Lối thoát nào cho nền kinh tế?

Lối thoát nào cho nền kinh tế?
TP - Trao đổi với Tiền Phong, các chuyên gia cho rằng, tình hình kinh tế như viên than hồng. Để làm nguội than, phải kiểm soát chặt đầu tư công, không bơm tiền tiếp cho các “xác chết biết đi” và thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ, mới có thể tìm ra lối thoát.

> Bi hài chuyện nhà băng 'siết nợ'
> Kinh tế đang rất khó khăn

Xử lý nợ xấu, hỗ trợ bất động sản

TS Lê Xuân Nghĩa (thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ của Thủ tướng) cho rằng, thời gian gần đây, nhiều đánh giá có tính bế tắc về tình hình kinh tế hiện nay.

Tuy nhiên, khi nhìn vào nền kinh tế của đất nước phải trông vào cả 3 bộ phận: Nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. Và nhìn một cách tổng quát mới có thể đánh giá kinh tế đang nằm ngang, đi lên hay đi xuống.

Hiện nay, dù doanh nghiệp vẫn chưa thoát được khó khăn, nhưng đã có dấu hiệu chuyển mình. Sản xuất công nghiệp cũng có dấu hiệu phục hồi. Tháng 3, chỉ số quản lý mua hàng (PMI) đã tăng lên 50% và tháng 4 gần 51%. Đây là tín hiệu quan trọng đánh giá công nghiệp đang phục hồi. Xuất khẩu cũng đang có tín hiệu tốt hơn nhiều so với dự đoán.

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là phục hồi tổng cầu, cùng lúc làm nhiều việc và quan trọng nhất là phải phá băng tín dụng, làm thế nào để tăng trở lại. Đây không phải là công việc ngày một ngày hai.

 Cần phải bán nhanh những doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả; những doanh nghiệp có nợ xấu gắn với các ngân hàng. Phải tạo ra cơ chế mua khoản nợ xấu, có giao dịch, có dòng tiền vào thật. Cùng đó, cần nhanh chóng tạo thị trường mua bán nợ xấu ở cấp độ doanh nghiệp.

TS Nguyễn Đức Thành

Theo ông Nghĩa, nhiều người Việt Nam tưởng rằng đã phá xong băng tín dụng nhưng thực tế không phải vậy. Chúng ta đừng ảo tưởng bằng biện pháp hạ trần lãi suất có thể phá được băng tín dụng. Nó phải gắn liền với xử lý nợ xấu, hỗ trợ thị trường bất động sản, đặc biệt phải phục hồi sản xuất kinh doanh trong công nghiệp.

“Khi tín dụng không ra, phải có cách tăng cầu. Cách hữu hiệu nhất là tăng được đầu tư công. Đặc biệt là việc xây dựng những công trình trọng điểm quốc gia đang dở dang, lãng phí. Nếu vốn từ ngân hàng không ra được thì phải cho ra từ Chính phủ. Người dân không chi tiêu thì Chính phủ phải tiêu. Việc hạ lãi suất đã khá thấp, nhưng vẫn phải củng cố để ổn định, kéo lãi suất cho vay xuống 9-10%”, ông Nghĩa nói.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, tình hình thật sự xấu đã diễn ra trong năm 2012. Hiện chưa có biện pháp hữu hiệu cho việc tìm ra lối thoát cho tình hình hiện nay.

Một trong những điểm tắc nghẽn nhất là vấn đề nợ xấu vẫn chưa giải quyết. “Ngân hàng vẫn đang loay hoay tự giải quyết. Nếu chưa giải quyết được nợ xấu một cách căn cơ thì lãi suất cho vay vẫn chưa hạ. Dù lãi suất huy động hạ rất mạnh. Đề án xử lý nợ xấu hiện nay chưa đủ mà phải mở rộng, phải có giải pháp tháo gỡ, phục hồi sức mạnh của doanh nghiệp”, ông nói.

Phá băng rào cản chính sách

TS Lê Đăng Doanh cho rằng, các số liệu về tình hình kinh tế khó khăn đã được nhiều cấp bộ, ngành nói đến nhiều. Mới đây các quan chức ở Quốc hội cũng đã nhấn mạnh đến các con số này và đi đến nhận định rất gay go.

Theo ông Doanh, tình hình hiện nay như viên than hồng nóng bỏng. Vấn đề bây giờ là phải phá băng các rào cản chính sách. Cần biện pháp xử lý cụ thể, đồng thời có bước ngoặt trong hành động chứ không chỉ trong lời nói. Phải xem tại sao các dự án, các nghị quyết về tái cấu trúc, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý nợ xấu, đầu tư công cho đến nay chưa thực hiện được. Thậm chí tái cấu trúc đầu tư công đến nay chưa có đề án, chỉ có quyết định cắt giảm và rút vốn.

Tức là nền kinh tế đối mặt với những vấn đề rất lớn, nhưng biện pháp đề ra chỉ đúng về mặt hình thức (có sức sống mạnh mẽ trong thực tế hay không lại chưa thấy). Quốc hội nên thảo luận kỹ, và đảm bảo sẽ được thực hiện trong thực tế.

“Để viên than hồng nguội bớt, phải có tái cấu trúc, giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu. Tôi nghĩ phải thay đổi cơ bản ngân sách nhà nước, kiểm soát chặt chẽ đầu tư công, chịu trách nhiệm về đồng tiền, hạn chế chi tiêu lãng phí, không để tình trạng bơm tiền cho các “xác chết biết đi” nữa. Cũng thử xem có cần đầu tư từng ấy bến cảng, sân bay hay không? Hiện nhiều sân bay địa phương lỗ, mỗi ngày chỉ có 1-2 chuyến bay”, TS Doanh nói.

Tại diễn đàn Kinh tế mùa Xuân mới đây, TS Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký VCCI cho biết, kết quả khảo sát mới đây cho thấy, 73% doanh nghiệp khẳng định hàng tồn kho thực sự là mối lo ngại trong giai đoạn này. Các doanh nghiệp cũng đã tìm mọi cách để giải quyết như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán, đưa hàng về nông thôn... nhưng vẫn không thoát khỏi bế tắc.

Để khỏi tình trạng “chết” vì hàng tồn kho ứ đọng, theo bà Hằng, doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần hạn chế tối đa nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết. Đồng thời lập các hàng rào kỹ thuật, tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, và tăng cường mua tạm trữ hàng hóa.

“Giải pháp lúc này là Nhà nước cần có một cách tiếp cận phù hợp hơn khi thiết kế các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đến nay, ngoài chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết các biện pháp hỗ trợ đều chung chung cho các doanh nghiệp, hậu sản xuất”, bà nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG