Lũ quét tăng đột biến: Vì sao chưa thể dự báo?

Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi trong trận lũ tối 2/9 ở Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam
Nhiều ngôi nhà bị cuốn trôi trong trận lũ tối 2/9 ở Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Lam
TP - Tính đến tháng 9/2018, nước ta xảy ra 25 đợt lũ quét và sạt lở đất trong khi cả năm 2017 là 16 đợt. Lũ quét, sạt lở đất tăng đột biến, để lại hậu quả nghiêm trọng do tính bất ngờ song đến nay vẫn chưa thể dự báo trước.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, thiên tai có chiều hướng gia tăng về số lượng, tần suất, ngày càng cực đoan, diễn biến khó lường và tính tàn phá ngày càng khốc liệt. Từ đầu năm 2018 đến nay, cả nước xảy ra 14 loại hình thiên tai với 6 cơn bão, 5 áp thấp nhiệt đới, 212 trận dông, lốc sét.

Riêng về lũ quét, sạt lở đất, đến tháng 9/2018 có 25 đợt trong khi cả năm 2017 là 16 đợt. Lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng thường xảy ra tại khu vực Tây Bắc và Việt Bắc, đặc biệt các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang. 

Theo ông Trần Hồng Thái, Phó tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Khí tượng Thủy văn, lũ quét và sạt lở đất đang là loại hình thiên tai gây ảnh hưởng nghiêm trọng và uy hiếp trực tiếp đến tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực vùng núi phía Bắc do ẩn chứa nhiều yếu tố bất ngờ, thường xảy ra trong phạm vi quy mô nhỏ.

Các biện pháp phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại do lũ quét tập trung theo hướng phòng ngừa là chính. Tuy nhiên, loại hình thiên tai này chưa thể dự báo mà chỉ dừng ở mức cảnh báo. 

Theo ông Thái, việc dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, mưa đá là thách thức đối với ngành Khí tượng Thủy văn không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu toàn cầu làm các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng và trái quy luật.

Tại Việt Nam, thêm khó khăn là thông tin số liệu đo đạc, điều tra, khảo sát thực địa của các vùng có nguy cơ phát sinh lũ quét, sạt lở đất thường không có. Các thông tin về thảm phủ, cấu trúc địa chất, lớp vỏ phong hóa, mức độ bão hòa trong đất... không có đủ độ chi tiết và không được cập nhật thực tế. 

Bên cạnh đó, lũ quét thường xảy ra ở quy mô nhỏ, liên tiếp, mang tính địa phương. Vì vậy, chỉ cảnh báo ở cấp trung ương là không thể đảm bảo kịp thời cho hoạt động phòng chống lũ quét, sạt lở đất nếu như không có sự phối hợp chặt chẽ của địa phương. Ngoài ra, khoa học công nghệ hiện nay chưa cho phép dự báo, cảnh báo chính xác mưa định lượng và nhận biết sự biến đổi của các nhân tố là nguyên nhân tác động, gây ra lũ quét sạt 
lở đất.

Tổng cục Khí tượng Thủy văn đề xuất, để nâng cao hiệu quả cảnh báo lũ quét, sạt lở đất cần tăng cường mạng lưới quan trắc KTTV hiện đại tại khu vực thượng lưu các sông suối, vùng núi cao nhằm cung cấp đầy đủ các thông tin, dữ liệu phục vụ công tác cảnh báo, dự báo lũ. Ngoài ra, cần cập nhật được các bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tỷ lệ 1/10.000. Từ đó, xác định, khoanh vùng được nơi có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.

MỚI - NÓNG