'Lolita' và trường hợp Vladimir Nabocov

'Lolita' và trường hợp Vladimir Nabocov
TP - Cuốn tiểu thuyết lừng danh gây tranh cãi suốt mấy chục năm, nay mới có mặt ở Việt Nam. Tiền Phong trích bài của dịch giả Phạm Anh Tuấn giới thiệu “một trường hợp bất thường bậc nhất của văn học thế kỉ 20”.

>Lolita tiếng Việt có gây cuồng phong?

Tôi nghĩ, những ai háo hức tìm đọc Lolita xuất phát từ “nghe nói” về nó hoặc suy đoán do đọc một bài viết ở trình độ thẩm mỹ thường thường bậc trung chỉ quan tâm khai thác khiên cưỡng cái khía cạnh được họ cho là đậm chất dâm dật ở câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết này, có lẽ sẽ sớm thất vọng.

Một kiểu độc giả khác, có lẽ đông hơn, tìm đọc Lolita với tâm lý cố sống cố chết để hiểu xem tác giả định nói gì, hoặc “ý tưởng hoặc ý nghĩa xã hội của cuốn sách này là gì” (như Vladimir Nabokov viết trong phần hậu từ Lolita). Cả hai cách, hoặc thô thiển hoặc duy lý tuyến tính, có thể gọi gộp chung thành cách đọc của kiểu độc giả cựu trào.

Của đáng tội, hai lỗi nói trên không hẳn do độc giả. Bởi, gạt sang một bên cái sức ỳ của truyền thống, dư tàn của tập tục, thói quen thẩm mỹ cố hữu và tác hại của kiểu giảng dạy văn học theo lối bình và tán (trong nhà trường phổ thông lẫn đại học), thì Lolita là tác phẩm cực kỳ khó đọc. Thậm chí khó hiểu ngay cả với những người rất, vâng, rất giỏi Anh ngữ.

Thoạt nhìn, Lolita giống như một câu chuyện nhạt nhẽo, tầm thường mà ta có thể đọc thấy trong cuốn sách tầm phào hoặc báo lá cải. Câu chuyện liên quan đến người đàn ông trung niên Humbert Humbert bị dày vò bởi nỗi ám ảnh nhục dục với một kiểu bé gái được ông ta gọi chung là các “tiểu nữ thần” (“nymphet”, một từ do Nabokov bịa và đã đậu được trong từ vựng tiếng Anh); và mối quan hệ của ông ta với cô bé Lolita 12 tuổi.

Cuốn tiểu thuyết mang hình thức của một cuốn tiểu thuyết về một bản thảo do chính nhân vật Humbert ghi lại những hồi ức về cuộc đời của ông ta và về những ngày tháng ông ta cùng Lolita lang thang qua các vùng của nước Mỹ (quãng đường tổng cộng hơn 43 nghìn cây số). Những hồi ức được kể lại bằng những liên tưởng chồng chéo, đan xen, như những “mớ gai chằng chịt” (lời của Humbert) và bằng một văn phong chói màu, lúc thống thiết lúc giễu cợt. “Tôi không nghĩ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào. Tôi nghĩ bằng hình ảnh”. Trong Lolita, cứ có dịp là ông lại chọc giễu tâm phân học của Freud, nhại giễu thủ pháp dòng lũ ý thức của James Joyce, bởi ông cho rằng James Joyce vẫn còn quá lệ thuộc vào việc phải cấp cho tư duy một hình hài “chữ”.

Thật vậy, Nabokov nói rằng, trong các tác phẩm của ông thì Lolita là tác phẩm tinh khiết nhất, trừu tượng nhất và được ông tính toán cẩn thận nhất. “Lolita là tác phẩm tôi đặc biệt ưng. Đó là tác phẩm khó khăn nhất của tôi, nó xử lý một chủ đề quá xa, quá tách biệt với đời sống xúc cảm của tôi, bởi vậy nó cho tôi niềm vui được vận dụng kết hợp nhiều tài năng của mình để làm cho câu chuyện không trở thành giả tạo”.

Vladimir Nabokov sinh 1899 ở St. Petersburg, Nga. Năm 1918, gia đình ông rời sang Anh. Năm 1922, ông sang sống ở Berlin, Đức. Mười tám năm sau đó, ông sống ở Berlin và có thời gian ở Paris. Ngoài viết văn, ông kiếm sống bằng nghề dịch thuật, dạy Anh văn, quần vợt và sáng tác các trò chơi ô chữ bằng tiếng Nga. Năm 1940, Nabokov sang Mỹ sinh sống. Ngoài viết văn, ông còn giảng dạy văn học, ở bậc đại học đồng thời làm chuyên viên nghiên cứu tại bảo tàng động vật học so sánh ở Đại học Havard. Ông được thừa nhận là nhà côn trùng học xuất sắc (chuyên về bọ cánh vẩy lepidotere). Nhiều loài bướm do ông phát hiện đã được mang tên ông. Ngoài Lolita (1955), tác phẩm chính viết bằng tiếng Anh gồm Vạch chéo trên chiếc gia huy (Bend Sinister, 1947), Pnin (1957), Lửa trắng (Pale Fire, 1962), Hãy nói đi, ký ức (Speak, Memory, 1951). Nabokov cũng là dịch giả cự phách. Ông dịch tác phẩm của nhiều nhà thơ Nga sang tiếng Anh, trong đó có Pushkin.

Thật khó để xếp thi pháp tiểu thuyết Nabokov thuộc phong cách, trường phái hoặc thậm chí một “ism” (chủ nghĩa) nào. Ông sống khép kín, sống như thể ngốn ngấu cuộc đời của mình, sống trọn vẹn (thậm chí hiểu theo cả nghĩa đen) với cái đẹp, thi ca, nghệ thuật của bản thân ông. Ông không biết lái xe, không biết nấu ăn, không biết cách gấp một cái ô, không tham gia bất kỳ câu lạc bộ hoặc nhóm nào. Không quảng cáo sách cũng chẳng ký tặng sách. Ngay cả cách ông mường tượng về cái chết của mình cũng rất duy mỹ, giống như thể ông suy ngẫm về một bài thơ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.