Lợi nhuận ngân hàng: Thêm Techcombank giảm mạnh
> Phình nợ xấu, ngân hàng giảm lãi
Năm 2012, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) giảm mạnh so với năm 2011, cũng như hoàn thành ở tỷ lệ thấp so với kế hoạch đề ra đầu năm.
Techcombank vừa trải qua một năm khó khăn trong việc thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản. |
Dự kiến đến tháng 3 tới Techcombank mới công bố bản kết quả kinh doanh đầy đủ. Thông tin bước đầu cho thấy, ngân hàng này vừa trải quả một năm khó khăn trong việc thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản.
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong năm 2012 chỉ đạt 1.017 tỷ đồng, giảm tới 75% so với năm 2011, và chỉ hoàn thành chưa đầy 20% mục tiêu 5.300 tỷ đồng đề ra tại đại hội đồng cổ đông thường niên tháng 4/2012.
Kết quả trên được Techcombank lý giải ở việc chịu tác động bởi các chính sách cẩn trọng hơn trong việc trích lập dự phòng, lãi suất cho vay thấp và môi trường tín dụng cạnh tranh hơn. Đây cũng là nguyên nhân chính dễ thấy tại nhiều ngân hàng thương mại khác, trong kết quả kinh doanh năm qua.
Hiện chưa có thống kê và tổng kết cụ thể, song dự tính tỷ lệ lãi biên nhìn chung đã giảm đáng kể, đặc biệt từ việc thực hiện chỉ đạo giảm lãi suất cho vay các khoản nợ cũ về dưới 15%/năm mà Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện từ 15/7/2012.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của hầu hết các ngân hàng thương mại đều ở mức thấp, thậm chí âm, trong năm vừa qua. Mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống năm 2012 cũng chỉ được 8,91%. Còn Techcombank, tín dụng chỉ tăng 7,4%, bằng một nửa so với chỉ tiêu đề ra.
Techcombank cũng cho biết đã có các chính sách cẩn trọng hơn trong việc trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến lợi nhuận. Hiện chưa có báo cáo kết quả đầy đủ để nhìn nhận về yếu tố này, cũng như tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức nào (chỉ tiêu là 2,66%).
Kết quả kinh doanh của ngân hàng này cũng phản ánh một thực tế chung trong hệ thống năm qua là huy động vốn đạt tăng trưởng cao, còn tín dụng lại tăng thấp. Năm 2012, Techcombank tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng huy động khá cao với 26%, trong khi tín dụng chỉ tăng 7,4%. Theo đó, tỷ lệ cho vay so với huy động (LDR) tiếp tục giữ ở mức thấp, mà theo Techcombank là “cải thiện”, 60,3% so với mức 70,6% trong năm 2011.
Một tỷ lệ LDR thấp là đặc điểm của thành viên này trong những năm gần đây, từng được giải thích là bớt dần sự lệ thuộc trong tín dụng, dịch chuyển nguồn thu về dịch vụ phi tín dụng. Techcombank đã thành công ở hướng dịch chuyển này, khi tỷ trọng thu từ dịch vụ thường dẫn đầu hệ thống những năm qua.
Mặt khác, tỷ lệ LDR rất thấp so với mức bình quân trên dưới 90% của hệ thống cũng là cơ sở để duy trì thanh khoản cao. Bên cạnh đó, ngân hàng này có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) khá cao, với 12,6% trong khi quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước là 9%.
Tín dụng thấp và huy động cao, LDR giảm xuống và CAR tăng lên cũng là đặc điểm chung trong khối ngân hàng thương mại cổ phần năm 2012; giải thích cho tình hình thanh khoản của hệ thống khá ổn định thời gian qua, hiện tượng căng thẳng nhìn chung đã không tái diễn ngay cả mùa cao điểm chi trả cuối năm.
Riêng về lợi nhuận, với những thông tin riêng và tình hình chung của hệ thống thời gian qua, kết quả của Techcombank không nhiều bất ngờ.
Trước đó, trung tuần tháng 12/2012, ông Simon Morris, Tổng giám đốc Techcombank, đã có thư gửi cán bộ nhân viên nói về quyết định cắt thưởng cuối năm, được giải thích là “để đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai, bởi không ngân hàng nào có thể thành công nếu để chi phí tăng nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu”.
Techcombank cũng không phải cá biệt, khi theo thông tin mới đây từ Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, năm 2012 lợi nhuận của toàn hệ thống ngân hàng đã giảm hơn 50% so với năm 2011. Song, sau nhiều năm ở nhóm dẫn đầu ngành về hiệu quả kinh doanh, điểm rơi năm 2012 của Techcombank là đáng chú ý.
Theo Minh Đức
Vneconomy