Theo Đông y, Long nhãn nhục có vị cam, tính ôn; vào 2 kinh Tâm và Tỳ. Có tác dụng bổ ích Tâm Tỳ, dưỡng huyết an thần; Chủ trị trống ngực hồi hộp tim loạn nhịp (kinh quý chính xung), mất ngủ hay quên (thất miên kiện vong), kém ăn mệt mỏi (thực thiểu thể quyện), đại tiện ra máu, phụ nữ băng lậu (tiện huyết băng lậu).
Trong sách Bản Thảo Cương Mục, Lý Thời Trân đã từng nhận định: Về mặt thực phẩm, nhãn đứng sau vải, nhưng về mặt bổ dưỡng thì nhãn có tác dụng tốt hơn; vì vải là quả có tính nhiệt, còn long nhãn có dược tính tương đối bình hòa.
Trong long nhãn sấy khô, hàm lượng protein và carbohydrate tăng lên rõ ràng, nhưng do tác động của quá trình chế biến hàm lượng vitamin C giảm đi đáng kể. Trong các chất carbohydrat thành phần chủ yếu là đường glucoza và saccharoza, do đó khi ăn long nhãn cảm thấy có vị ngọt.
Các nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, long nhãn có tác dụng chống lão suy vì trong cùi có flavoprotein - một hoạt chất có tác dụng tăng cường hoạt tính của các tế bào thần kinh não; trong cùi nhãn còn có vitamin PP, một chất có tác dụng làm tăng độ bền và độ đàn hồi của mạch máu, giúp cho quá trình tuần hoàn máu trở nên tốt hơn. Như vậy, Y học cổ truyền và hiện đại đều khẳng định, long nhãn là vị thuốc có tác dụng bổ dưỡng tốt đối với tuần hoàn và thần kinh.
Dưới đây là những bài thuốc tốt từ long nhãn:
1. Cháo long nhãn hạt sen => Dùng cho người cơ thể suy nhược, thiếu máu
Long nhãn 16-30g, hạt sen 16-30g, gạo tẻ 100g. Nấu cháo ăn.
2. Rượu long nhãn/Long nhãn tửu => Rượu bổ khí huyết, an thần
Long nhãn xào qua rượu, thêm rượu (khoảng 10%), ngâm 100 ngày, hằng ngày uống vài ba lần, mỗi lần 20ml.
3. Long nhãn hoa sinh => Chữa thiếu máu, chảy máu dưới da
Long nhãn 10g, lạc hạt (cả vỏ hạt) đập vụn 15g. Cho các vị vào nồi, thêm ít nước, muối, nấu chín ăn.
4. Cháo hạt dẻ long nhãn => Chữa hồi hộp, tim loạn nhịp, mất ngủ, đau lưng mỏi gối -
Long nhãn 15g, hạt dẻ 10-20 hạt, gạo tẻ 50g, đường vừa đủ. Hạt dẻ bóc vỏ, đập vụn nấu với gạo thành cháo, cháo chín cho long nhãn, đun sôi, khi ăn thêm đường.