Thủ tướng Phạm Minh Chính:

'Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thủ tướng đánh giá, qua 33 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, vị thế như hiện nay. Trong thành tích đó, có sự đóng góp quan trọng của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Doanh nghiệp vững mạnh thì quốc gia mới hùng cường, thịnh vượng.

Hôm nay (31/12), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo đại hội.

'Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững' ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ cho VCCI

Thủ tướng nhận định, việc tổ chức Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII vào thời điểm này là hết sức thiết thực, phù hợp, là cơ hội để tổng kết, đánh giá, rút ra được những bài học quý.

Sau khi nghe báo cáo về kết quả hiệp thương và bầu cử của VCCI, Thủ tướng đánh giá cao sự đổi mới của VCCI với tên gọi mới "Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam". Cụm từ “Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” được giữ nguyên trong tên gọi tiếng Việt mới của VCCI, nhằm bảo đảm sự tiếp nối Iiền mạch của VCCI trong tất cả các vấn đề. Tên gọi tiếng Anh (Vietnam Chamber of Commerce and Industry viết tắt (VCCI) giữ nguyên.

Thủ tướng cũng cơ bản đồng tình với các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm VCCI đề ra trong nhiệm kỳ mới, và đề nghị VCCI tập trung thực hiện một số công việc.

“Đề nghị VCCI thời gian tới triển khai có hiệu quả các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển vững mạnh, có năng lực cạnh tranh quốc tế, áp dụng các tiêu chuẩn quản trị hiện đại, tích cực chuyển đổi số, đổi mới sản xuất để nâng cao vị trí của doanh nghiệp, hàng hoá, dịch vụ Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu. VCCI cần quan tâm hơn nữa đến phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng quán triệt, tinh thần, tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững. "Chúng ta không hy sinh an sinh xã hội, không hi sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần. Vì vậy, vai trò của doanh nghiệp doanh nhân có tính quyết định", Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng tán thành với định hướng của VCCI là bắt tay ngay xây dựng văn hoá kinh doanh Việt Nam. Dẫn lời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định rất rõ về tầm quan trọng của văn hoá, Thủ tướng khẳng định: “Với cộng đồng doanh nghiệp, xây dựng văn hoá kinh doanh phải xứng tầm phát triển của đất nước. Văn hoá kinh doanh gắn liền với xây dựng đất nước ta văn minh, phồn vinh, hạnh phúc"

"Việt Nam chỉ giàu và mạnh khi các doanh nghiệp giàu và mạnh. Và Việt Nam cũng chỉ phát triển bền vững và văn minh khi doanh nghiệp Việt Nam hoạt động kinh doanh theo hướng bền vững và văn minh. Văn hoá kinh doanh tạo ra sức mạnh mềm của doanh nghiệp và cũng góp phần xây đắp hình ảnh, vị thế quốc gia dân tộc trên trường quốc tế”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ đã rất tích cực ký kết các hiệp định thương mại tự do (15 hiệp định), với hầu hết thị trường lớn, quan trọng nhất trong khu vực và trên thế giới, mở ra nhiều cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ là chủ thể ký kết, nhưng doanh nghiệp mới chính là chủ thể thực hiện, hưởng lợi từ các hiệp định, và phải tranh thủ cơ hội này.

Năm 2021, dù tình hình kinh tế hết sức khó khăn, nhưng tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam vẫn đạt được con số kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, gần 670 tỷ đô la Mỹ, tăng 22,6% so với 2020. Tương lai của kinh tế Việt Nam là hội nhập và thực tế Việt Nam đã là quốc gia hội nhập rất sâu rộng với thế giới.

Do vậy, Thủ tướng đề nghị VCCI cần tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp về thị trường, tìm kiếm bạn hàng, khai thác có hiệu quả các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, xử lý và hỗ trợ khi có các tranh chấp trong quá trình hoạt động. “Lớn mạnh nhưng phải vững mạnh, nhanh nhưng phải bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG