> Giá điện từ năm 2013: Cõng thêm khoản lỗ hàng chục ngàn tỷ
> Sử dụng hóa đơn điện tử trong mua bán điện
Gom về một mối
Chương trình tiếp nhận LĐHA để bán điện trực tiếp đến hộ dân nông thôn của ngành Điện được triển khai năm 2000, đến nay, các Công ty Điện lực trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã tiếp nhận LĐHA nông thôn tại 866 xã, tiếp nhận 17.000 km LĐHA, xóa được 19.182 công tơ tổng/cụm để bán điện trực tiếp cho 1.168.559 hộ dân.
Tính đến cuối quý III/2012, trên phạm vi quản lý ở 21 tỉnh, thành phía Nam, EVNSPC đã bán điện trực tiếp đến 98% số hộ dân, trong có có 13 tỉnh, thành đã bán điện trực tiếp đến 100% hộ dân.
Kể từ khi tiếp nhận LĐHA đến nay, EVNSPC đã đầu tư 741 tỷ đồng để sửa chữa và nâng cấp nhằm đảm bảo cho lưới điện sau tiếp nhận được vận hành an toàn, thay mới toàn bộ công tơ bán điện khách hàng; tiếp đến từng bước sửa chữa, cải tạo và đầu tư mới lưới điện tiếp nhận để giảm bán kính cấp điện, nâng cao chất lượng điện áp và giảm tổn thất điện năng.
Đồng thời sắp xếp tổ chức để bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ sản xuất kinh doanh theo kế hoạch trong điều kiện khối lượng quản lý tăng cao, đặc biệt là việc áp dụng mô hình dịch vụ bán lẻ điện năng (DVBLĐN) để tham gia ghi chỉ số công tơ và thu tiền điện.
Hiện nay, toàn Tổng công ty đã ký hợp đồng với 2.787 DVBLĐN, đảm nhận việc ghi chỉ số, thu tiền điện cho 2.045 trên tổng số 2.515 xã, phường, thị trấn.
Việc bán trực tiếp đã giúp người dân nông thôn ở khu vực tiếp nhận lưới điện được hưởng giá bán điện bán lẻ theo quy định của Nhà nước, chất lượng điện năng được nâng lên, đảm bảo về mặt an toàn điện mà không phải đóng thêm khoản chi phí duy tu bảo dưỡng lưới điện; đặc biệt không phải trả tiền lắp đặt mới điện kế và thuận tiện hơn đối với các nhu cầu sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh… ngay cả với yêu cầu công suất điện lớn.
Đối với ngành Điện việc tiếp nhận LĐHA cũng làm giảm một phần bù lỗ so với việc bán buôn điện ở khu vực nông thôn trước đây, đã giúp hoàn thành tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh. Doanh thu tăng thêm sau tiếp nhận (giai đoạn 2008 - 2010) là 85 tỷ đồng/năm.
Gỡ khó
Ở khu vực do Tổng công ty Điện lực miền Nam quản lý còn một số rất ít khu vực do các tổ chức điện nông thôn quản lý và chưa đồng ý bàn giao cho ngành Điện.
Công tác tiếp nhận LĐHANT để bán điện trực tiếp ở đây hiện đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc: Do giá mua buôn và giá bán lẻ có sự chênh lệch lớn, các tổ chức điện nông thôn đang thu được lãi cao nên chưa chịu bàn giao.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, các Bộ, ngành chức năng cần xem xét điều chỉnh giá bán điện trong các năm 2013 và các năm tiếp theo đối với các tổ chức điện nông thôn cho phù hợp, đảm bảo công bằng và bình đẳng trong kinh doanh điện ở khu vực nông thôn giữa các đơn vị hoạt động điện lực tham gia bán điện, tránh việc các tổ chức kinh doanh điện nông thôn hưởng lợi về giá mua điện trong khi ngành Điện phải bù lỗ khi bán điện cho các tổ chức này. EVNSPC cho rằng, mức chênh lệch giá bán buôn thấp hơn giá bán lẻ không quá 15%.
Tuy nhiên, ngay khi các tổ chức điện nông thôn đồng ý bàn giao lưới điện, ngành Điện cũng gặp một số vướng mắc, trở ngại không nhỏ, nhất là vấn đề xử lý an toàn điện, chất lượng điện và TTĐN sau tiếp nhận. Tổn thất điện năng (TTĐN) tăng thêm sau tiếp nhận (giai đoạn 2008 - 2010) chiếm 0,1% TTĐN của toàn EVNSPC và TTĐN bình quân ở khu vực tiếp nhận là 10,95%.
Để làm được điều này, cần phải có một nguồn vốn rất lớn để thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp và phải thực hiện trong khoảng thời gian từ 5 - 10 năm.
Ngoài số vốn đầu tư sửa chữa ngay sau tiếp nhận, hàng năm EVNSPC đang tiếp tục đầu tư hàng trăm tỷ đồng từ nhiều nguồn vốn như khấu hao cơ bản, vốn vay Ngân hàng Thế giới, vốn vay Ngân hàng tái thiết Đức… để tiếp tục cải tạo, nâng cấp và đầu tư xây dựng mới nhằm đảm bảo cho lưới điện nông thôn vận hành an toàn, chất lượng, hiệu quả và dài lâu. Đây là điều mà các tổ chức quản lý điện nông thôn khó có khả năng làm được.
Tính đến cuối quý III/2012, Tổng công ty Điện lực miền Nam đang bán điện trực tiếp đến 4,17 triệu hộ dân nông thôn - chiếm tỉ lệ 88% tổng số hộ nông thôn, 12% số hộ dân nông thôn còn lại do các tổ chức kinh doanh điện nông thôn khác ngoài ngành Điện mua buôn điện của ngành Điện và bán lẻ đến các hộ dân phía sau công tơ tổng, trong đó tập trung phần lớn tại 03 tỉnh An Giang, Bình Thuận, Trà Vinh. |