lớp buôn bán bất động sản, không hề lợi cho dân. Tôi nói là hãy đầu tư cho Hà Tây như anh nghĩ đi, với tầm của nó đi, đó chính là mở rộng đấy. Lùi thời điểm mở rộng Hà Nội ảnh 3

Thứ hai, chưa có một đề án cụ thể. Hà Nội sẽ được mở rộng bằng cái nhìn như thế nào, đến đâu, có bao nhiêu con đường, bao nhiêu lộ, khu nào là khu công nghiệp? Tất cả phải thành một mô hình thật để đại biểu nhìn thấy mà bấm nút đồng ý hay không đồng ý.

Ngoài ra, tôi cho rằng, thời điểm này đưa vấn đề này ra là không phù hợp. Không phải là do tình hình kinh tế biến động, do lạm phát, do đời sống  mà không phù hợp do điều kiện kinh tế - chính trị - xã hội. Các nước phát triển chưa bao giờ đặt vấn đề mở rộng một thành phố, một thủ đô của họ kiểu này.

Cái hiện hữu chưa xong thì làm sao vẽ ra cái tương lai. Cái hiện hữu của Hà Nội là hoang hóa ở Sóc Sơn, là Đông Anh vẫn là nông nghiệp... Hãy làm cái hiện hữu đó thành đúng tính chất- đúng tính chất là thành phố, đúng đô thị - đi thì mới nghĩ đến mở rộng thế nào.

Nghĩ về dân khi bấm nút

Thưa ông, trong buổi thảo luận của Ủy ban, các thành viên thấy còn “mắc”  nhất điều gì?

Những lý do mà Chính phủ đưa ra là không hề thuyết phục, bởi vì có những thành phố như Seoul (Hàn Quốc) chẳng hạn, 12 triệu dân mà họ có diện tích như thế này đâu. Lí do mở rộng là phải có đường thoát nước, không có nơi chôn cất, xử lý nước thải, giao thông thì có lẽ lại càng đưa Hà Nội vào sự bế tắc hơn.

Các cụ ngày xưa hay nói “ngắn sào dễ trở”. Dễ hiểu rằng, hãy cứ với diện tích Hà Nội từng này (gần một ngàn km2) đó đủ để chúng ta suy nghĩ quy hoạch lại cho đẹp cái đã.

Vậy UBPL đã quyết định như thế nào trong cuộc họp đó, thưa ông?

Ủy ban ủng hộ chủ trương mở rộng nói chung và chủ trương về quy hoạch vùng thủ đô. Nhưng với việc mở rộng thủ đô Hà Nội thì UB Pháp luật đề nghị lùi đến một thời điểm thích hợp. Thời điểm thích hợp là thời điểm khắc phục được những cái bất cập như tôi đã nói.

Thưa ông, dự kiến tới ngày 23/5 Quốc hội sẽ phải bấm nút biểu quyết?

Tôi sẽ không bấm nút, còn ai bấm nút thì đấy là trách nhiệm của họ. Tôi sợ nhất là khi chúng ta bấm nút thì sau này một nhiệm kỳ Chính phủ mới phải bận tâm, nhưng mà không quan trọng bằng nhân dân mình bận tâm. Mỗi đại biểu Quốc hội, trước hết là đại diện cho dân, dù là đảng viên thì mình cũng vì dân. Hãy vì dân mà bấm nút.

Nếu đa số các đại biểu sẽ bấm nút thông qua thì sao?

Đó là tình huống không ai lường trước được.

Đề án mở rộng Hà Nội có 3 chi tiết sai về lịch sử

Nhà sử học Dương Trung Quốc (ĐBQH tỉnh Đồng Nai) cho biết như vậy tại phiên thảo luận QH sáng qua (9/5).

Ông Quốc nói: “Tờ trình về mở rộng Hà Nội có đến 3 chi tiết sai hoàn toàn lịch sử: Sông Hồng làm sao mà từng có thời tấp nập như thủ đô của châu Âu hồi thế kỷ 16-17?; rồi nói Hà Nội bị hơn 100 năm Pháp thuộc, sự thật thì cũng chỉ là hơn 80 năm mà thôi; nói đến Văn Miếu thì nhầm lẫn giữa là nơi để thờ và nơi đi thi. Chúng ta cứ bắt học sinh phải học giỏi lịch sử, nhưng chính chúng ta cũng sai về lịch sử. Điều đó thể hiện là Tờ trình chuẩn bị chưa kỹ, chưa đặt đúng tầm”

Nguyễn Tuấn
(thực hiện)

MỚI - NÓNG