Những lúc thế này, người đi đường rất cần sự hỗ trợ của lực lượng chức năng (cảnh ngập lụt trên QL 1A qua Thanh Hóa). Ảnh: Sỹ Lực. |
Đi đường bộ, chết dưới sông
Hình ảnh ông Nguyễn Tài Dũng, PGĐ Sở Công thương (Nghệ An) chết trong chiếc Fortuner cùng mỳ tôm, nước lọc cứu trợ cho dân vùng lũ làm dư luận ngậm ngùi. Nỗi đau của gia đình ông Dũng không gì bù đắp được, chính quyền Nghệ An mất đi một cán bộ mẫn cán. Tuy nhiên, đằng sau sự việc đau lòng này có nhiều điều đáng suy ngẫm.
Xe khách hiện nay có sẵn búa để phá cửa kính trong tình huống khẩn cấp. Còn ô tô du lịch, nếu bị rơi dưới nước, hệ thống điện ngừng hoạt động, cửa xe vẫn mở được, không trang bị búa. Ông Nguyễn Hữu Trí, Cục phó Đăng kiểm |
Trước khi gặp nạn, chiếc Fortuner chở ông Dũng với còi ủ và đèn ưu tiên vượt qua nhiều chốt CSGT, trong khi các phương tiện khác phải dừng lại. Theo mô tả của nhân chứng tại hiện trường, chiếc xe gặp nạn khi cố vượt qua một xe tải và sa vào cống rồi bị cuốn xuống sông. Địa điểm nguy hiểm như vậy, nhưng đáng tiếc là chưa có một thông tin nào cho thấy có người hướng dẫn giao thông tại đây. Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, với vùng ngập như trong trường hợp này nên sử dụng xe chuyên dụng. Nếu không bố trí được xe chuyên dụng, cần một sự tính toán kỹ hơn trong việc lên phương án, bố trí phương tiện di chuyển.
Vụ việc xe Innova chìm trong lũ khiến 5 người chết thương tâm tại Khe Ang (Nghĩa Đàn, Nghệ An) vào cuối tháng 9 vừa qua cũng là tai nạn đường sông với phương tiện đường bộ. Lực lượng chức năng có mặt chốt chặn, nhưng không ngăn nổi để xe xé rào vượt qua (có nguồn tin cho rằng, chốt chặn nể nang cho xe qua) dẫn đến hậu quả nặng nề.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Mưa lũ là tình huống giao thông đầy nguy hiểm. Ngoài kỹ năng, mức độ phán đoán của lái xe, sự hướng dẫn của lực lượng chức năng có tính quyết định đến sự an toàn. Ông Thanh nhắc lại vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2010 khiến chiếc xe khách chìm xuống sông Lam (đoạn Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm 20 người chết như một ví dụ điển hình. “Nếu có CSGT, thanh tra giao thông hướng dẫn hoặc cắm đầy đủ biển báo cho phương tiện chắc chắn không xảy ra sự việc đau lòng đó”, ông Thanh nói.
Thiếu lực lượng hay bị động?
Thượng tá Nguyễn Hữu Luyện, Phó phòng Hướng dẫn luật và Điều tra xử lý tai nạn giao thông, Cục CSGT cho biết: Lâu nay, cục có hướng dẫn về quy trình tác nghiệp của CSGT trong mùa lũ; trong đó, tập trung vào việc điều tiết giao thông. Các phương án này đều được triển khai đầy đủ khi đường bị ngập. “Lũ lụt miền Trung vừa qua, CSGT đứng dưới mưa để làm cột mốc sống. Hàng kilomet phương tiện dừng lại dọc quốc lộ dưới sự điều khiển của CSGT để đảm bảo an toàn”, Thượng tá Luyện nói.
Tuy nhiên, đôi khi, sự xả thân của CSGT được đặt chưa đúng chỗ. Trong một số trận bão, PV Tiền phong chứng kiến hình ảnh CSGT cõng người già, bế trẻ nhỏ, phân phát lương thực cho dân. Những hình ảnh đó lay động lòng người, nhưng lại thiếu phương án cắm biển hoặc hướng dẫn phân luồng tạm thời. Ngoài CSGT, các lực lượng cảnh sát khác, thanh tra giao thông, các lực lượng chuyên về bảo trì đường bộ hầu như vắng bóng. Thông thường, các ống cống, hố ga, vùng sạt lở bị nước lũ dâng (che lấp) chỉ đơn vị quản lý đường bộ mới nắm chắc. Tuy nhiên, ít thấy lực lượng chức năng này có mặt để phối hợp đảm bảo an toàn lưu thông.
Ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, lực lượng, phương tiện để điều tiết giao thông trong mưa bão chưa đủ nên cần rút kinh nghiệm trong phối hợp, tổ chức. “Khó có thể yêu cầu CSGT rải hết mọi địa bàn trong lũ. Tới đây, các đơn vị quản lý đường bộ phải bám đường ngay trong bão, khi thấy nguy hiểm cho người tham gia giao thông cần phối hợp cùng công an, CSGT, thanh tra giao thông hướng dẫn và rào chắn. Đã rào chắn phải quyết liệt, triệt để, không cho xe vượt qua”, ông Hiệp nói.