Anh Trương Thành Trung (32 tuổi, khối phố 8, phường An Sơn, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) cho biết, anh có 30 lồng nuôi cá, nước lũ đổ về đột ngột, dòng nước xiết đã cuốn lồng bè trôi ra xa hơn 50m, cá bứt khỏi lồng trôi theo nước. Anh Trung cùng các hộ dân khác phải dùng dây thừng chằng giữ lồng bè. “Cá bứt lồng trôi gần hết rồi. Cả trăm vạn con cá nuôi trong bè bứt lồng trôi hết. Tiền giống, tiền thức ăn hơn 1 tỷ đồng giờ trôi theo nước lũ rồi” - anh Trung xót xa. Theo anh Trung, nước lũ dâng mạnh, chảy xiết từ tối qua, do không nhận được thông báo xả lũ nên trở tay không kịp.
Trưa 1/12, ông Ung Tấn Lịch (60 tuổi, thôn Phú Bình, xã Tam Xuân 1) huy động con cái và người thân trong nhà đội mưa vớt cá. “Nước chảy mạnh, cá tuột nhớt, hấp hối nên phải gom bán cứu đỡ ít vốn” - ông Lịch nói. Hộ ông có 20 lồng nuôi cá diêu hồng, thả 400 nghìn con, trong đó cá đến đợt thu hoạch khoảng 15 tấn. Mưa liên tục, lại thêm nước từ hồ Phú Ninh xả về khiến cá trong bè tuột nhớt, hấp hối, ước thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. “Thông thường mỗi khi xả lũ họ đều thông báo trên đài hoặc loa phát thanh, có khi phát thông báo tới tận bè nhưng không hiểu sao đợt này không thông báo gì khiến người dân trở tay không kịp” - ông Lịch nói.
Ông Đỗ Văn Minh - Trưởng phòng kinh tế TP Tam Kỳ cho hay, theo thông báo của Cty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam, đơn vị này tiến hành điều tiết tăng lưu lượng xả lũ hồ Phú Ninh qua tràn xả sâu. Thời gian bắt đầu xả lũ từ 7h, lưu lượng 180 - 600m3/s. Tuy nhiên đến 9h cùng ngày thành phố mới nhận được thông báo khiến địa phương xử lý bị động. “Rõ ràng quy chế phối hợp giữa công ty và thành phố Tam Kỳ chưa tốt, sắp tới sẽ họp để chấn chỉnh. Không cần văn bản, thậm chí chỉ cần cuộc điện thoại thôi để biết thông tin và kịp thời thông báo cho người dân. Mới chiều 30/11, đơn vị đã ký quy chế phối hợp, theo đó trước khi xả lũ thì phía Cty khai thác thủy lợi thông tin cho địa phương thông báo trước 24 giờ”, ông Minh nói và cho hay, sẽ kiểm tra thông tin về mức độ thiệt hại của người dân và có phương án xử lý hợp lý.