45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không

Lời tiên tri của Bác và sự chuẩn bị chiến lược

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B-52 của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, năm 1972. Ảnh tư liệu.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt phương án đánh máy bay B-52 của Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ, năm 1972. Ảnh tư liệu.
Thắng lợi của Việt Nam trong đánh trả cuộc tập kích đường không chiến lược của không quân Mỹ bằng B-52 cuối tháng 12-1972 vừa là bất ngờ, vừa là câu hỏi lớn đối với bạn bè thế giới. Bởi, với lực lượng và khả năng có hạn, làm sao Việt Nam thắng được cuộc tập kích chiến lược với sức mạnh ghê gớm như vậy?

Lời tiên tri của Bác và sự chuẩn bị chiến lược

Cuối năm 1972, lực lượng PK- KQ miền Bắc có ba nhiệm vụ rất nặng nề, vừa trực tiếp tham gia trong đội hình tác chiến quân binh chủng hợp thành ở mặt trận Quảng Trị, vừa phải ra sức bảo vệ giao thông trên mặt trận Khu 4, đồng thời sẵn sàng đánh trả một cuộc tập kích đường không quy mô lớn vào Hà Nội, Hải Phòng. Lực lượng phòng không phải phân tán nhiều nơi để đáp ứng các yêu cầu chiến lược.

Bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng chỉ có 5 trung đoàn tên lửa, 6 trung đoàn pháo cao xạ, 4 trung đoàn không quân, trong đó chỉ có 2 trung đoàn Mig-21, ra đa chỉ có 4 trung đoàn rải khắp miền Bắc. Ngoài ra, lực lượng phòng không của dân quân tự vệ 9 tỉnh có 1.316 khẩu pháo cao xạ các loại. Nếu đem vũ khí chọi vũ khí, đem kinh tế chọi kinh tế thì rõ ràng đây là một sự chênh lệch không thể tưởng tượng nổi và phần thắng chắc chắn thuộc về Mỹ, nhưng thực tế phần thắng đã thuộc về ta. Một trong những nguyên nhân quan trọng, đó là ta đã có sự chuẩn bị chu đáo cả về mặt chiến lược và chiến dịch.

Tại buổi hội thảo nhân kỷ niệm 45 năm Chiến thắng Hà Nội- Điện Biên Phủ trên không vừa được tổ chức vừa qua, Trung tướng Nguyễn Xuân Mậu, khi đó là Phó chính ủy Quân chủng PK-KQ nhớ lại: Ngay từ năm 1962, Bác Hồ đã gặp đồng chí Phùng Thế Tài lúc đó vừa nhận chức Tư lệnh Phòng không và Bác hỏi: “Chú đã biết gì về máy bay B-52 chưa”? Bác lại nói tiếp: “Có biết lúc này cũng chưa làm gì được, nhưng phải chuẩn bị từ bây giờ để sẵn sàng đối phó với nó…”

Đến ngày 18/6/1965, lần đầu tiên trong lịch sử chiến tranh, đế quốc Mỹ đã sử dụng máy bay chiến lược B-52 ném bom rải thảm khu vực Bến Cát (Tây Bắc Sài Gòn). Ngay sau đó một tháng, ngày 19/7/1965, Hồ Chủ Tịch đến thăm Đoàn pháo Cao xạ “xung kích” và Đại đội 1 Đoàn Pháo cao xạ “Tam Đảo”. Tại đây, Bác đã nói: “Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B-57, B-52 hay bê gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh, mà đánh là nhất định thắng”.

Ngày 12/4/1966, B-52 ném bom khu vực Đèo Mụ Giạ, Quảng Bình. Bác Hồ đã chỉ thị cho đồng chí Đặng Tính, Chính ủy Quân chủng PK-KQ: “B-52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B-52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú PK-KQ”. Tiếp đó, ngày 29/12/1967, trong buổi làm việc với đồng chí Phùng Thế Tài, Tư lệnh PK-KQ, Bác đã nói lời tiên tri: “Sớm muộn rồi đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ra đánh Hà Nội rồi có thua nó mới chịu thua. Phải dự kiến trước tình huống này càng sớm càng tốt, để có thời gian mà suy nghĩ chuẩn bị… ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.

Ngày 5/4/1972, khi tình hình chiến sự ở miền Nam đang diễn ra sôi sục, Quân uỷ Trung ương đã chỉ thị cho Quân chủng PK-KQ và các Quân khu: “Phải sẵn sàng đối phó với khả năng Mỹ cho không quân, kể cả không quân chiến lược đánh phá trở lại miền Bắc”. Và đến cuối tháng 11/1972 Quân uỷ Trung ương lại nhấn mạnh “Đế quốc Mỹ có thể liều lĩnh dùng B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng”.

Ngày 24/11/1972, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cùng các Tham mưu phó: Trần Quý Hai, Vương Thừa Vũ, Cao Văn Khánh, Phùng Thế Tài đã thông qua và phê chuẩn kế hoạch đánh B-52 bảo vệ Hà Nội, Hải Phòng của Quân chủng PK-KQ. Đây là một kế hoạch mang tầm vóc chiến dịch, một chiến dịch phòng không được tiến hành chủ yếu bằng lực lượng phòng không ba thứ quân trên miền Bắc, lấy Quân chủng PK-KQ làm nòng cốt. Sau khi ký duyệt, Tổng Tham mưu trưởng trực tiếp ra lệnh “Phải hoàn thành nhiệm vụ công tác chuẩn bị trước ngày 3/12/1972” và dặn thêm: “Trước ngày Nixon nhậm chức, Mỹ có thể mở đợt tập kích bằng không quân chiến lược ra Hà Nội, Hải Phòng các đồng chí phải nắm địch thật chắc. Tuyệt đối không để bị bất ngờ… phải tập trung mọi khả năng nhằm đúng đối tượng B-52 mà tiêu diệt”.

Đầu tháng 12/1972, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã xuống Sở chỉ huy Quân chủng PK-KQ, trực tiếp nghe Tư lệnh Lê Văn Tri trình bày về kế hoạch đánh B-52 của Quân chủng. Đồng chí đã nhấn mạnh: “Để gây sức ép với ta, trước sau Mỹ cũng sẽ đưa B-52 ném bom Hà Nội; quân dân ta, mà nòng cốt là Quân chủng PK-KQ phải kiên quyết làm thất bại âm mưu này của chúng”. Như vậy có thể nói về mặt chiến lược, chúng ta không hề bị bất ngờ trước mưu thâm, kế độc của Mỹ.

Nghiên cứu cách đánh B-52 từ những trận "mưa bom"

Để có cơ sở xây dựng quyết tâm và kế hoạch đánh B-52, ngay từ tháng 5/1966, Quân chủng PK-KQ đã tổ chức cho Trung đoàn tên lửa 238 (Sư đoàn 363) cơ động chiến đấu, trực tiếp nghiên cứu cách đánh tại chiến trường Vĩnh Linh. Trải qua gần một năm vừa hành quân vừa chiến đấu, hai phân đội 81 và 83 thực hiện nhiệm vụ phục kích đánh B-52. Trung đoàn đã tổ chức nghiên cứu tìm hiểu B-52 từ những trận mưa bom để quan sát trực tiếp từ những vệt khói, từ các bài bom nổ để phân tích đội hình bay và chiến thuật hoạt động của B-52.

Lời tiên tri của Bác và sự chuẩn bị chiến lược ảnh 1

Trung đoàn không quân 921 chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu bảo vệ bầu trời Hà Nội, tháng 12-1972. Ảnh tư liệu. 

Ngày 15/3/1967, B-52 xuất hiện, Trung đoàn đã tổ chức trận đánh tập trung nhưng không thành. Phát hiện có tên lửa ở Vĩnh Linh, không quân Mỹ đã lồng lộn săn lùng để tiêu diệt mục tiêu.

Đến tháng 1/1972, Quân chủng PK-KQ tiếp tục đưa thêm 4 trung đoàn tên lửa vào Khu 4 cùng một số máy bay Mig-21 để chi viện cho Chiến dịch Trị Thiên. Đến giữa năm 1972 Quân chủng PK-KQ đã đưa 04 đợt tên lửa, ra đa và nhiều chiếc máy bay Mig-21 vào chiến trường, trực tiếp nghiên cứu cách đánh B-52. Tuy đã bắn rơi được B-52, nhưng chưa có lần nào B-52 rơi tại chỗ và bắt sống giặc lái. Nhưng từ những nghiên cứu thực tế thu được đã có cơ sở để tháng 9/1972, Quân chủng PK-KQ đã xây dựng được “Phương án đánh máy bay B-52”.l

Như vậy, về mặt chiến dịch đã được ta chuẩn bị chu đáo và thực tế là đêm 18/12/1972, khi Mỹ tiến hành chiến dịch tập kích đường không vào Hà Nội, chúng ta đã hoàn toàn chủ động đối phó, không bị bất ngờ. Bằng đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn, chúng ta đã xây dựng được một thế trận phòng không nhân dân rộng khắp tạo thành một sức mạnh to lớn để đánh thắng. Trong thế trận đó phải kể đến vai trò của các lực lượng, như Bộ đội Ra đa, Bộ đội Không quân tiêm kích, Bộ đội Tên lửa Phòng không, Bộ đội Pháo phòng không, Lực lượng phòng không của Bộ đội địa phương và dân quân tự vệ.

Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.