Lòng dân là thước đo tầm vóc

Lòng dân là thước đo tầm vóc
TP - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc trao đổi với Tiền phong về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ
> Tướng Giáp - Người chiến thắng ở Điện Biên Phủ (tiếp)

Là nhà nghiên cứu lịch sử ông đánh giá ra sao về tầm vóc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong lịch sử Việt Nam và thế giới?

Đánh giá về tầm vóc của Đại tướng thì đúng như Đại tướng từng nói, phải gắn với thời đại của chính ông, đặc biệt là với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có người hỏi tại sao cuộc đời Đại tướng lại gắn với con đường binh nghiệp, dù không có quá trình chuẩn bị thông thường nào về quân sự, Đại tướng trả lời rằng điều ấy nên hỏi Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bằng con mắt tinh đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn ông – một trí thức trẻ, nhưng có thể nói quá khứ không hề gắn với quân sự. Lúc đó còn có Phùng Chí Kiên, những người khác được đào tạo chính quy, nhưng tại sao Bác lại giao cho Võ Nguyên Giáp trọng trách đó, chỉ có Chủ tịch Hồ Chí Minh mới trả lời được.

Cũng như khi Bác giao cho Đại tướng đứng đầu quân đội, Người đã đặt một cái tên - biệt danh cho Đại tướng là Văn, như một lời nhắc nhở quân sự thực chất nền tảng của nó cũng là văn hóa, gắn liền với sự nghiệp cứu nước. Chiến công nổi bật của Đại tướng là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Nếu Bác không giao toàn quyền quyết định cho Đại tướng ở mặt trận, nếu có một bộ máy quan liêu nâng lên đặt xuống, chắc không bao giờ có được thắng lợi có tính chất lịch sử quyết định. Nhưng Đại tướng lại nói về mình với tất cả sự khiêm nhường đó là phải hoàn thành mọi nhiệm vụ Bác giao cho, vì đó cũng là nhiệm vụ của lịch sử.

Ở riêng góc độ quân sự, chúng tôi ghi nhận trong rất nhiều công trình mang tính chất tổng kết lịch sử thế giới trong thế kỉ 20 mà tôi đọc được, không có công trình nào mà không ghi danh Đại tướng. Dù với mọi tiêu chí khác nhau, ở mọi thời đại từ lịch sử chiến tranh thế giới trước công nguyên đến nay, hoặc chỉ riêng thế kỷ 20, thì đều có Đại tướng. Và một điều đặc biệt hơn, vào thời điểm xuất bản những cuối sách đó, Đại tướng là người duy nhất còn sống. Không phải danh tướng nào trên thế giới cũng được ghi danh như thế. Tầm vóc của Đại tướng chỉ có thể so sánh với chính ông mà thôi.

Đại tướng được những người tiến bộ trên thế giới tôn vinh, có lẽ không chỉ là tài thao lược trên chiến trường, mà hẳn còn vì có gì rất tiêu biểu của nghệ thuật quân sự Việt Nam?

Tôi nghĩ Đại tướng đã phát huy được truyền thống của dân tộc. Tôi nói điều này không hoàn toàn ở góc độ nghề nghiệp mà với tất cả những gì Đại tướng nói và viết ra chúng ta đọc được và tôi được chứng kiến. Ví dụ cuộc nói chuyện của ông hai lần với tướng McNamara tiếp xúc với các đồng minh cũ, hay chuyện Đại tướng tiếp xúc với con trai Tổng thống Kennedy, ông luôn nhắc đến truyền thống của dân tộc. Truyền thống quan trọng nhất mà Đại tướng nhắc đến và muốn chứng minh là truyền thống hòa hiếu của dân tộc ta.

Và cuối cùng, tôi thấy ông là người rất tin tưởng vào tương lai. Khi gặp con trai cố Tổng thống Mỹ Kennedy, ông nói rằng thế hệ trẻ của nước Mỹ đã chứng kiến một cuộc chiến tranh rất khốc liệt, nhưng các bạn hãy đọc lại lịch sử để thấy có một thời nước Mỹ từng là đồng minh của Việt Nam, chống phát xít Nhật. Vì vậy, thế hệ trẻ Mỹ cũng như thế hệ trẻ Việt Nam phải có trách nhiệm viết tiếp những trang sử hữu nghị, hòa bình, trên những bài học từ chiến tranh.

Dòng người chảy không dứt về 30 Hoàng Diệu, nhà tang lễ suốt gần 10 ngày qua, gợi cho ông điều gì?

Chúng ta đang được chứng kiến một thời điểm mà lòng người, lòng dân hướng về vị Đại tướng của dân tộc trong thời điểm ông ra đi. Nó gợi lại cho một thế hệ đã chứng kiến lễ tang của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó chính là thước đo quan trọng nhất để đánh giá một con người. Chúng ta có thể có những cách tiếp cận khác nhau, có quan điểm khác nhau đánh giá về một nhân vật lịch sử, nhưng không có gì bằng thời gian và bằng lòng người.

Luôn nhìn với con mắt của người có trách nhiệm

Là một nhà sử học, ông có nhận xét gì về con người đời thường của Đại tướng?

Cái lớn nhất của một con người đã sống trọn một thế kỷ, trải nghiệm qua tất cả những biến cố quan trọng của thế kỷ ấy, ở vị trí của những người đóng vai trò quyết định của lịch sử thể hiện ngay ở điều Đại tướng nói: Đó là ông luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Bác Hồ giao cho và cũng là nhiệm vụ lịch sử giao cho, với tinh thần “dĩ công vi thượng”. Luôn vì việc công, để việc công lên trên.

Con người ông, dù cương vị nào cũng đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên, thậm chí trên cả bản thân mình. Tôi rất nhớ lần tôi đến phỏng vấn ông, khi tôi nhắc đến câu chuyện ông làm công tác kế hoạch hóa gia đình, ông nói rất thản nhiên rằng “đấy cũng là một nhiệm vụ được giao” và ông đã hoàn thành nhiệm vụ đó.

Tôi nghĩ một con người thản nhiên trước bất kỳ một thử thách nào, đấy là con người tri túc (biết đủ điều cần biết). Tôi cho rằng một trong những cái để tạo nên phẩm chất ấy, có lẽ bởi ông cũng là một nhà sử học, ông nhìn thấy cái tất yếu trong cuộc sống.

Trong những lần gặp gỡ với Đại tướng, điều gì để lại ấn tượng thực sự sâu sắc trong ông?

Tôi may mắn được gặp Đại tướng khi ông không còn giữ cương vị gì trong Đảng và Nhà nước. Tôi thấy ông là người hết sức nghiêm túc. Là Chủ tịch Hội danh dự của chúng tôi, nhưng ông không làm hình thức mà theo rất sát từng việc, tôn trọng mọi người.

Bản thân tôi có lần được chuẩn bị tư liệu để Đại tướng phát biểu tại Ấn Độ - sự kiện đó như dấu mốc cho sự khởi đầu nghiên cứu, phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh. Tôi chuẩn bị rất công phu, được Đại tướng khen ngợi và đọc rất kỹ. Nhưng khi phát biểu chính thức tôi chẳng thấy dấu ấn gì của mình. Sau này tôi có hỏi Đại tướng “sao lúc đó anh rất khen em mà lại không thấy dùng gì”? Đại tướng bảo “Không. Điều quan trọng là phải làm hết sức của mình. Cậu giúp việc tôi nhưng tôi có quyền dùng hay không dùng. Nhưng tôi rất muốn cậu đã làm việc gì, phải làm đến nơi đến chốn”. Đó là thái độ cần học hỏi rất đáng quý đối với người trẻ.

Cảm ơn ông !

Nguyễn Minh Tuấn
Thực hiện

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG