Lỗi thời quan niệm 'yêu cho roi cho vọt'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học trò mắc lỗi, giáo viên giải quyết vấn đề bằng bạo lực khiến nhiều người bất bình, thậm chí phẫn nộ vì giáo dục bằng đòn roi sẽ gây tổn thương cho học sinh. Nhà quản lý giáo dục cho rằng, sĩ số lớp học quá đông, giáo viên quá áp lực và e dè trong nhiều tình huống.

Sự việc học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (TPHCM) bị giáo viên đánh gãy ngón tay vừa qua khiến nhiều người bức xúc. Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, liêp tiếp xảy ra các vụ việc nhà giáo mắng chửi, thậm chí túm cổ áo học sinh kéo đi… Các vụ việc ngay lập tức được các cấp quản lý giáo dục yêu cầu xử lý nghiêm, lực lượng Công an vào cuộc xác minh, làm rõ. Riêng thầy giáo thóa mạ học sinh trong giờ Ngoại ngữ ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất (Hà Nội) đã phải xin nghỉ việc.

TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ, nhiều người có quan điểm dùng đòn roi để trừng phạt, dạy dỗ trẻ nhằm khiến trẻ không lặp lại lỗi sai. Thế nhưng, phương pháp đó không hiệu quả, ngược lại sẽ để lại vết hằn, sự tổn tại đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ.

Trường hợp giáo viên có lời nói, hành vi bạo lực đối với học trò qua một số vụ việc gần đây cho thấy vẫn còn tồn tại quan điểm lời nói, yêu cầu của giáo viên luôn đúng và học sinh buộc phải làm theo.

Nếu học sinh làm trái với mệnh lệnh của giáo viên có nghĩa học sinh đó mắc lỗi trong khi cần phải nhìn nhận ở góc độ, tại sao học sinh lại có phương án khác? Hay thậm chí học sinh chưa ngoan, chưa hiểu bài, thầy cô phải kiên nhẫn với học sinh.

Giáo viên chịu nhiều áp lực

Lỗi thời quan niệm 'yêu cho roi cho vọt' ảnh 1

Đòn roi sẽ là nỗi ám ảnh đối với học trò (ảnh minh họa)

Cô Lê Thị Thanh Huyền, người có 24 năm đứng lớp dạy học sinh lớp 1 ở một trường tại quận Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng, không đồng tình với việc cô giáo đánh học sinh đến gãy ngón tay như sự việc ở TPHCM cũng như không ủng hộ quan điểm giáo dục bằng đòn roi. Đánh trẻ để giải quyết vấn đề sẽ chỉ có hiệu lực tức thì, tại thời điểm đó nhưng về lâu dài sẽ khiến các em thu mình, sợ hãi. Kinh nghiệm của cô Huyền khi học sinh hư, không nghe lời thường sẽ “nâng tông giọng” sau mỗi lần nhắc nhở. Đến lần thứ 5, học sinh được mời lên ngồi bàn giáo viên chép bài như một hình thức phạt.

Theo cô Huyền, giáo viên hiện chịu nhiều sức ép chương trình, SGK vẫn nặng nề cũng như áp lực từ xã hội, phụ huynh. Mỗi lớp học từ 45-50 học sinh là quá đông, giáo viên không có thời gian quan tâm đến từng em. Trong đó, học sinh ngoan nhiều nhưng học sinh chưa ngoan cũng không ít. Giáo viên quay cuồng trong guồng dạy chữ, chấm bài, viết nét mẫu vào vở từng học sinh. “Cũng có lúc rơi vào tình huống ức chế nhưng mình cố nín nhịn nhưng cũng có giáo viên nóng nảy, hành động bột phát”, cô Huyền nói.

Chuyên gia tâm lý, tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho rằng, nhà giáo cần xóa bỏ quan niệm đòn roi đối với học trò. Trong lớp học sẽ có rất nhiều tình huống xảy ra nhưng đứng ở góc độ người thầy, người dạy học tuyệt đối không được có hành vi nóng giận để có hành vi, lời nói bạo lực thể chất, tinh thần học sinh. Trẻ ở bậc tiểu học, nhất là lớp 1 vừa rời trường mầm non thường ngoan và rất sợ cô giáo. Tuy nhiên, các cháu chưa quen với nền nếp của bậc học mới, lại càng cần sự kiên trì, nhẹ nhàng hướng dẫn của giáo viên. “Ngoài dạy chữ, mỗi nhà giáo đều là tấm gương để học trò noi theo, đồng thời cũng là người dạy học trò biết yêu thương, tôn trọng, biết ứng xử với người khác. Qua mỗi sự việc, các nhà trường, giáo viên cần rút kinh nghiệm sâu sắc để không lặp lại”, TS Tùng Lâm nói.

Ở góc độ quản lý trường học, bà Trần Thị Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vạn Bảo, quận Hà Đông (Hà Nội), cho biết, từ khi tập huấn hè, nhà trường luôn yêu cầu giáo viên tuyệt đối không có hành vi, lời nói bạo lực thể chất, tinh thần học sinh. Đặc biệt, đối với lớp 1, lớp đầu cấp, cần phải có thời gian để các em làm quen, bắt nhịp dần dần. Có những em ban đầu vào gặp khó khăn đọc, viết, cả tuần không thể ghi nhớ được vài âm vần. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của nhà trường là hôm nay học sinh chưa đọc đúng, hôm sau sẽ đúng, không tạo áp lực lên giáo viên và giáo viên cũng không ép học sinh. “Trong lớp có những em tiếp thu nhanh nhưng cũng có những em học rất chậm đòi hỏi giáo viên kiên trì. Tôi thường nói với giáo viên, khi nổi nóng, bức xúc phải đi ra khỏi lớp lấy lại bình tĩnh mới quay lại. Thậm chí, nhà trường cũng quy định không cho giáo viên dùng thước gỗ dạng dày 1 cm để dạy học vì biết đâu nóng nảy lại dùng thước đó để đánh cả học sinh”, bà Hương nói.

Hiệu trưởng một trường tiểu học khác tại Hà Nội nói: “Cùng với đổi mới chương trình, SGK đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, đâu đó có nhà giáo mang cả ức chế, áp lực ngoài cuộc sống vào lớp học. Do đó, bên cạnh tập huấn về kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực học đường cho giáo viên, giải pháp là cần giảm sĩ số, giảm bớt công việc sổ sách cũng như các cuộc thi không cần thiết cho đội ngũ”.

MỚI - NÓNG