Logistics yếu kém đang ghìm xuất khẩu nông sản

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dù chất lượng không thua kém các nước nhưng nông sản Việt Nam luôn trong tình trạng kém sức cạnh tranh khi ra thế giới bởi hệ thống logistics không đầy đủ, thiếu hợp lý, chi phí cao, phụ thuộc các hãng vận chuyển nước ngoài.

Phụ thuộc, chi phí cao

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty T&T Vina, doanh nghiệp (DN) chuyên xuất khẩu các mặt hàng trái cây vào những thị trường khó tính cho biết, DN xuất khẩu nông sản đang phụ thuộc các hãng hàng không nước ngoài, phí vận chuyển nâng hạ tùy vào các hãng. Còn vận chuyển bằng đường sắt, đường bộ, đường thủy… trái cây rất dễ bị hư hỏng, giảm sức cạnh tranh.

Logistics yếu kém đang ghìm xuất khẩu nông sản ảnh 1

Chi phí logistics cao khiến sức cạnh tranh nông sản Việt gặp khó khi ra thế giới. Ảnh: U.P

Theo bà Nguyễn Nam Phương Thảo - Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit (Long An) - DN xuất khẩu thanh long tươi đạt kim ngạch tốt. Kết nối chuỗi cung ứng giữa DN dịch vụ logistics với DN xuất nhập khẩu ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, chi phí tại cảng và các khoản phụ phí vẫn còn cao.

“Phí cao nhưng thời gian vận chuyển dài. Đơn cử, để đưa thanh long từ TPHCM đi châu Âu bằng đường biển mất 30 ngày; trong khi thời gian bảo quản thanh long chỉ có 35 ngày, như vậy sản phẩm chỉ còn 5 ngày lên quầy kệ. Chưa kể, hầu như năm nào Hoàng Phát Fruit cũng xảy ra vài vụ trái cây bị thay đổi màu sắc, giảm chất lượng do nhiệt độ tăng đột ngột khi vận chuyển” - bà Thảo nói.

Bà Nguyễn Tú Uyên - Giám đốc Công ty Logistics CMU thừa nhận, nông sản Việt Nam xuất khẩu có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít bất lợi. So sánh với nước bạn trong khu vực, cụ thể như Thái Lan, nông sản Việt lại gặp thách thức bởi Thái Lan có nhiều chuyến bay đến Mỹ, châu Âu, Úc, Trung Đông… mỗi ngày. Các hãng tàu có 70 điểm đến ở châu Á, Ấn Độ, Trung Đông. Giá cả vận tải của Thái Lan đi đến các thị trường quốc tế thấp hơn so với Hà Nội, TPHCM từ 1 đến 1,2 USD/kg.

Đi đường vòng, nhiều khoảng trống

Bà Uyên lo ngại khi nông sản là mặt hàng chủ lực của Việt Nam, chất lượng rất tốt nhưng DN logistics làm nông sản chưa nhiều. “Chúng ta đang vào mùa vải, muốn xuất đi Mỹ thì chuyển vải từ tỉnh Bắc Giang lên sân bay Nội Bài, rồi về sân bay ở TPHCM. Sau đó chở về nhà máy đóng gói, tiếp tục chuyển đến nhà máy chiếu xạ, rồi lại kéo ra cảng mới xuất đi. Qua nhiều công đoạn nên giá bị đội lên rất cao, chưa nói quả không còn tươi như vừa hái ở vườn” - bà Uyên dẫn chứng.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, kết nối hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp còn bất cập. Tại nhiều địa phương thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long - nơi được coi là vựa lúa, vựa nông thủy sản lớn nhất đất nước, dịch vụ này lại chậm phát triển. Khi DN thu mua nông sản tại vườn, các phương tiện vận chuyển loại lớn không thể đến tận nơi, DN phải sử dụng xuồng, ghe, xe máy, xe ba gác, xe tải loại nhỏ… làm phương tiện trung gian mới có thể đưa nông sản đến nhà máy.

TPHCM lập 7 trung tâm logistics

Mới đây, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, từ nay đến năm 2025, TPHCM sẽ triển khai xây dựng 7 trung tâm logistics, gồm: Trung tâm logistics Khu Công nghệ cao TP Thủ Đức, Trung tâm logistics Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, Củ Chi, Hiệp Phước, Tân Kiên. Thành phố cũng kêu gọi đầu tư 4 vị trí dự án trung tâm logistics khác. Ngoài ra, TPHCM sẽ tiến hành rà soát, thống kê số liệu kho bãi tập trung trên địa bàn để đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối vùng, gồm đường bộ, đường thủy, đường hàng không và đường sắt.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, mặc dù rau quả Việt Nam có sản lượng lớn, hơn 34,7 triệu tấn (trong đó, rau các loại hơn 16,1 triệu tấn; quả các loại 18,6 triệu tấn) nhưng tỉ lệ sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thấp, nhiều loại sản phẩm sản xuất chưa đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Hạ tầng cơ sở vừa thiếu vừa không thích hợp, tổn thất sau thu hoạch rất cao, khoảng 30-35%.

Tăng cường đầu tư hạ tầng, vận tải

Các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực xây dựng nhiều tuyến đường kết nối đến các vùng nguyên liệu như Sơn La, An Giang, Khánh Hòa…, giúp thời gian vận chuyển được rút ngắn rất nhiều. Tuy nhiên, Chính phủ cần đẩy mạnh hơn nữa đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ kết nối tốt từ các vùng nguyên liệu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để người nông dân, hợp tác xã có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường xuất khẩu với chất lượng tốt nhất.

Đồng thời, cần quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, bao gồm có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế, từ đó nâng cao chất lượng, ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho hàng hóa nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực. Mặt khác, kết nối đường thủy, đường bộ, đường sắt, phát huy sức mạnh tổng thể logistics nội địa.

Theo các DN, việc bị phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài khiến các DN Việt Nam gặp nhiều rào cản để mở rộng thị trường xuất khẩu. Địa bàn hoạt động của các tàu container nội địa rất hẹp, chỉ loanh quanh trong khu vực trong khi các hãng tàu nước ngoài “ôm” hết thị trường lớn như châu Âu, châu Mỹ. Bà Nguyễn Nam Phương Thảo – Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit đề xuất: “Xuất khẩu nông sản bằng đường biển có nhiều rủi ro nhưng nếu đi đường hàng không thì chi phí cao và không có nhiều hãng để DN lựa chọn. Do đó rất cần có đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp”.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Nhà nước cần: Quan tâm đầu tư mạnh hơn hạ tầng đến các vùng nguyên liệu để nông dân, hợp tác xã, DN có cơ hội đưa sản phẩm nông nghiệp đến các thị trường; Quy hoạch xây dựng các trung tâm logistics nông sản, có kho mát để phân loại, bảo quản, sơ chế để nâng chất lượng và ổn định giá thành. Tăng cường đầu tư hạ tầng logistics cho nông sản, nhất là các vùng sản xuất nông sản tập trung, chủ lực.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, logistics ảnh hưởng đến chất lượng nông sản về thời gian, bảo quản, giá thành…

“Chúng ta phải có những biện pháp chế biến hoặc bảo quản đối với nông sản tươi. Để nâng cao giá trị nông sản, chúng ta phải có kỹ thuật bảo quản, chế biến… để sản phẩm giữ được lâu nhưng vẫn giữ được chất lượng như ban đầu” - ông Nguyên nói.

MỚI - NÓNG