Sáng 17/12, tại hội nghị trực tuyến ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ miền Trung, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, khả năng miền Trung lại có mưa lớn, gây đợt lũ mới khoảng ngày 25-28/12 tới.
Theo ông Cường, từ cuối tháng 11 đến nay, các tỉnh miền Trung liên tục có mưa lũ lớn. Từ ngày 11/12 đến nay, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới trên vùng Tây Nam biển Đông, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ Quảng Trị đến Ninh Thuận và Gia Lai có mưa rất lớn, lượng mưa trung bình 400-800 mm
Ông Cường cho biết, mưa nhiều đã gây lũ lụt nghiêm trọng tại các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Khánh Hòa, đặc biệt là ở Bình Định. Thậm chí, lần đầu tiên (từ ngày 15/12) cơ quan dự báo Việt Nam phải dùng khai niệm “lũ đặc biệt lớn” để nói về lũ ở miền Trung.
Theo đó, trên các sông ở Thừa Thiên –Huế đều trong tình trạng báo động 2-3; từ Quảng Nam đến Ninh Thuận và Gia Lai lũ trên báo động 3 từ 0,3-1,5m. Trong khi đó, trên sông Vệ (Quảng Ngãi), sông Kôn (Bình Định) đã xuất hiện “lũ đặc biệt lớn”, xấp xỉ mức đỉnh lũ năm 2013.
Theo ông Cường, từ ngày 17/12, mưa lớn ở các tỉnh miền Trung giảm nhanh. Lượng mưa trong ngày và đêm 17/12 ở các tỉnh Quảng Nam-Phú Yên phổ biến 40-80mm (cường suất mưa 20-30mm/6 giờ).
Tuy nhiên, theo cơ quan dự báo khí tượng, từ ngày 18-20/12, mưa lớn có xu hướng tăng trở lại từ Quảng Nam-Ninh Thuận, lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Bình Định-Khánh Hòa 200-250mm.
Theo nhận định, lũ ở Thừa Thiên –Huế, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có khả năng chấm dứt trong 1-2 ngày tới, nhưng ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lũ sẽ kéo dài thêm 2-3 ngày, riêng các sông ở Bình Định lũ rút chậm hơn.
Giám đốc cơ quan dự báo khí tượng cũng cho biết, từ nay đến hết năm 2016, khả năng có một vùng áp thấp sẽ di chuyển từ phía nam Philippines vào biển Đông (khoảng 22-23/12 tới).
Sau đó vài ngày, vùng áp thấp này sẽ ảnh hưởng đến khu vực Trung và Nam Trung bộ. “Từ ngày 25-28/12 tới, có khả năng xuất hiện mưa, lũ ở Quảng Trị-Khánh Hòa”- ông Cường nhận định.
Với dự báo trên, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai - ông Nguyễn Xuân Cường cho biết, với 4-5 đợt lũ liên tục vừa qua, miền Trung lại gánh cảnh lũ chồng lũ, khả năng tiêu úng rất chậm, đặc biệt khu vực Bình Định.
“Nhiều hồ đập ở miền Trung suốt 8 tháng đầu năm cạn kiệt, nhưng 2-3 tháng lại đây căng sức chứa, bão hòa nước. Vì thế, hơn 600 hồ phải hết sức lưu ý, chỉ cần sơ suất nhỏ, hậu quả sẽ khôn lường”- ông Cường nói.
Đang lo ngại, gần 30 hồ chứa ở khu vực Bình Định, có biểu hiện nước thấp qua thân đập, nên phải hết sức lưu ý. Tới đây, Bộ NN&PTNT sẽ có hội nghị với 9 tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng do mưa lũ vừa qua, bàn cách khôi phục sản xuất về nông, lâm, thủy sản.
Theo Bộ trưởng Cường, những hình thái dị thường, hoạt động thiên tai ven biển vẫn phức tạp. Về lâu dài, sẽ đề xuất Chính phủ cần có đề án tổng thể có giải pháp dài hơi ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu ở các tỉnh miền Trung, nếu không sẽ khó đáp ứng được nhu cầu phát triển bền vững.