Lợi nhuận chảy sang ngân hàng

Lợi nhuận chảy sang ngân hàng
TP - Thị trường chứng khoán đang tiếp tục đón nhận báo cáo tài chính quý 2-2011 của doanh nghiệp niêm yết. Qua đó, cho thấy một thực tế, đa số doanh nghiệp (DN) sản xuất kinh doanh bị lỗ, hoặc giảm lãi nhiều, do gánh nặng lãi suất vay vốn ngân hàng quá cao.

> Lợi nhuận ngân hàng trong mắt công ty chứng khoán

Lợi nhuận chảy sang ngân hàng ảnh 1

Lãi vay 'ngốn' lợi nhuận

Tính đến thời điểm gần cuối tháng 7 này đã có hơn 100 doanh nghiệp niêm yết trên sàn công bố báo cáo tài chính quý II. Sơ bộ, có tới 60% doanh nghiệp bị lỗ luỹ kế trong 6 tháng đầu năm. Chi phí tài chính, lãi vay tăng mạnh, trong khi hàng tồn kho không bán được… là những lý do khiến nhiều DN giảm lợi nhuận.

Như Cty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) lỗ 6 tháng đầu năm 96,18 tỷ đồng trong khi đầu năm, dù DN này đạt kế hoạch tổng doanh thu 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng. Cty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAG) chỉ đạt doanh thu 185,9 tỷ đồng, lỗ sau thuế quý II là 114,35 tỷ đồng (lỗ này do HAG trích trước 131 tỷ đồng lãi trái phiếu của Cty con).

Một DN bất động sản khác là Intresco trong quý II chỉ đạt doanh thu 24,14 tỷ đồng, giảm 86% so với cùng kỳ; lỗ sau thuế quý II là 19,62 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng lỗ 17,2 tỷ đồng.

Ở khối DN sản xuất, nhiều DN được coi là làm ăn khá giả lâu nay, nhưng lợi nhuận công bố cũng bị giảm mạnh, do chi phí trả cho lãi vay quá cao. Bất chấp việc giá đường trong nước đứng ở mức cao, trong quý II-2011, Cty Đường Biên Hòa (BHS) chỉ báo lãi 4,3 tỷ đồng.

Đây là mức giảm mạnh so với con số 26,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lý do là chi phí lãi vay của BHS trong quý II-2011 lên tới 30 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm trước.

Cty Sông Đà 1.01 (SJC) cũng vừa công bố, lợi nhuận sau thuế quý II-2011 là 9,914 tỷ đồng, lũy kế nửa đầu năm là 7,99 tỷ đồng. Tại sao doanh thu tăng mà lợi nhuận lại giảm tới hơn 5%? Ban lãnh đạo SJC lý giải: “Do chi phí lãi vay của Cty tăng mạnh từ mức 3,505 tỷ đồng lên trên 23 tỷ đồng, tương đương bằng 6,56 lần so với cùng kỳ”.

Ông Trần Anh Vương, Tổng giám đốc Thép Bắc Việt cũng cho biết, lãi vay có những thời điểm “ngốn” hết khoảng 3/4 lợi nhuận của doanh nghiệp. Đó là chưa kể đến rủi ro hàng sản xuất bị tồn không bán được, có mảng sản xuất còn âm vì trả lãi ngân hàng.

Ngân hàng lãi lớn

Cùng thời điểm, theo kết quả tài chính vừa công bố của 4 ngân hàng lớn trên sàn chứng khoán: Vietcombank lãi lũy kế 6 tháng đầu năm đạt tới 3.029,6 tỷ đồng, Vietinbank lãi 3.619,4 tỷ đồng; tương tự Eximbank và Sacombank với 1.690 tỷ đồng và 1.490,5 tỷ đồng... MB dự kiến lợi nhuận trước thuế năm nay đạt 2.915 tỷ đồng, thì 6 tháng đã đạt hơn 50% kế hoạch. Còn Ngân hàng Đông Á đạt trên 660 tỷ đồng lợi nhuận, ACB đạt 1.904,8 tỷ đồng...

Điều đáng nói, cơ cấu lợi nhuận vẫn được các ngân hàng tính toán chủ yếu từ thu tín dụng, tức là hoạt động huy động và cho vay “Ngân hàng suy đến cùng cũng chỉ là một doanh nghiệp, vậy tại sao họ lại lãi lớn trong bối cảnh tất cả đều gặp khó?” - Một chuyên gia chứng khoán đặt vấn đề.

Cần thanh tra

“Tỷ suất lợi nhuận trung bình của các doanh nghiệp vào khoảng 20%. Trong khi lãi suất vay vốn sản xuất kinh doanh thấp nhất cũng tới 17 – 18%, thậm chí cao hơn. Doanh nghiệp vay càng nhiều, tiền lời có khi không đủ trả lãi vay”. Ông Cao Sỹ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa nhìn nhận.

Theo ông Kiêm, cần mổ xẻ cho công bằng lợi nhuận của khối ngân hàng với các chỉ số tổng nguồn vốn, vốn chủ sở hữu. “Nhưng dù sao, trong bối cảnh đa số doanh nghiệp không đạt kế hoạch mà ngân hàng vẫn đạt, thậm chí lãi vượt cả kế hoạch, thì có thể thấy họ không hề chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”- Ông Kiêm nói.

PGS TS Trần Hoàng Ngân (Đại biểu QH), phân tích: “Không nên quá chú ý tới con số lãi ngân hàng công bố, cần nhìn vào lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE). Nếu chia ra so với nhiều doanh nghiệp sản xuất hoặc lĩnh vực khác, ROE của khối ngân hàng không cao. Đó là chưa kể hoạt động kinh doanh trong giai đoạn này đang chứa đựng nhiều rủi ro, nhiều ngân hàng đang phải đối đầu với nợ xấu tăng”.

Theo ông Ngân, sự đổ bể một số chi nhánh, những vụ án về ngân hàng thời gian qua cũng đang hé lộ những điểm yếu của ngành này. Muốn rõ ràng chuyện lỗ- lãi các ngân hàng, thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cần vào cuộc thanh tra, xếp hạng minh bạch. Xem nguồn lợi nhuận đến từ đâu, lợi nhuận/vốn chủ sở hữu (ROE) cao mới tốt và quan trọng đó là nợ quá hạn cao hay thấp.

Nói về lợi nhuận các ngân hàng, Cty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) khẳng định: “Những khó khăn vĩ mô và chính sách dường như chỉ tác động lên các doanh nghiệp đi vay vốn để kinh doanh sản xuất, chứ không tác động đến các ngân hàng cho vay. Tăng trưởng cả nước bị chậm lại đáng kể so với năm ngoái thể hiện rõ gánh nặng mà các doanh nghiệp sản xuất đang phải chịu”.

 
 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
Đặc sắc giải đua vỏ lãi
TPO - Với 11 đội nam và 6 đội nữ, hơn 120 vận động viên tranh tài quyết liệt tại giải bơi vỏ lãi vùng đồng bào dân tộc thiểu số Cà Mau, hoạt động chào mừng Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.