Theo thống kê, năm 2021, dân số thanh niên từ 16-30 tuổi của Việt Nam là gần 24 triệu người, chiếm 24,3% tổng dân số cả nước. Theo số liệu điều tra Lao động - Việc làm quý II, năm 2021 của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động thanh niên (độ tuổi từ 15-24 tuổi) khoảng 5,22 triệu người, chiếm 43% tổng dân số thanh niên và chiếm 10,2% tổng lực lượng lao động cả nước.
Trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, lao động thanh niên chiếm tỷ lệ chủ yếu và là những người tiếp thu nhanh khoa học công nghệ, có tính năng động cao. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, hiện nay trong tổng số thanh niên, số lao động thanh niên được đào tạo nghề chiếm tỷ lệ còn thấp (chỉ chiếm khoảng 20%-21%), chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nguồn nhân lực đất nước. Vì vậy, đào tạo nghề cho thanh niên có tầm quan trọng đặc biệt, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập hiện nay.
Thông tin từ Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2016-2020, tuyển sinh học nghề đạt trên 11,07 triệu người, trong đó hơn 22,3% theo học các trình độ trung cấp, cao đẳng, đây chủ yếu là đối tượng thanh niên. Số lượng thanh niên học trình độ trung cấp, cao đẳng ngày càng tăng lên (giai đoạn 2011-2015 là 1,9 triệu, giai đoạn 2016-2020 là 2,46 triệu người).)
Năm 2021, mặc dù gặp nhiều khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát trở lại, song các địa phương, cơ sở GDNN đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyển sinh. Tính đến ngày 31/12/2021, cả nước tuyển sinh được gần 2 triệu, đạt 85,14% kế hoạch (trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp là 375.108 người, chủ yếu là đối tượng thanh niên). Số tốt nghiệp ước đạt hơn 1,6 triệu người.
Chất lượng và hiệu quả GDNN đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp và thị trường lao động. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp có việc làm tăng lên, tính trung bình, tỷ lệ HSSV (là thanh niên) tốt nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp đạt khoảng 85%. Lao động qua đào tạo nghề tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế quốc dân và đã đảm nhận được các vị trí công việc phức tạp mà trước đây phải do chuyên gia nước ngoài thực hiện.
Gắn kết giữa GDNN với TTLĐ và việc làm bền vững có chuyển biến tích cực. Cơ sở GDNN và doanh nghiệp đã có nhiều hình thức, mô hình hợp tác đa dạng, phong phú; gắn kết giữa đào tạo và giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp. Nhiều doanh nghiệp đã tự thành lập các cơ sở đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực cho chính mình và cho xã hội. Sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo nghề còn thể hiện ở nhiều hình thức khác như trao đổi, cung cấp nguồn lực, trao đổi thông tin giữa cơ sở GDNN và doanh nghiệp.
Trong giai đoạn 2011-2020, cả nước có gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề, trong đó gần 4,6 triệu người được hỗ trợ đào tạo nghề theo chính sách 1956. Trong tổng số 4,6 triệu lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề, ước tính có khoảng 57,3% là thanh niên. Riêng trong số lao động nông thôn học nghề phi nông nghiệp, số thanh niên chiếm 67,4%. Tỷ lệ lao động là thanh niên nông thôn học xong có việc làm đạt 94,6%, cao hơn bình quân chung của lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo 8%.
Một bộ phận thanh niên lao động nông thôn sau khi đào tạo nghề được doanh nghiệp tuyển dụng hoặc có các trợ giúp khởi nghiệp. Theo thống kê, có gần 1,2 triệu người chủ yếu là thanh niên, sau khi học nghề đã được các doanh nghiệp tuyển dụng; trên 400.000 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, trên 61.000 người sau đào tạo đã thành lập các tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn khác tại địa phương, trên 2,3 triệu một bộ phận tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất lao động tăng, tiết kiệm chi phí sản xuất (10-20%), tăng thêm thu nhập, ổn định và bước đầu nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bộ LĐTB&XH đưa ra dự báo đến năm 2025, tổng số lực lượng lao động cả nước là 59,2 triệu người, trong đó lao động có trình độ sơ cấp là 3,2 triệu người; lao động có trình độ trung cấp là 2,95 triệu người; lao động có trình độ cao đẳng là 4 triệu người. Đến năm 2030, tổng số lực lượng lao động cả nước là 61,9 triệu người, trong đó lao động có trình độ sơ cấp nghề là 3,1 triệu người; lao động có trình độ trung cấp là 3,4 triệu người; lao động có trình độ cao đẳng là 7,1 triệu người. Tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động bình quân trong giai đoạn 2021 - 2030 là 0,9%/năm; tốc độ tăng trưởng lực lượng lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng bình quân trong giai đoạn này là 4,5%/năm, 3,0%/năm và 10,0%/năm.
Với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã tích cực, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền tổ chức nhiều hoạt động hướng nghiệp, tư vấn, đào tạo nghề cho thanh niên và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Nghị quyết Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, đã xác định chỉ tiêu “Tư vấn hướng nghiệp cho 10 triệu lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho 1,5 triệu thanh niên”.
Năm 2018, T.Ư Đoàn ban hành và triển khai trong toàn Đoàn Đề án “Tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 – 2022”. Sau thời gian triển khai Đề án, cùng với việc chủ động, tích cực tham gia thực hiện các chương trình, đề án của Chính phủ về hướng nghiệp, đào tạo nghề, các cấp bộ Đoàn trong cả nước đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên.
Công tác tuyên truyền về nghề nghiệp, việc làm đối với thanh niên đã được Đoàn Thanh niên triển khai với nhiều hình thức phong phú, thiết thực như: xây dựng các chuyên mục về nghề nghiệp, việc làm trên website và fanpage của tỉnh, thành đoàn; xây dựng các website tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm đối với thanh niên; xây dựng các chuyên đề về tư vấn hướng nghiệp, học nghề cho thanh trên chương trình phát thanh, truyền hình thanh niên của đài phát thanh và truyền hình địa phương...
Tổ chức Đoàn đã triển khai các giải thưởng, như: Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi”, “Lương Định Của”, thu hút sự quan tâm của đông đảo đoàn viên, thanh niên, nhân dân và xã hội, góp phần cổ vũ, biểu dương tinh thần, thái độ nghề nghiệp trong thanh niên.
Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp cho thanh niên được thực hiện với nhiều cách làm sáng tạo, linh hoạt và hiệu quả. Các hoạt động tư vấn hướng nghiệp do Đoàn thanh niên tổ chức, như: Ngày hội “Tư vấn hướng nghiệp”, “Hành trình đến với trường nghề, làng nghề”, “Hành trình trải nghiệm ước mơ”, “Tư vấn mùa thi”, “Tư vấn tuyển sinh”... Từ năm 2017 – 2022, Đoàn Thanh niên cả nước đã tổ chức tư vấn hướng nghiệp cho trên 10 triệu lượt thanh thiếu niên. Cùng với đó, nhiều tổ chức Đoàn đã phối hợp tổ chức các hội nghị tư vấn về việc làm, tư vấn học nghề, tư vấn về chính sách hỗ trợ vay vốn cho thanh niên học nghề và tạo việc làm tại nhiều địa phương; tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề, giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tại các trại giam. Các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã triển khai các điểm tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm tại địa phương...
Công tác tư vấn, đào tạo nghề cho thanh niên có nhiều đổi mới về nội dung, phương thức thực hiện. Đoàn Thanh niên các cấp đã tham gia, phối hợp thực hiện hiệu quả các đề án, chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm đối với thanh niên tại địa phương, như: dạy nghề ngắn hạn cho thanh niên nông thôn, hỗ trợ dạy nghề đối với bộ đội xuất ngũ, dạy nghề cho thanh niên khuyết tật,...; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong thanh niên nông thôn. Hệ thống các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên, trường trung cấp nghề, tổng đội thanh niên xung phong đã trực tiếp tham gia tổ chức các lớp đào tạo nghề đối với thanh niên nông thôn, thanh niên khuyết tật, bộ đội xuất ngũ... Từ năm 2017 - 2022, 19 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên do Đoàn cấp tỉnh quản lý đã tổ chức đào tạo nghề cho trên 100 ngàn người, đào tạo và bồi dưỡng kỹ năng nghề cho trên 210 ngàn người.
Đặc biệt trước sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng; đồng thời, để thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên, từ tháng 11/2021, T.Ư Đoàn phối hợp triển khai ứng dụng số i-HR (app i-HR) về tư vấn hướng nghiệp, tư vấn đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên. Chương trình giúp kết nối 24/7 trực tiếp 3 nhóm đối tượng là người lao động - cơ sở giáo dục nghề nghiệp - doanh nghiệp trên nền tảng công nghệ số. Đây được xác định là một trong những giải pháp đột phá góp phần đa dạng hóa hình thức và nâng cao hiệu quả tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên.
Giai đoạn 2017 - 2022, Đoàn Thanh niên đã đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho trên 2,8 triệu thanh niên.
Việc nâng cao năng lực tổ chức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong triển khai công tác tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề cho thanh niên được quan tâm thực hiện. Công tác tập huấn cán bộ Đoàn, đội ngũ báo cáo viên về nghề nghiệp, việc làm được chú trọng thực hiện. Giai đoạn 2017 - 2022, đã có trên 50.000 lượt cán bộ Đoàn các cấp được tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức về nghề nghiệp, việc làm; trên 200 cán bộ, cộng tác viên của các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên được tập huấn, nâng cao năng lực tư vấn và dịch vụ việc làm.
Giai đoạn 2017 - 2022, Đoàn Thanh niên đã tham gia phối hợp trong xây dựng các chính sách của Nhà nước về đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho thanh niên, như: Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; chương trình Đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045...
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, công tác hướng nghiệp và đào tạo nghề cho thanh niên của tổ chức Đoàn cũng tồn tại một số bất cập, hạn chế. Việc nắm bắt, tuyên truyền và tham mưu triển khai thực hiện các chính sách, chương trình về hướng nghiệp, đào tạo nghề tại nhiều địa phương chưa được thực hiện thường xuyên; vẫn còn những đơn vị chưa xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai thực hiện. Chất lượng hoạt động tư vấn hướng nghiệp, đào tạo nghề và dịch vụ việc làm giữa các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thanh niên, trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên không đồng đều, vẫn còn một số trung tâm hoạt động thiếu hiệu quả...
Nhằm góp phần nâng cao nhận thức của thanh niên và toàn xã hội về chính sách đào tạo nghề; tạo điều kiện để thanh niên chia sẻ nguyện vọng, kiến nghị với cơ quan nhà nước về công tác đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ LĐTB&XH; UBQG về thanh niên Việt Nam phối hợp tổ chức Diễn đàn chính sách quốc gia đối với thanh niên với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
Diễn đàn sẽ được tổ chức vào 8h00, ngày 30/3, tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội.
Chủ trì Diễn đàn gồm có ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; ông Đào Ngọc Dung, Ủy viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; anh Nguyễn Anh Tuấn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm UBQG về Thanh niên Việt Nam.
Tham dự diễn đàn có lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan Quốc hội, các Bộ ngành T.Ư, đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tỉnh, thành đoàn, đại biểu Quốc hội trẻ, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp, cơ sở dạy nghề, tổ chức quốc tế, cán bộ Đoàn, Hội và đoàn viên, thanh niên thuộc các lĩnh vực.
Nội dung trao đổi tại diễn đàn gồm các vấn đề sau: Các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề cho thanh niên; công tác đào tạo nghề cho thanh niên các khối đối tượng: thanh niên nông thôn, thanh niên công nhân, thanh niên khuyết tật, thanh niên dân tộc thiểu số, bộ đội xuất ngũ, học sinh, sinh viên; các chính sách và khuyến nghị về đào tạo nghề cho thanh niên trong tình hình dịch bệnh COVID - 19 và cuộc cách mạng 4.0 cùng các vấn đề khác có liên quan đến chủ đề Diễn đàn.
Ông Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, đến thời điểm này, Diễn đàn đã nhận được trên 80 tham luận liên quan.
Theo ông Hạ, ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 đã làm đứt gãy và chuyển dịch nguồn lao động của đất nước. Vì vậy, việc đào tạo lại nghề rất quan trọng nhằm cung cấp ra thị trường nguồn nhân lực trẻ chất lượng để sớm phục hồi kinh tế đất nước. Đây cũng là lý do diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Đào tạo nghề cho thanh niên”.
Ban tổ chức kỳ vọng, với việc tổ chức diễn đàn theo mô hình Quốc hội trẻ, các ý kiến chia sẻ thẳng thắn, cởi mở, sau diễn đàn sẽ có nhiều kiến nghị với Đảng, Chính phủ, bộ ngành về đào tạo nghề cho thanh niên và sẽ được Quốc hội giám sát. Qua diễn đàn sẽ góp phần đưa chính sách vào đời sống thanh niên thiết thực nhất; thanh niên sẽ chủ động nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh COVID - 19 và yêu cầu phát triển của đất nước.
Ông Hạ cho biết thêm, nếu diễn đàn được duy trì thì năm sau sẽ là chủ đề: “Việc làm cho thanh niên”.