cơn lũ quét tháng 6 - 2009 tại bản Pa Tý (xã Yên Tĩnh) làm năm người thiệt mạng. |
Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, ông Hồ Cảnh nói: “Trận lũ xảy ra bất ngờ. Hiện nay, Tương Dương chịu sức ép do nước sông từ Kỳ Sơn đổ về. Tình hình rất căng thẳng!”.
Ông Cảnh cho biết, lúc 18h 30 hôm nay, toàn huyện Kỳ Sơn đã có 34 nhà bị ngập, bốn nhà tại xã Lưu Kiền bị nước cuốn trôi. Tuyến đường 7A từ huyện Tương Dương đi Kỳ Sơn ngập 400m tại Lưu Kiền, Xá Lượng, có nơi ngập sâu 1,5m, khiến giao thông tê liệt.
Trời tiếp tục mưa khiến lũ thượng nguồn sông Lam (hai nhánh sông Nậm Nơn, Nậm Mộ) dâng cao. Hiện, UBND huyện Tương Dương huy động lực lượng vũ trang giúp các hộ dân ven sông Lam tại thị trấn Hoà Bình di dời khẩn cấp.
Nước đã rút khỏi xã Yên Na, Yên Tĩnh, nhưng nhiều tuyến đường tiếp tục bị sạt lở, giao thông bị chia cắt cục bộ. Cầu Khe Ngẫu (Xá Lượng) bị cuốn trôi ở mố Nam.
Tại Kỳ Sơn, một chiếc cầu gần trường dân tộc nội trú bị lũ cuốn phăng. Đường đi Nậm Càn hư hỏng tại nhiều đoạn do ngập nước và sạt lở đất. Một diện tích lớn lúa và hoa màu tại Tương Dương, Kỳ Sơn bị hư hại nặng.
“Nước đang lên rất nhanh. Nguy hiểm nhất là khu vực hai bên bờ sông Nậm Nơn, Nậm Mộ và sông Lam. Mưa kéo dài khiến nước ứ đọng trong thung lũng, có thể gây lũ quét trong đêm nay, 25-6!” - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương. |
Tỉnh Nghệ An và huyện Tương Dương đang căng sức, gồng mình chống lũ. Một lực lượng lớn bộ đội, dân quân đã vào điểm nóng khẩn trương giúp dân di dời lên núi cao.
Nhiều xã bị cô lập
Thông tin từ UBND huyện Tương Dương cho biết, chiều tối 24 - 6 đến sáng nay (25 - 6) trên địa bàn huyện này xảy ra lũ quét, khiến ba xã bị cô lập với bên ngoài.
Mưa lớn từ 170 – 190 mm dồn dập trong nhiều giờ đồng hồ làm cho mực nước tại các sông hồ của vùng núi Tương Dương dâng cao đột ngột và xảy ra lũ quét cục bộ. Ngày 25-6, toàn huyện có ba xã bị cô lập là Yên Tĩnh, Yên Na và Yên Hòa. Theo thống kê sơ bộ tại ba địa phương này, hơn 80 hộ dân bị cô lập với bên ngoài; lũ cuốn hai căn nhà.
Tại xã Yên Tĩnh, toàn bộ trụ sở UBND và hai cơ sở trường tiểu học 1 và 2 bị ngập hoàn toàn, trường mầm non bị ngập sâu từ 1 – 2 m. Đây cũng là địa phương có số hộ bị ngập nhiều nhất (tại bản Pa Tý 60 hộ có nhà bị ngập, bản Cạp Chạng 10 hộ).
Tại bản Cánh Tông, nước lũ cuốn trôi trôi hai nhà dân. Ngoài ra, toàn bộ hệ thống đường và các trạm biến thế nối liền ba xã này với bên ngoài bị nước lũ nhấn chìm, hư hỏng. Người dân ba xã trên bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
Trao đổi qua điện thoại, ông Vi Tân Hợi – Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: “Hiện tại, UBND huyện đã cử cán bộ xuống những địa bàn bị lũ và nhanh chóng triển khai sơ tán người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, UBND huyện cũng tiến hành triển khai thống kê thiệt hại do lũ gây ra để có biện pháp hỗ trợ người dân sau khi lũ rút”.
Thông tin từ UBND tỉnh Nghệ An chiều qua cho biết, tại các huyện miền núi Quế Phong, Qùi Châu, Nghĩa Đàn, Kỳ Sơn xảy ra mưa lớn (từ 250mm đến 339mm), tuyến quốc lộ 48 bị chia cắt nhiều đoạn.
Mực nước tại huyện Kỳ Sơn lên mức báo động 3, thị trấn Mường Xén đang bị lũ bao vây, uy hiếp. Toàn tỉnh có hai người mất tích (một người tại huyện Nghĩa Đàn, một ngư dân mất tích do tàu cá bị sóng đánh chìm).
Cũng vào khoảng thời gian này năm 2009 một cơn lũ quét kinh hoàng làm năm người tại bản Pa Tý (xã Yên Tĩnh) thiệt mạng.