Gia đình ông Nguyễn Văn Đậu chuyển về sống ở xã nghèo thuộc huyện vùng núi rẻo cao này đã hơn 60 năm nay. Từ ngôi nhà cho đến mảnh vườn đều một tay hai vợ chồng ông gây dựng nên từ thuở cơ hàn.
Khi ông mới đặt chân đến đây, vùng đất phía đông vẫn chưa có ai ở, ông trồng một vài cây gỗ để vừa lấy bóng mát, vừa làm hàng rào bảo vệ cho ngôi nhà của mình. Năm tháng trôi qua, vùng đất ấy rồi cũng có người đến cư trú, xóm làng cứ thế đông vui, ấm áp và những cây gỗ cũng tự nhiên mà đâm chồi, nảy lộc, phát triển sum suê.
Vào một ngày cuối tháng 10-2013, theo lời ông Đậu kể, ông Lê Văn Xanh đột ngột tự ý đến phá bỏ một cây gỗ do ông trồng. Ông Xanh là con trai của bà Nguyễn Thị Đào, hàng xóm của ông Đậu sống ở khu đất phía đông. Ông chặt cây gỗ này theo yêu cầu của mẹ mình để sửa chữa căn nhà của bà vốn bị hư hỏng do cơn bão số 10 gây ra và ông cũng suy nghĩ đơn giản rằng, cây gỗ trên đất của gia đình mình, thì mình có thể sử dụng theo ý muốn.
Phần ông Đậu lại cứ khăng khăng khẳng định mặc dù cây gỗ trên đất nhà bà Đào nhưng đó là công sức bấy lâu nay ông bỏ ra để trồng. Nay cây gỗ đã đạt đường kính hơn 60 cm, có thể mang lại lợi nhuận, thì bị người khác chặt lấy. Ông định giá cây gỗ hơn 10 triệu đồng và đề nghị ông Xanh phải có trách nhiệm trả số tiền này. Lời qua tiếng lại, rồi sự tham gia hòa giải của chính quyền, đoàn thể vẫn không mang lại kết quả gì, cây gỗ “đành” theo chân hai gia đình ra tòa án để xác định chủ nhân của chính mình.
Tài liệu chứng cứ của hồ sơ vụ án cho thấy, qua thẩm định, vị trí của cây gỗ trước năm 2006 là nằm trên đất do UBND xã quản lý. Đến năm 2006, cây gỗ này nằm trên phần đất thuộc quyền sử dụng của gia đình bà Nguyễn Thị Đàovà gia đình bà cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Chính vì vậy, tòa án bác đơn kiện của ông Đậu. Bức xúc, không đồng tình với quyết định này, ông Đậu tiếp tục có đơn kháng cáo. TAND tỉnh cũng đã dựa trên hệ thống tài liệu chứng cứ để không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Đậu.
Vậy là sau nhiều lần hòa giải, qua hai phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, cây gỗ cuối cùng cũng biết được ai là chủ nhân của mình. Tuy vậy, nhiều người biết chuyện vẫn không khỏi chép miệng: “Đúng là cây gỗ... cô đơn”. Bởi suốt mấy chục năm lặng lẽ sống ở góc cuối mảnh vườn có ai rảnh rỗi chú ý đến nó đâu.
Chỉ đến khi có người cần nó cho việc sửa nhà, chặt về, đem sử dụng thì nó mới bắt đầu được quan tâm và trở thành đối tượng tranh chấp quyền sở hữu của cả hai gia đình. Giờ đây, dù đã yên vị ở một xà ngang nóc nhà, “phát huy” được vai trò của mình, có ích cho cuộc sống con người, cái tiếng “cô đơn” vẫn mang theo nó mãi.
Bởi sẽ chẳng ai buồn mà liếc nhìn cây gỗ đã khiến tình hàng xóm láng giềng hơn mấy chục năm qua bỗng tan thành bọt nước, người với người chẳng sửa mặt gặp nhau. Nhưng đó có phải lỗi tại nó đâu, tại con người muốn cô đơn đó chứ!