Lời tự thú bất ngờ của các phi công Mỹ ném bom VN
> ‘Tư liệu sống’ trong chiến dịch ‘Điện Biên Phủ trên không’
Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền bốn lần vào một bệnh viện lớn, với hàng chục tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được, một thiếu tá người Mỹ viết.
Ảnh tư liệu của Mỹ. |
"Chúng tôi thiết tha mong rằng những người lãnh đạo của nước Mỹ chấm dứt ngay những cuộc ném bom này. Họ cần làm mọi việc để cuộc chiến tranh chấm dứt ngay, để chúng tôi sớm được trở về với gia đình", thiếu tá không quân Carl H. Jeffcoat gửi lời cầu xin từ Hỏa Lò (Hà Nội)
"Bám đuôi nhau mà về"?
Đại úy hoa tiêu B.52 Robert G. Certain khai rành rọt sau khi bị bắt sống: "Chúng tôi xuất phát từ đảo Guam. Khi chúng tôi đang giải trí ở câu lạc bộ sỹ quan, một số đã chuẩn bị đi ngủ thì lệnh trên gọi đi ngay. Lệnh cấp tốc. Hoạt động nhiều tốp. Cùng một lúc.
Chưa bao giờ huy động lớn đến thế. Ai cũng bất ngờ.
Bất ngờ hơn nữa là nghe phổ biến nhiệm vụ: đánh vào vùng Hà Nội.
Chúng tôi lo ngại nhìn nhau. Có đứa bảo: Thế là hết Noel.
Mấy viên đại tá cơ quan tham mưu bảo chúng tôi: "Không có gì phải lo cả. Đi ném bom đêm. Bay cao. Cứ bám đuổi nhau cho chặt. Chiếc nọ thẳng hàng chiếc kia. Rồi bám đuôi nhau trở về. Sẽ trở về đủ. Không có gì đáng lo cả!".
Robert còn được các chỉ huy đảm bảo "đi đánh đêm, MIG và trận địa tên lửa không nhìn thấy được", rồi thay vì được ngủ một giấc tại Guam, là đi thẳng vào "Hilton" Hỏa Lò ngủ dài ngày lẫn đêm.
Còn trung tá lái chính B.52 Henry Ian thì không thể quên những ngày trước khi vào Hỏa Lò "nghỉ ngơi": "Mọi người lên xe Jeep đi tới một dãy nhà một tầng màu xám. Ở đó người ta họp phổ biến nhiệm vụ cho các phi công trước khi đi ném bom. Không khí lặng lẽ và chìm đắm. Những ai chưa đến lượt đi thì nằm tại buồng riêng thở dài, nghĩ đến gia đình. Những người sắp lên máy bay thì lặng lẽ nhìn nhau, không nói chuyện nhiều như trước.
Trong cuộc họp, người ta còn nói tới cả những hoạt động đi cứu của phi vụ hôm trước, nhưng không nói rõ thiệt hại ra sao. Việc giấu diếm úp mở này càng làm khủng hoảng thêm về tâm lý đối với những người sắp ra đi như tôi lúc bấy giờ. Tất cả là màu xám. Một phòng họp màu xám dưới một bầu trời màu xám.
... Hôm ấy là ngày 22-12, máy bay tôi đi đầu tốp thứ 3 trong số 4 tốp của hướng chúng tôi, xuất phát từ Utapao (Thái Lan) lúc 1h30' sáng. Máy bay của tôi chở bom 700 và 500 cân Anh. Lúc bấy giờ chúng tôi đang ở độ cao 10km, tốc độ khoảng 900km/h. Khoảng 4 phút trước khi tới mục tiêu (Hà Nội) thì chúng tôi được báo động có hiện tượng nghi ngờ là máy bay MIG đang săn đuổi. Ngoài ra, với mắt thường, chúng tôi có thể thấy nhiều tên lửa SAM bay vút lên phía chúng tôi.
Máy bay của tôi bị liên tiếp 2 tên lửa SAM. Sau khi bị hỏng vì quả SAM thứ nhất, chúng tôi không liên lạc gì được với nhau. Tôi đang cố gắng giữ cho máy bay thăng bằng thì bị tiếp quả SAM thứ 2, máy bay bị hỏng nặng. Cửa kính chắn gió ở buồng lái vỡ tung, hệ thống điện trong máy bay hoàn toàn mất hiệu lực, 2 động cơ máy bay bị cháy, cánh trái cháy, điện đài liên lạc để cứu cũng không liên lạc được.
Tôi là phi công lái chính, và là người chỉ huy phi hành đoàn. Tôi rất muốn liên lạc với mọi người trong nhóm, nhưng cả người lái phụ tôi cũng chẳng biết số phận anh ta ra sao. Ghế dù bật tôi ra khỏi máy bay, chiếc máy bay khổng lồ 8 động cơ mà tôi lái đang cháy sáng rực như một quả cầu lửa lớn. Xung quanh tôi tên lửa, đạn pháo nổ, réo vun vút. Thật là kinh khủng. Khi dù sắp hạ tôi xuống đất thì đã có rất nhiều người chờ sẵn để bắt tôi".
Trong một kíp bay khác, trung úy, hoa tiêu William Thomas Mayall thì than phiền với những người bắt mình: "Theo quy định của giáo trình dạy người lái B.52, nếu gặp bất trắc phải xử lý nhảy dù thì người lái chính phải ra lệnh cho toàn kíp. Sau đó thứ tự nhảy dù quy định như sau:
Thứ nhất, người giữ súng được nhảy đầu tiên. Thứ 2 và thứ 3 là hai hoa tiêu, vì không cần đến họ nữa. Thứ 4 là sỹ quan điện tử. Thứ 5 là phụ lái và cuối cùng là lái chính, vì 2 người này phải giữ cho máy bay thăng bằng, phải cầm lái đến giây cuối cùng, đảm bảo an toàn cho kíp bay lần lượt nhảy dù hết. Tài liệu nhắc rõ là người lái chính phải nhảy dù cuối cùng, khi trong máy bay không còn ai.
Thế nhưng trong máy bay của tôi, hai thằng lái lại nhảy trước tiên. Chúng nó cầm lái, chúng nó nhận ra nguy hiểm đầu tiên. Và chẳng ra lệnh gì cả. Tự chúng nó, hấp! Thoát thân! Mặc chúng tôi. Cũng may, tuy bịt kín tai bằng máy nghe, nhưng tôi thấy máy bay rung mạnh, ngước nhìn lên thì chẳng thấy thằng nào còn ngồi ở ghế cả.
Tôi liền vội bấm nút nhảy dù. Tôi ngồi tầng dưới, hệ thống nhảy dù của tôi không phải bật lên mà là tụt xuống dưới. Từ bụng máy bay bật thẳng xuống, rơi tõm theo hướng thẳng đứng, khá mạnh. Chậm một tý nữa, máy bay lật ngửa bụng là tôi chết cháy".
Bị bắt mới biết còn sống
Còn trung úy bắn súng máy B.52 Robert M. Hudson (trên máy bay Ebony 02) thì thở phào thuật lại tại Hỏa Lò: "Sân bay bao trùm một không khí nặng nề. Phải nói là buồn, rất buồn. Những ngày Noel xấu nhất. Tôi không thấy một ai chạm cốc với bạn bè. Chúc nhau "một Noel vui vẻ" chỉ là những câu chúc gượng gạo và mỉa mai. Tôi cảm thấy có một không khí chán nản, thậm chí bực bội đối với lệnh đi ném bom. Chưa bao giờ, vâng, chưa bao giờ sân bay B.52 lại có cái không khí khổ sở đến thế!
Bọn hạ sỹ quan B.52 chúng tôi có một mối thắc mắc cố hữu: Sao không cho tên kỹ sư nào đặt ra cái khẩu súng máy này trên máy bay B.52 đi một chuyến cho nó biết?
Không có việc gì làm. Không phải lo nghĩ gì về đường bay, tốc độ, độ cao, máy điện tử... như năm thằng kia. Tôi chỉ có mỗi một việc là ngồi yên để mà sợ. Nhiệm vụ của tôi là sợ, nhiệm vụ tiếp theo cũng là sợ, nhiệm vụ cuối cùng cũng vẫn là sợ.
Tôi lại ngồi ở cuối máy bay. Họ dành cho tôi chỗ rất rộng, nơi tên lửa đuổi theo nổ thì chết trước ai hết! Vâng, vào đây tôi mới yên trí là tôi còn sống. Chứ cứ đi mãi, cứ ngồi ở đuôi B.52 mãi, thì khó tránh khỏi cái chết, không còn đường về với gia đình...".
Việc B.52 bị bắn rơi ngày càng nhiều và nhân viên phi hành bắt sống liên tục đã gieo sự sợ hãi lên cả chỉ huy của chính họ. David L. Drummond, đại úy phụ trách lái B.52 khai: "Suốt 4 hôm (từ 18 tới 21-12), không khí sân bay rất căng thẳng. Câu lạc bộ vắng hẳn. Ít chuyện trò, chẳng ai nói đùa, khôi hài như trước.
Các cuộc thông báo (briefing) càng căng thẳng hơn. Đại tá David (Chỉ huy Biên đội 307-NV) đứng dậy hỏi chúng tôi: "Các anh xem có cách nào tránh khỏi máy bay bị trúng đạn và khỏi rơi không?". Chúng tôi ai cũng biết con số 11 máy bay B.52 đã bị rơi theo Đài phát thanh Hoa Kỳ. Có lẽ con số ấy còn thấp. Không một ai trả lời câu hỏi của David. Nhiều người quay lại bọn E.W.O (sỹ quan điện tử), bọn này cũng im lặng. Đến ngày 25 thì không khí còn căng thẳng hơn nữa".
Trong khi đó, tại Hà Nội, William W. Conlee (trung tá điều khiển máy điện tử B.52) thừa nhận: "Chúng tôi được đến tận nơi xem một dãy phố dài, một bệnh viện lớn. Chúng tôi rất ngạc nhiên và rất hổ thẹn. Chúng tôi bị cấp trên lừa. Vâng. Đúng là sự lừa dối. Họ bảo là mục tiêu quân sự, nhưng thật ra là vùng đông dân. Bom ném theo bản đồ được đánh dấu kỹ, không thể lầm lẫn!".
Sự ám ảnh của Conlee trong những ngày bị bắt tại Hà Nội rất khó có thể phai nhòa: "Tôi cứ nhớ mãi quanh cảnh những hố bom giữa Hà Nội. Cái bảng lớn đề những dòng chữ màu đỏ và đen: Đời đời ghi xương khắc cốt tội ác của giặc Mỹ (Conlee không nhớ nguyên văn - NV) cứ ám ảnh tôi. Tôi biết rằng người Việt Nam lúc bắt tôi dù có đánh và xé xác tôi ra, chúng tôi cũng phải chịu.
Thế nhưng các ông không đối xử như thế. Vào đến đây, mọi suy nghĩ của chúng tôi bị đảo lộn. Đảo ngược hẳn. Cứ muốn giữ những hiểu biết và quan niệm cũ, nhưng thực tế lại khác. Đất nước chúng tôi trải qua một thời kỳ xấu, rất xấu".
Còn Louis H. Bernasconi (trung tá hoa tiêu B.52) đã hình dung ra sự thật của lệnh ném bom hủy diệt Hà Nội từ tổng thống Mỹ: "Ở trường huấn luyện đội ngũ người lái chiến đấu của Bộ Chỉ huy không quân chiến lược tại căn cứ tại Califonia, người ta dạy chúng tôi rằng B.52 là để ném bom những mục tiêu cực lớn, những khu liên hợp quân sự rộng hàng chục dặm vuông. Mục tiêu loại này ở Việt Nam không hề có. Tôi hiểu rằng dùng B.52 ném bom những vùng đông dân chính là để sát thương thật nhiều nhằm mục đích gây sức ép".
Carl H. Jeffcoat (thiếu tá phi công B.52) thì khẳng định sau khi được đưa tới chứng kiến sức tàn phá của bom Mỹ tại bệnh viện Bạch Mai: "Thế là rõ. Chúng tôi bị lừa. Chỉ có thể là như thế. Họ bảo chúng tôi là ném bom mục tiêu quân sự. Đánh liền bốn lần vào một bệnh viện lớn, với hàng chục tấn bom thì không thể gọi là nhầm lẫn được.
Tôi thất vọng. Tôi buồn. Vì lòng tin của tôi vào Tổng thống của chúng tôi sụp đổ. Bây giờ thì những điều các ông nói đều đúng. Cuộc chiến tranh này rất xấu.
Tôi xin nói thật, nếu biết rằng bom rơi xuống những vùng đông dân ở như thế, thì tôi, và nhiều người chúng tôi sẽ không đi!".
Trong khi đó, tại Washington, các nghị sỹ đảng Dân chủ ra tối hậu thư: "Không có yêu cầu dân tộc nào hơn yêu cầu chấm dứt ngay lập tức sự dính líu của chúng ta (Mỹ) trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam".
Ngày 30-12-1972, Nixon rốt cuộc đã phải xuống thang, tuyên bố chấm dứt ném bom hoàn toàn miền Bắc, ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973, có hiệu lực từ 7h ngày 28-1-1973. Kisingger đã phải thừa nhận với các đại biểu Việt Nam tại Paris rằng: "Các ngài không những anh hùng lại thông minh".
12 ngày đêm "Điện Biên Phủ trên không" đã là đòn giáng mạnh vào "Tư tưởng sùng bái công nghệ và máy móc, coi học thuyết ném bom chiến lược như một giải pháp cho mọi cuộc xung đột và bom là thứ thuốc bách bệnh của Mỹ" (E.Tinpho, "Không quân Mỹ làm được gì ở Việt Nam?").
Theo Trường Minh
VietNamNet