Luật Thanh niên (sửa đổi): Cần chính sách mới, đột phá

Cần phải sửa đổi Luật Thanh niên, vì cần có chính sách mới, đột phá, tạo động lực thúc đẩy thanh niên tham gia phát triển đất nước Ảnh: Nhật Minh
Cần phải sửa đổi Luật Thanh niên, vì cần có chính sách mới, đột phá, tạo động lực thúc đẩy thanh niên tham gia phát triển đất nước Ảnh: Nhật Minh
TP - Thảo luận về Dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), ĐBQH Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, cần phải có chính sách mới, đột phá, tạo động lực để thanh niên phát triển với tư cách là lực lượng quan trọng, là rường cột nước nhà, là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước.

Cần những “cánh chim đầu đàn, hạt nhân tương tác”

Báo cáo giải trình dự án luật tại QH, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, mục đích xây dựng Luật Thanh niên (sửa đổi) nhằm thể chế hóa và hoàn thiện cơ sở pháp lý, xác định rõ quyền và nghĩa vụ của thanh niên, các chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; bảo đảm trách nhiệm của nhà nước, gia đình, nhà trường, xã hội và các tổ chức của thanh niên trong thực hiện chính sách, pháp luật để thanh niên được tu dưỡng, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Kế thừa quy định của luật hiện hành, đồng thời xuất phát từ đặc trưng cơ bản của thanh niên là lực lượng trẻ tuổi, có tinh thần xung kích, tình nguyện, có khát vọng, hoài bão; có tinh thần học hỏi; có nhu cầu lao động, việc làm, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo và khát vọng lập thân, lập nghiệp…, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, dự thảo luật quy định 8 quyền và nghĩa vụ cơ bản, có tác động nhiều đến việc phát triển thanh niên. Đó là quyền và nghĩa vụ về học tập; lao động và khởi nghiệp; bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao…

“So với Luật Thanh niên năm 2005, dự thảo luật đã thiết kế các chính sách của Nhà nước gắn liền với quyền, nghĩa vụ của thanh niên theo từng lĩnh vực, tạo sự rõ ràng, liên kết chặt chẽ, đảm bảo sự phù hợp, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ với chính sách của Nhà nước đối với thanh niên. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, chính sách bảo vệ thanh niên an toàn trên môi trường không gian mạng…”, ông Tân cho hay.

Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ, ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho rằng, 30 năm đổi mới đất nước, đã xuất hiện lớp lớp thanh niên “tinh hoa”, với những tố chất rất đặc biệt. Nhiều người là lãnh đạo chính trị trẻ, doanh nhân, chuyên viên, nhà nghiên cứu rất thành đạt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ mới. Cho nên, theo ông Kim, cần có một bộ phận thanh niên 35 tuổi (luật hiện hành quy định độ tuổi thanh niên là từ 16-30), để lớp thanh niên này làm “những con chim đầu đàn”, dẫn dắt lực lượng thanh niên ở lứa tuổi thấp hơn. Như thế những “hạt nhân” trong phong trào thanh niên sẽ là chỗ dựa, kết nối và tương tác tốt hơn cho các thế hệ.

 ĐB Triệu Thanh Dung (Cao Bằng) cho rằng, dự án luật sửa đổi cần phải đạt được 2 mục đích. Một là đề ra được các chính sách đào tạo, bồi dưỡng lực lượng thanh niên, những người kế thừa sự nghiệp cách mạng vừa hồng, vừa chuyên. Thứ hai là thông qua dự án luật, mỗi thanh niên biết cần phải làm gì để đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, bà Dung cho rằng, dự án luật vẫn thiên về tuyên truyền, khuyến khích, hiệu triệu, cần đi vào cụ thể hơn.

Bà Dung cũng nêu quan điểm cần quy định độ tuổi thanh niên từ 16 - 35 vì tuổi thọ người Việt Nam ngày càng cao, độ tuổi lao động tăng lên, số lượng thanh niên đang giảm. ĐB Bế Minh Đức (Cao Bằng) cũng cho rằng, ở một số nước, độ tuổi thanh niên hiện được quy định đến 40, nên việc xem xét nâng độ tuổi thanh niên là phù hợp. Về nhiệm vụ quản lý nhà nước về thanh niên, ông Đức nêu bất cập, khi Bộ Nội vụ được phân công quản lý nhà nước về thanh niên, nhưng thực tế ở địa phương cho thấy, nếu đơn vị này làm báo cáo thì phải sang chính cơ quan Đoàn thanh niên để xin số liệu. 

Tận dụng sức trẻ

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, ĐBQH Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật Thanh niên, vì cần có chính sách mới, đột phá, tạo động lực thúc đẩy thanh niên tham gia phát triển đất nước. “Trong các quan điểm, nhận thức của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đều xem thanh niên là lực lượng rất quan trọng, là rường cột nước nhà, là người chủ hiện tại và tương lai của đất nước. Như vậy phát huy lực lượng này một cách đầy đủ và đúng nhất sẽ quyết định sự phát triển của đất nước”, ĐB Phong nói.

Luật Thanh niên (sửa đổi): Cần chính sách mới, đột phá ảnh 1  Đại biểu Quốc hội Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn

Theo ĐB Lê Quốc Phong, Việt Nam đang trong thời kỳ cuối dân số vàng. Theo thống kê, dân số đang ở độ tuổi thanh niên giảm so với cách đây 5 năm. “Nếu kỳ này Luật Thanh niên không tạo được điều kiện thuận lợi để thúc đẩy những cơ chế, chính sách mới để tận dụng được sức trẻ, độ sáng tạo, nhiệt huyết của thanh niên tham gia phát triển đất nước, chúng ta bỏ lỡ cơ hội rất lớn”, ĐB Phong nói.

“Nếu kỳ này Luật Thanh niên không tạo được điều kiện thuận lợi để thúc đẩy những cơ chế, chính sách mới để tận dụng được sức trẻ, độ sáng tạo,nhiệt huyết của thanh niên tham gia phát triển đất nước, chúng ta bỏ lỡ cơ hội rất lớn”, ĐBQH Lê Quốc Phong

ĐB Lê Quốc Phong đề nghị, trong sửa đổi Luật Thanh niên, cần kế thừa những quan điểm tiến bộ của bộ luật cũ, nhưng phải lượng hóa, đưa thêm những chính sách mới đột phá để tạo động lực cho thanh niên, tránh đi vào hạn chế “luật khung”, phải chờ các cơ chế phía sau. ĐB Phong lưu ý đến việc định nghĩa cụ thể thế nào là thanh niên tài năng, các cơ chế, chính sách cho nhóm thanh niên tài năng.

“Hiện nay, đã có quy định như thu hút thanh niên, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài về Việt Nam công tác, rồi tuyển dụng, ưu đãi về lương, hỗ trợ 100% mức lương khởi điểm... Tôi nghĩ những điều này đã được thực thi, có cơ sở triển khai trong thời gian qua thì hoàn toàn có thể đưa vào trong luật, nâng lên thành quy định của luật để tạo hành lang pháp lý và tạo sự quan tâm, thu hút lực lượng tài năng này vào hệ thống cơ quan nhà nước”, ĐB Phong nói.

ĐB Lê Quốc Phong cũng lưu ý đến cơ chế chính sách cho thanh niên khởi nghiệp, và cần thiết phải quy định cụ thể vào luật. Theo ĐB Phong, trong lực lượng khởi nghiệp có rất nhiều thanh niên. Như vậy, chính sách về thuế cho thanh niên khởi nghiệp, hỗ trợ vay vốn, các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng cần cụ thể, mạnh dạn đưa vào trong luật chứ nêu chung chung thì rất khó. ĐB Phong cũng cho rằng, luật cần cụ thể hóa việc đảm bảo cho thanh niên có môi trường văn hóa lành mạnh để thanh niên cống hiến và phát triển. “Nếu xuyên suốt quan điểm đó thì sẽ tạo ra tinh thần chăm lo toàn diện cho các lĩnh vực của thanh niên”, ĐB Phong nói.

MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.