Luật sư nói gì về việc viện kiểm sát được quyền giám định

TPO - Luật sư nêu quan điểm, việc viện kiểm sát có quyền giám định sẽ giúp người dân có thêm sự lựa chọn trong tìm kiếm công lý.

Viện kiểm sát được giám định

Anh D. (ở Đống Đa, Hà Nội) có vay 50 triệu đồng của vợ chồng Dương Diệu Thu nhưng chưa trả được. Năm 2010, Bà Thu đã cùng người khác làm giả tài liệu, chữ ký của D. rồi vu cho người này chiếm đoạt tiền.

Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP Hà Nội kết luận D. đã viết các tài liệu, chữ ký trên nên anh bị bắt giam, nhận án 30 tháng tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Do có đơn kêu oan, Phòng giám định Kỹ thuật hình sự Bộ Quốc phòng đã giám định lại, cho kết quả D. không phải người viết các tài liệu trên. Năm 2016, anh D. được minh oan, bà Thu và các đồng phạm lĩnh án tù vì vu khống; làm giả giấy tờ tài liệu.

Đánh giá về giám định tư pháp, luật sư Trần Văn An – Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang cho rằng đây là hoạt động có ý nghĩa lớn trong việc giải quyết các vụ án nhưng đôi khi vẫn có sai sót. Vì vậy, luật sư An khẳng định ông và những người hoạt động trong ngành luật rất ủng hộ khi Viện KSND Tối cao có quyền giám định tư pháp.

“Pháp luật xuất phát từ cuộc sống và phải đáp ứng nguyện vọng của người dân. Với góc độ người dân, đương nhiên họ ủng hộ việc tăng thêm sự lựa chọn trong việc đảm bảo công lý. Cái người dân lo ngại là sự độc quyền có thể bị nâng lên thành độc đoán và chuyên quyền. Như vậy, thêm hệ thống giám định càng tốt, giúp nâng cao niềm tin của nhân dân vào hoạt động tư pháp” – luật sư An nói.

Luật sư nói gì về việc viện kiểm sát được quyền giám định ảnh 1

Luật sư Trần Văn An - Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Bắc Giang.

Khi thảo luận về quy định này, nhiều Đại biểu Quốc hội đã đồng tình để viện kiểm sát có quyền giám định nhằm tăng tính khách quan, thêm sự so sánh và có thể giải quyết được khiếu nại xoay quanh kết quả giám định… Ngược lại, Bộ Công an phản đối đề xuất này, cho rằng giám định của lực lượng công an đã đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Ngày 10/6, với 92,96% số Đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Trong đó, Luật bổ sung quy định: “Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện KSND Tối cao thực hiện giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử”.

Tăng niềm tin công lý

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Trần Văn An cho rằng viện kiểm sát được quyền giám định tư pháp là yêu cầu bắt buộc. Quy định này cũng góp phần tăng tính khách quan, độc lập, chủ động của viện kiểm sát.

Vị luật sư phân tích: “Cơ quan điều tra thuộc viện kiểm sát điều tra tội phạm về xâm phạm hoạt động tư pháp tức điều tra tội phạm nếu có của cán bộ công an, kiểm sát, tòa án. Từ trước đến nay, khi cần giám định, viện kiểm sát lại phải đề nghị cơ quan công an giám định để chứng minh sai phạm của cán bộ trong chính ngành công an”.

Ngoài ra, luật sư An đánh giá, kết quả giám định cũng cần sự so sánh, đối chiếu, củng cố cho nhau. “Chỉ cơ quan công an giám định sẽ dẫn tới tình trạng độc quyền nên người giám định có thể chủ quan vì có ai giám định, thẩm tra lại kết quả của họ đâu? Tôi chỉ nói chủ quan thôi, chưa dám nói đến trường hợp tiêu cực”.

Vị luật sư cho rằng, khi có cơ quan giám định khác, chính giám định của công an sẽ cẩn trọng hơn vì giờ kết quả của họ có thể bị người dân, bị cơ quan tố tụng yêu cầu, đề nghị tổ chức giám định khác “xem xét” lại.

Trước một số ý kiến cho rằng lập cơ quan giám định của viện kiểm sát sẽ làm tăng kinh phí, luật sư Trần Văn An nói: “Đừng đặt vấn đề nhân lực, kinh phí cho viện kiểm sát khi thực hiện công tác giám định. Chi phí ở đây không lớn nếu so với yêu cầu đảm bảo công lý và quyền của người dân; đảm bảo niềm tin vào hệ thống tư pháp trong đó có hoạt động giám định”.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.