Cần thông tin cảnh báo thị trường
Ngày 24/4, tại cuộc họp khẩn với một số doanh nghiệp (DN) trong ngành chăn nuôi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Cty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, hiện lượng lợn còn trong dân rất lớn, đặc biệt loại trên 1 tạ/con. “Lợn sống vẫn phải ăn cám, nên mỗi ngày nguồn cung thịt tăng lên 1%. Chưa kể, lợn càng to, giá càng giảm. Đây là áp lực khiến nông dân bán tống, bán tháo mọi giá, từ đó giá lợn lại tiếp tục giảm sâu”- ông Tuấn nói.
Đại diện C.P cho rằng, người dân vẫn đang hy vọng xuất lợn ra nước ngoài, Bộ cần có thông tin rõ ràng để người dân chủ động và chấp nhận phương án “giải cứu” trước mắt. Để hỗ trợ nông dân, C.P đã có kế hoạch giảm giá cám, con giống. Ngoài ra, C.P cũng tăng mua lợn để giết mổ, bán thịt lợn mảnh; giết mổ cấp đông, phục vụ chế biến xúc xích.
Ông Phạm Văn Học, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dabaco Việt Nam cho biết, từ năm ngoái, các DN lớn đã dự báo được giá lợn sẽ xuống thấp, nhưng không ngờ giá quá tệ như hiện nay. “Bộ cần có hệ thống thông tin cảnh báo thị trường đến người chăn nuôi, DN, chứ hiện các hộ chăn nuôi vẫn mơ hồ về thông tin thị trường”- ông Học nói.
Hiện Dabaco đã giảm 5-7% giá cám cho người chăn nuôi. Lãnh đạo tập đoàn này cũng kiến nghị, trong lúc giá lợn trong nước xuống quá thấp, cần xem xét dừng ngay việc nhập khẩu thịt, để giải quyết vấn đề tồn đọng nội địa.
Theo ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, hàng ngày, ông vẫn đi xuống các trang trại và bà con vẫn hy vọng, chờ xuất lợn đi nước ngoài, nên họ vẫn trụ, không giảm đàn.
Vẫn phải trông vào thị trường Trung Quốc
Về các giải pháp cho thực trạng này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ngoài các kiến nghị với Chính phủ mới đây, nội bộ ngành chăn nuôi lợn phải tái cơ cấu lại theo hướng giảm quy mô cho phù hợp nhất.
Theo đó, phải giảm đàn nái từ 4,2 triệu còn 3 triệu con vào năm 2019, loại thải nái già, kém chất lượng. Khu vực chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, cần tổ chức dưới dạng tổ, hợp tác xã, DN…để tăng quản trị, áp dụng khoa học kỹ thuật, kết nối lo liệu đầu ra, nếu không, bài học hôm nay sẽ liên tiếp xảy ra.
Cũng theo ông Cường, không nhất thiết phải “nhà nhà nuôi lợn”, nên ở những hộ có điều kiện, có thể chuyển đổi sang đối tượng nuôi khác, như nuôi trâu, bò, dê…Về thị trường, ông Cường cho biết, Bộ NN&PTNT sẽ chỉ đạo các đoàn đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu, ngoài thịt lợn, có gia cầm và rau quả nhất là sang Trung Quốc. Ngoài việc khuyến cáo người chăn nuôi cắt giảm chi phí đầu vào để giảm giá thành như cám, con giống, thuốc thú y…, Bộ trưởng Cường cũng kêu gọi DN trong ngành chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi.
“Các DN cần rà soát lại quy trình, giảm giá cho bà con, thậm chí lúc này không lấy lãi nữa, mà xúm tay giúp nông dân. Đây là lúc DN chia sẻ với bạn hàng, người dân, là biện pháp nuôi dưỡng bạn hàng rất tốt, chứ để bà con đứt gánh hết, lấy ai mà bán hàng”- ông Cường nói.