Lừa lao động sang Nga làm việc khổ sai

Lừa lao động sang Nga làm việc khổ sai
TP - Ngày 26-9, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu lao động (XKLĐ) đã không tuân thủ quy định pháp luật khi đưa lao động sang Nga làm việc. Một số cá nhân đã bị khởi tố vì trục lợi bất chính.

> Trắng tay về nước

Những lao động cuối cùng từ Nga về Việt Nam sáng 26-9. Ảnh: T. Hằng
Những lao động cuối cùng từ Nga về Việt Nam sáng 26-9. Ảnh: T. Hằng.

Cty môi giới vi phạm

Ngày 26-9, một lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho PV Tiền Phong biết, trong số 45 lao động được cho là bị cưỡng ép, bóc lột sức lao động tại Nga có đăng ký hợp đồng tại Cục, phần lớn là của Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng số 1 (HICC1) có trụ sở tại Hà Nội.

Cty này đã không tuân thủ quy định của pháp luật vì khi sang Nga, người lao động (NLĐ) lại ký tiếp hợp đồng khác so với hợp đồng đã ký kết ở Việt Nam.

“Ngoài ra, khi xảy ra sự cố, Cty này cũng không phối hợp với chủ sử dụng để giải quyết, thậm chí còn tiếp tục đưa lao động đi chui”, vị lãnh đạo nói.

Nhiều lao động vừa về từ Nga cho biết, khi sang Nga, họ bị thu hết hộ chiếu và bị biến thành lao động bất hợp pháp. Hằng ngày, họ phải làm việc quần quật trong các xưởng may 12-18 tiếng. Mức lương Cty Vinastar bắt NLĐ ký lại khi sang Nga là 500 USD/tháng, nhưng chủ sử dụng luôn tìm cách trừ bớt. “Họ nói số tiền lương này bị trừ vào khoản 2.500 USD mà Cty Vinastar đã đưa NLĐ sang Nga cùng khoảng 1.400 USD tiền đóng khẩu nhưng thực tế họ có đóng tiền khẩu đâu”, một lao động nói.

Theo vị lãnh đạo này, khi vụ việc xảy ra, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chủ động cử cán bộ sang Nga để giải quyết. Tuy nhiên, đa số lao động đều không hợp tác. Họ đồng loạt đình công và đòi xin về nước. Mọi thương lượng phía Cty Vinastar đưa ra đều không được NLĐ chấp nhận.

“Sau đó, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, Cục đã yêu cầu Cty HICC1 báo cáo khẩn cấp các vấn đề liên quan để Cục có hướng giải quyết”, vị lãnh đạo cho biết.

Trước khi xuất cảnh sang Nga, NLĐ ký hợp đồng với HICC1 với mức lương 700 USD/tháng. Nhưng khi sang Nga, họ bị ép ký hợp đồng khác với chủ sử dụng với mức lương 500 USD/tháng.

Tuy nhiên, hầu hết lao động không đọc kỹ hợp đồng mới trước khi ký. Do đó, khi bị chủ sử dụng trừ lương và giữ hết giấy tờ tuỳ thân, bị giam giữ trong khu vực xưởng, NLĐ đồng loạt đình công.

Theo lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong số 148 lao động đình công, 60 người chuyển xưởng, số còn lại đã hồi hương.

“Sau đó, vì không thỏa hiệp được với NLĐ nên Cty Vinastar đã phải bỏ tiền ra để mua vé máy bay cho lao động về nước”, vị lãnh đạo cho biết.

Ngày 26-9, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Cty HICC1, cho biết, HICC1 đã gửi công văn về các địa phương để đề nghị NLĐ đến trụ sở Cty thanh lý hợp đồng.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ông Bình, chưa có lao động nào đến Cty làm việc. “Hiện, cơ quan công an đang vào cuộc điều tra, do đó tôi không thể cung cấp thêm thông tin, ông Bình nói.

Khởi tố một số người

Lãnh đạo Cục Cảnh sát hình sự - C45 (Bộ Công an) cho biết, cơ quan này đã khởi tố vụ án hình sự đối với một số đối tượng trong và ngoài nước câu kết với nhau đưa NLĐ sang Nga, sau đó cưỡng ép, bóc lột sức lao động.

Những sai phạm bị lật tẩy khi có một lao động (đã về được Việt Nam) tố giác. Người trực tiếp tố giác là chị Nhân (quận Bình Tân, TPHCM). Theo chị Nhân, tháng 5, thông qua một Cty TNHH có trụ sở tại TPHCM, chị nộp 12 triệu đồng để được XKLĐ sang Nga. Cty này chỉ đóng vai trò môi giới, còn đơn vị tuyển dụng lao động trực tiếp là Cty Vinastar, có trụ sở tại Mátxcơva (Nga).

Theo chị Nhân, đơn vị tuyển dụng hứa hẹn sẽ cho chị làm nghề may, thu nhập trung bình 700 USD/tháng, thời hạn lao động 3 năm. Mọi kinh phí, thủ tục sẽ do Cty Vinastar lo và được chu cấp ăn, ở. Tuy nhiên, khi cầm visa lên máy bay, chị Nhân phát hiện mục đích sang Nga là để thăm thân, chứ không phải làm việc.

Khi sang Nga, hộ chiếu của chị Nhân bị thu giữ, kèm theo yêu cầu ký lại hợp đồng lao động với nội dung khác hoàn toàn hợp đồng đã ký tại Việt Nam. Biết bị lừa, chị Nhân không ký hợp đồng và dọa sẽ tố cáo. Vì thế, Cty Vinastar bắt chị Nhân phải hoàn lại chi phí sang Nga là 2.500 USD và tự lo tiền vé máy bay về nước.

Khi ở tại cơ sở sản xuất của Cty Vinastar, chị Nhân chứng kiến cảnh lao động người Việt Nam bị bóc lột, đối xử như tù nhân. Về đến Việt Nam, chị đã đem theo đơn kêu cứu của hơn 100 NLĐ đang làm việc tại Cty Vinastar ở Nga đến các cơ quan chức năng.

Theo cơ quan điều tra, phần lớn NLĐ Việt Nam trong đơn kêu cứu đều làm việc ở 2 Cty Vinastar và Garizon Open, trụ sở tại Mátxcơva.

Từ năm 2010, Cty Vinastar tuyển hơn 100 lao động từ Việt Nam sang, nhưng chỉ có 45 người có danh sách đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Cơ quan chức năng đã làm rõ 3 đối tượng ở Việt Nam đứng ra tuyển dụng và tổ chức cho nhiều NLĐ xuất cảnh sang làm việc tại Cty Vinastar.

Các đối tượng này sử dụng hợp đồng ký sẵn của Cty Vinastar để đưa lao động trong nước có nhu cầu đi XKLĐ và yêu cầu họ phải đặt cọc 10-15 triệu đồng. Tuy nhiên, các trường hợp mà 3 đối tượng này đưa sang Nga làm việc đều không có thị thực nhập cảnh theo diện lao động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Công nương Nhật Bản qua đời
Công nương Nhật Bản qua đời
TPO - The Japan Times đưa tin Công nương Yuriko của Hoàng gia Nhật Bản vừa qua đời ở tuổi 101 vì bệnh viêm phổi. Bà không xuất hiện trước công chúng kể từ sự kiện chào năm mới 2024. 
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
Giá vàng nhẫn tiếp tục giảm mạnh
TPO - Sáng nay (15/11), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh theo giá thế giới. Giá vàng nhẫn giảm từ 500.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng/lượng về mốc 81 - 82 triệu đồng/lượng, tuỳ từng thương hiệu vàng.