Lớn lên trong gia đình Tiền Phong

Hỏi chuyện oan trái một gia đình buộc trộm sò huyết nuôi trái phép Bãi Bồi
Hỏi chuyện oan trái một gia đình buộc trộm sò huyết nuôi trái phép Bãi Bồi
TP - Gần 20 năm duyên nợ, tôi thấy mình lớn lên trong gia đình Tiền Phong. Là phóng viên thường trú vùng cực Nam Tổ quốc, tôi tự làm nóng và luôn nhận được hơi ấm từ gia đình thân yêu này. 

Cái tội ăn lương báo tỉnh viết báo Trung ương

 Làm báo tỉnh ở Minh Hải, rồi Cà Mau, tôi tự đặt lịch “đi- đọc- viết”. Đọc vừa để tiếp nhận thông tin, vừa học cách viết báo. Trong những tờ báo cầm tay mỗi sáng, báo Tiền Phong có bản sắc: Mạnh dạn, dám đương đầu, đứng về lẽ phải quan tâm đặc biệt thân phận con người.

Những bản thảo viết tay, rửa ảnh kẹp vô, gởi Ban đại diện báo Tiền Phong ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ cầu may đăng. Cũng theo đề tài nóng, những vấn đề bức xúc, bạn đọc quan tâm…và may thay được báo Tiền Phong sử dụng. 

Bão Linda (số 5 năm 1997) càn quét, tàn phá, gieo đau thương cho vùng bán đảo Cà Mau. Tôi được đăng phóng sự tràn trang, hoành tráng: “Một vùng biển nhuốm màu tang tóc”.

Viết bài được báo Tiền Phong đăng trang trọng, tôi viết đến mỏi tay, phản ảnh về nỗi đau, thiệt hại nặng nề: “cha mẹ mất con, vợ mất chồng, con thơ mất cha, tàu cá mất tích trên biển, làng xóm tan hoang…”.

Anh Phạm Duy Tương (Sáu Nghệ) gọi ngay: “Tiến Hưng ơi, bài trước viết xúc động, được đăng hoành tráng rồi. Nhưng đau thương không biết đâu là tận cùng! Tiến Hưng viết Cà Mau gượng dậy, đứng lên…”.

Dù bài báo thứ 2 mất quá nhiều công sức, đi đến vùng ven biển xa xôi suốt ngày đêm nhưng không được đăng “nguyên con”, cắt khúc, cập nhật số liệu mới. Anh Phạm Duy Tương định hướng đề tài, xác định chủ đề và hỗ trợ cảm xúc “máu chảy ruột mềm”.

Tôi đi tìm để viết về cách người dân dìu nhau đứng dậy, xoa dịu nỗi đau và cả những khuất tất “cơn bão thế kỷ”. Bài báo “Hàng cứu trợ đắt hơn mua ở chợ” của tôi đăng trên báo Tiền Phong gây xôn xao dư luận. Lúc bấy giờ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo lãnh đạo Cà Mau làm rõ, báo cáo, xử lý.

Tôi mừng vì bài báo của mình được Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, làm rõ, xử lý những cá nhân, tổ chức tiếp nhận hàng cứu trợ “ăn bớt” của dân nghèo. 

Còn tôi lúc đó bị kiểm điểm, bị cắt thi đua 1 năm tại báo Cà Mau do “cộng tác báo ngoài tỉnh, gây ảnh hưởng tỉnh nhà”!

Những bài điều tra đụng chạm, anh Phạm Duy Tương- Trưởng cơ quan đại diện báo Tiền Phong tại ĐBSCL “cho mượn” bút danh Sáu Nghệ. Nhưng việc “giấu đầu” vẫn “lòi đuôi”. Gặp tôi, có người nói dằn mặt: “Thằng Sáu Nghệ này ở Cà Mau!”.

Tự làm nóng nghề báo

 Đã đến lúc phải rời khỏi tờ báo địa phương, quê hương mình, tôi âm thầm làm cộng tác viên, rồi xin thử việc làm phóng viên báo Tiền Phong hòng nối dài bước đi, mở rộng tầm nhìn và thoả chí “tung bút”. 

Ban biên tập báo Tiền Phong phân công tôi thường trú tại Cà Mau, theo dõi thông tin Bạc Liêu, Sóc Trăng. Quanh đi quẩn lại 3 tỉnh ven biển, có lúc không thấy gì đáng viết. 

Tâm sự với nhà báo đàn anh và người lãnh đạo trực tiếp, anh Phạm Duy Tương nói: “Vụ việc nhỏ mà vượt qua phạm vi một địa bàn, bạn đọc cả nước quan tâm thì đeo bám, đào sâu, phản ảnh”.
Chuyện đất đai thời thị trường, chạy chức chạy quyền, dự án có ảnh hưởng đến dân nghèo…xảy ra nhiều hơn, cần phải lên án, đấu tranh. Cái thuận của phóng viên thường trú là biết rõ bản chất vụ việc nhưng khi phản ảnh thì khó lòng tránh khỏi áp lực trong cuộc sống đời thường.

Lần dở lại những bài báo được đăng trên báo Tiền Phong đều có trăn trở nghề nghiệp lẫn những kỷ niệm khó quên. Những loạt bài “Ban thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau hóa giá nhà, đất rẻ cho cán bộ”, “Bí thư Tỉnh ?y Cà Mau trả 100 triệu đồng chạy chức”, “Gia đình ba liệt sĩ mất đất”, “Bí thư Huyện ủy tranh chấp đất với dân nghèo”, “Tá điền dưới tán rừng U Minh”, “Nông dân lang thang sau dự án”…

Những bài báo có kết quả mức độ khác nhau, nhưng góp phần tạo nên vị thế Tiền Phong vùng cực Nam Tổ quốc. Phần mình nhận lại là bút danh Nguyễn Tiến Hưng có dũng cảm đấu tranh, dám phê phán tiêu cực, đi vào thân phận con người thuộc nhóm yếu thế.

Thường trú không cô đơn

 Thời gian trôi qua nhanh, những người còn ở lại và những người rời gia đình Tiền Phong đã để lại cho tôi hình ảnh của những đồng nghiệp đàn anh, có trách nhiệm với thương hiệu tờ báo.
Khi chưa kịp đọc bài điều tra trên báo Tiền Phong “Nông dân lang thang sau dự án” phản ảnh người nông dân khai hoang vùng đất ven biển Bạc Liêu bị đẩy ra khỏi cuộc chơi. Nhà báo- nhà thơ Dương Kỳ Anh, Tổng biên tập báo Tiền Phong lúc bấy giờ điện thoại: “Tiến Hưng tiếp tục bám sát dự án này, có thể là dự án điển hình thời mở cửa”.

Thật tình, tôi chẳng biết diễn biến sau này như thế nào. Bài báo phản ảnh cảnh “vô gia cư, mất đất ” của hàng trăm gia đình nông dân từng đi khai hoang vùng ven biển Bạc Liêu sau ngày miền Nam giải phóng. Họ buộc phải rời khỏi mảnh đất, ngôi nhà, bị đẩy ra đường ngày giáp Tết, để đại gia Việt kiều Trần Kia triển khai Dự án nuôi trồng thủy sản hàng ngàn héc- ta ven biển Bạc Liêu.

Từ phản ảnh báo Tiền Phong, Thủ tướng Chính phủ quyết định tăng mức bồi thường, cấp đất tái định cư cho những người dân mất đất và kỷ luật hàng loạt cán bộ tỉnh Bạc Liêu. 

Bài phản ảnh “Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau nộp trả 100 triệu đồng “chạy chức” được dư luận đặc biệt quan tâm. Bởi trước đó, trên nghị trường từng nói hiện tượng chạy chức, chạy quyền nhưng chưa phát hiện trong thực tế.

Lớn lên trong gia đình Tiền Phong ảnh 1 Một gia đình nghèo khó “sinh đạo tặc” ở Rạch Chèo (Phú Tân, Cà Mau)

Trong lúc dư luận nóng hừng hực, gây cấn nhưng anh Phạm Duy Tương bận chuyến công tác phía Bắc, Ban biên tập phân công nhà báo Nguyễn Bá Kiên- nguyên Phó Tổng Thư ký tòa soạn (nay làm Tổng Biên tập báo Giao thông) trực tiếp trao đổi, gợi ý, biên tập và chốt nội dung từng bài báo hàng ngày đến 23 giờ hằng đêm.

Ban biên tập báo Tiền Phong điều động nhà báo Hồng Lĩnh thường trú tỉnh Kiên Giang sang Cà Mau “hợp sức”. Bởi lẽ, Hồng Lĩnh có thế mạnh “lạ mặt” đi vào những nơi cần thiết mà không bị phát hiện. 

Gần 30 ngày, báo Tiền Phong liên tục mổ xẻ, phân tích mọi khía cạnh vụ lùm xùm chạy chức, mất đoàn kết nội bộ,…với thông tin mới, lạ, trước báo bạn.

Dù cố gắng nhớ mặt nhưng không nhớ nổi những đồng nghiệp làm ở vị trí khác nhau của Toà soạn, chưa kể đồng nghiệp vùng miền nhưng qua trao đổi nghiệp vụ cũng có thể hình dung tính cách. Đó là cách tiếp cận, lối tư duy rồi định hướng, xử lý thông tin và kể cả tình huống xấu có thể xảy ra cần tháo gỡ thế nào?

Những lần có dịp ra Hà Nội, Ban biên tập báo Tiền Phong thường dành thời gian để anh em phóng viên thường trú ngồi lại với Ban thư ký toà soạn để biết nhau, hiểu nhau hơn.

Rõ ràng, mỗi tác phẩm báo chí đăng trên Tiền Phong là công trình tập thể với máu nghề luôn hừng hực đáng trân trọng. Cái cảm giác nói thẳng chỉ đạo “rát” mang lại hiệu quả cao.

Chưa bao giờ tôi nghĩ phải rời gia đình Tiền Phong. Bởi gia đình Tiền Phong cho tôi cơ hội làm báo, nâng bước xa hơn, trải nghiệm môi trường làm báo chuyên nghiệp, kỷ luật và tâm sáng với nghề báo.

MỚI - NÓNG