Đằng sau sự hào nhoáng là số phận bi thương
Van Gaal là một trong số ít HLV giỏi nhất, thành công nhất và nhận được nhiều sự kính trọng nhất trong thế giới bóng đá. Nhưng phía sau ánh hào quang, có một góc cũng mang tên Van Gaal, nhưng là một Van Gaal rất khác. Đó là mảng ký ức đau đớn mà nhà cầm quân người Hà Lan từng miêu tả trong cuốn tự truyện xuất bản năm 2009, rằng “nó lần tìm về trong những giấc mơ hãi hùng nhất”.
Là con út trong một gia đình có đến… 9 anh chị em, sự nghèo khó khiến cho gia đình ấy chẳng mấy khi có được một tiếng cười tròn tiếng, còn cái sự méo mặt hẳn nhiên là quanh năm. Chẳng những thế, như có lần Van Gaal kể lại, ông luôn bị gò bó vì gia đình mình theo Công giáo, khiến tuổi thơ ông bị đánh cắp vì những quy định nghiêm ngặt, khuôn mẫu.
Nhưng cái họa khác ập đến còn kinh khủng hơn sự đói nghèo, năm mới lên 6 tuổi, cha ông - một con người hà khắc với chính những đứa con của mình, đột ngột đổ bệnh sau một cơn trụy tim. Gần 5 năm người cha sống trên giường bệnh là lúc cuộc đời Van Gaal sống trong nỗi thống khổ triền miên.
Vốn đã khắt khe với các con, người cha vốn là nhân viên bán hàng ấy vì những bức bối mà trút hết những cơn giận dữ lên đứa con trai út: Cứ mỗi khi biết tin Van Gaal làm điều gì sai trái, dẫu là lỗi nhỏ nhất, ông vẫn bắt cậu đi vào phòng mình, dùng 2 bàn tay trần mà đánh dữ dội, vào lưng đứa con khi chưa đầy 10 tuổi.
Nhưng dường như những phong ba tuổi thơ là chưa đủ, dông tố cuộc đời tiếp tục làm chao đảo để thử thách con người phi thường ấy. Tháng 1/1994, Fernanda - người vợ và là bảo bối lớn nhất của ông, giã từ thế gian sau khi đã chiến đấu quật cường với căn bệnh ung thư gan.
Quãng thời gian trước, trong và sau khi vợ mất với Louis là “một sự cay nghiệt đáng phỉ báng”, khiến cho ông gần như mất hết niềm hứng khởi và lòng ham sống từ trong mạch ngầm cảm xúc, ngay cả Đức tin với Đấng tối cao dù ông vốn là một con chiên ngoan đạo.
“Khi Fernanda mất, tôi không còn niềm tin vào Đấng tối cao và quyết định ra khỏi Công giáo. Người đã không tôn trọng chúng sinh mà sự đau khổ của vợ tôi là một biểu hiện” (trích tự truyện của Van Gaal).
Sự kiện ấy khủng khiếp đến nỗi, Van Gaal đã phải nhờ cậy những đứa con mình ra quyết định giúp ông về quãng đời tiếp theo, rằng ông có nên tiếp tục gắn bó với nghiệp huấn luyện nữa chăng? Thật may, hai đứa con gái (Brenda và Renate) đã thay cha đưa ra một quyết định sáng suốt và chỉ 16 tháng sau, ông đưa Ajax lên đỉnh châu Âu bằng một đội hình trẻ trung.
Nơi thiên thần và ác quỷ cùng trú ngụ
Van Gaal hài lòng với cái biệt danh mà người đời đặt cho mình - The Iron Tulip (Tulip thép). Có điều, họ không hiểu rằng nó là biểu trưng cho sự cứng cỏi ở một con người phi thường, rất đơn giản The Iron Tulip chỉ để phản ánh một Van Gaal hà khắc đến mức cực đoan, phong cách huấn luyện không thể nhầm lẫn với bất cứ HLV nào khác ở người đàn ông 62 tuổi này.
Như GĐĐH Feran Soriano của Man City - người từng cộng tác với “Tulip thép” miêu tả, bản thân Soriano cũng như mọi cầu thủ đều có ý định giết Van Gaal, có điều không một ai trong số họ dám làm điều đó, ngay cả mở miệng cãi cũng là điên rồ khi phải đối mặt với cái uy vũ khiến người khác hồn xiêu phách lạc ấy. Con quỷ ấy còn mang trong mình mối thù hận không bao giờ có thể san lấp, ví như với Feynoord - CLB từng đề nghị ông dẫn dắt họ, vì trong quá khứ một số CĐV của đội bóng này lấy cái chết của bà vợ Fernanda ra giễu cợt khi đối đầu với Ajax của ông.
Nhưng trong cái tâm hồn luôn biến động và đầy phức tạp ấy còn là một điểm sáng, sự lòng thành, tốt bụng và yếu đuối như hình ảnh của một thiên thần. Thừa nhận mình là một người sống tình cảm, Van Gaal… thậm chí còn không ngần ngại khóc ngay giữa đám đông khi phải đối mặt với một tình cảnh éo le.
Trong một chương trình truyền hình trực tiếp ở Hà Lan năm ngoái khi Van Gaal là khách mời, ông đã bật khóc ngay trên sóng quốc gia khi chứng kiến một phóng sự về thanh niên mắc bệnh co cơ bắp có tình yêu dành cho bóng đá.
Sẽ chẳng thể nào tin nổi nếu như nó không phải được thốt ra từ chính miệng ông: “Tôi rất dễ xúc động. Hầu như không ngày nào trôi qua mà tôi không đổ một vài giọt nước mắt”. Sau chương trình ấy, Van Gaal lập một quỹ từ thiện có tên “Cơ bắp vì cơ bắp” với số tiền ủng hộ của cá nhân tới hàng triệu euro mỗi năm.
Ở Amsterdam ArenA hiện giờ còn lưu lại một giai thoại về Van Gaal, dù thời gian đã trôi qua đến 2 thập kỷ. Số là anh chàng tiền vệ trẻ Tarik Oulida, trong một buổi tập đã đến muộn mất 15 phút. Dĩ nhiên, với một người đặt kỷ luật lên trên hết như “Tulip thép”, đó là lỗi phạm vào đại kỵ.
Nhưng khi điều tra ngọn ngành câu chuyện, ông đã rưng rưng nước mắt khi biết rằng Oulida đến muộn vì đi bán máu để có tiền viện phí cho mẹ. Vậy là thay vì bị phạt, Oulida nghỉ tập và khi ra về còn mang thêm một khoản tiền lớn là kết quả của cuộc quyên góp mà Van Gaal đi đầu.
Ngay cả người cha cay nghiệt vốn đã ám ảnh Van Gaal suốt quãng thời gian tuổi thơ, ông thừa nhận chưa một lần oán hận. Chính những trận đòn chí tử đã trui rèn nên một “Tulip thép” cứng cỏi và thành công hôm nay.