Phước ai nấy hưởng?
Câu chuyện bên bát yến chưng tỏa khói thơm mùi lá dứa ngược về thời điểm 10 năm trước, khi tòa nhà 8 tầng này vừa được vợ chồng bà Phan Thị Tuyết Mai xây hoàn tất với dự tính các tầng trên cho thuê, gian trệt mở cửa hàng kinh doanh.
Nội thất trau chuốt gần xong, bỗng bà Mai phát hiện đàn yến thường đảo quanh ngôi nhà hoang bên kia đường chuyển hướng bay về tầng thượng nhà bà tìm chỗ bám. Với giác quan nhạy bén bẩm sinh của cư dân làng đảo Cầu Đá-Vĩnh Nguyên (Nha Trang), gia đình có 3 thế hệ làm nghề khai thác và mua bán yến sào, bà Mai lặng người linh cảm sự nghiệp kinh doanh của mình sắp lật sang trang mới. Nhờ sự cố vấn đắc lực của ông Võ Thái Lâm nguyên giám đốc Sở TDTT tỉnh Ninh Thuận kiêm “chuyên gia yến nhà”. Sau chuyến du học về nghề nuôi yến ở Thái Lan, lúc bấy giờ ông Lâm đang sở hữu căn nhà yến lớn nhất nước là rạp Thanh Bình giữa phố cát Phan Rang. Nghe ông, bà Mai cho đục phá thông sàn, lắp thiết bị, sửa cả 5 tầng lầu bên trên thành nhà nuôi chim yến.
Bà Tuyết Mai giới thiệu cách chế biến tổ yến
Nhà cải tạo xong, máy phát âm thanh dụ chim vừa bật lên, cả đàn chim trời hàng trăm con ào ạt bay vào nhà. Gần nửa năm sau đó, một chiếc tổ nhỏ tí teo xuất hiện trên trần nhà. Bà hồi hộp điện thoại báo tin. Ông Lâm bảo “Chỉ 1 cây gieo hạt cũng thành rừng. Chị hãy tin lũ chim nhân đàn rất nhanh, 2 sẽ thành 4, 4 sẽ thành 8”.
“Với các lợi thế thiên nhiên sẵn có, nếu Nhà nước sớm có quy hoạch tổng thể, xây dựng chiến lược phát triển và kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm yến sào, tôi tin Việt Nam sẽ sớm vượt qua các “cường quốc yến sào” hiện nay để trở thành quốc gia dẫn đầu”.
Ông Lê Hữu Hoàng - Tổng giám đốc Công ty Yến sào Khánh Hòa
Quả nhiên, đàn chim “an cư lạc nghiệp” sinh sản không ngừng. Bà Mai cùng ông Lâm mở Cty Yến Việt, tạo chuỗi cửa hàng bán yến nhà ở Nha Trang, rồi tách riêng lập Cty TNHH Nhà Yến Nha Trang để khai thác, giới thiệu các mặt hàng chế biến từ sản phẩm khai thác quanh năm trong 5 tòa nhà yến rải rác khắp nội, ngoại thành mà bà đã bỏ ra hơn chục tỷ đầu tư xây dựng. Lượng khách ghé vào tham quan, mua yến ngày càng đông nhưng rất ít người biết ngay trên trụ sở chính của Cty ở số 8 Lê Thành Phương có tới hàng vạn con chim yến đêm đêm bám kín trần nhà.
Chim Yến ở Nhà yến Nha Trang các thế hệ đầu vẫn giữ nguyên tập quán sinh hoạt, tìm mồi như yến đảo, hơn 2 tạ yến sào thu được mỗi năm được Hiệp hội Yến sào Hồng Kông đánh giá to đẹp, chỉ 6-7 chiếc là đủ 1 lạng, giá rẻ bằng phân nửa giá yến đảo, chất lượng trội hẳn so với yến sào miền Tây Nam bộ là giống yến Thái Lan bay qua, tổ nhỏ, mỗi lạng tới 15-16 chiếc. Đã có những khách hàng lớn từ Đài Loan, Hồng Kông sang đặt vấn đề mua độc quyền toàn bộ nguồn hàng của Cty Nhà Yến để phân phối sang Thượng Hải, Bắc Kinh, Quảng Châu, nhưng bà Mai từ chối. Bà bán lẻ để xây dựng chậm mà chắc cho thương hiệu của riêng mình.
Cú sốc kích thích nuôi yến “một vốn bộn lời”
Nghề làm nhà nuôi yến lần hồi phát triển, lan dần từ Ninh Thuận ra Khánh Hòa, Tiền Giang, Kiên Giang. Nhiều công ty tư nhân nuôi yến nhà mọc lên, nơi minh bạch nguồn hàng, nơi luồn lách mua đi bán lại, nhập nhằng danh xưng yến nhà với yến đảo. Người tiêu dùng hoang mang vì với mặt hàng đắt giá này, rất khó phân biệt thật giả nếu chỉ quan sát bằng mắt mà không biết rõ nguồn gốc sản phẩm.
Tổ yến
Tháng 5/2011, thương vụ hợp tác trị giá 7,5 triệu USD giữa Cty Yến Việt (sở hữu 18 nhà yến và 1 nhà máy sản xuất 5 triệu lọ nước yến mỗi năm) với quỹ đầu tư nước ngoài VinaCapital như một cú sốc chấn động, phân hóa mạnh mẽ thị trường kinh doanh yến sào nội địa, buộc các nhà yến khác phải đầu tư mạnh hơn hoặc biến khỏi cuộc chơi. Ông Võ Thái Lâm, Tổng giám đốc Yến Việt tuyên bố đẩy mạnh quảng bá nhằm mục tiêu vượt 1.000 tỷ đồng doanh thu vào năm 2015, mở rộng hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Hiện nay, Indonesia đã phát triển trên 20 vạn nhà yến, Thái Lan 7 vạn, Malaysia 3,5 vạn, còn Việt Nam mới có khoảng hai nghìn nhà yến, Trong khi về điều kiện tự nhiên nước ta có quá nhiều ưu thế so với các nước trong khu vực. Theo tính toán của các nhà tư vấn, thời gian thu hồi vốn đầu tư cho mỗi nhà yến trung bình cỡ 2 tỷ đồng chỉ từ 3-4 năm, sau đó nhiều thập kỷ đàn yến sinh sản ngày càng đông, lợi nhuận ngày càng lớn.
Từ số liệu đưa ra của VinaCapital, nhiều nhà đầu tư trong nước bắt đầu chú ý tới mức giao dịch 6-7 tỷ USD/năm kèm tốc độ tăng trưởng 7,2% của thị trường yến sào toàn cầu. VinaCapital biết rõ giá yến tổ Việt Nam đắt gấp đôi yến tổ Malaysia nhưng không đủ cung cấp cho khách hàng Hồng Kông.
Cục Lương Nông thế giới (FAO) khẳng định giá trị mua bán yến sào vượt quá 10 tỷ USD đang là cơ hội cho Việt Nam đẩy mạnh ngành nghề này. Nhiều nhà đầu tư nuôi yến ở Tiền Giang, Khánh Hòa, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh chỉ sau 7-8 năm đã thành tỷ phú. Tỷ lệ đầu tư thất bại do chọn sai luồng yến, không giữ được chân yến chưa tới 10%.
Yến lên cao nguyên vì… biến đổi khí hậu
Tình cờ yến bay vào nhà kết tổ, nhân đàn, chủ nhân chỉ cần… làm lơ chờ chim đẻ trứng, ấp nở, dìu chim con bay đi là trèo lên hái lộc dùng chơi là câu chuyện ngộ nghĩnh đã xảy ra ở Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên có trụ sở nằm bên đường Hai Bà Trưng giữa lòng thành phố Buôn Ma Thuột.
Nhà yến ở trung tâm TP Buôn Ma Thuột
Thạc sĩ Phạm Thọ Dược-Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên cho biết: 3 năm trước tình cờ cán bộ Viện phát hiện có đàn chim nhỏ bay vào kết tổ trên mấy chục mét vuông trần nhà nóng bức. Để giải tỏa những nghi ngờ tranh cãi, Viện mời chuyên gia của Cty Yến sào Khánh Hòa đến kiểm tra, xác nhận đây đúng là loài yến nhà Aerodramus fuciphagus amechanus.
Kết quả giải phẫu, phân tích cho thấy 5 mẫu côn trùng, kiến cánh mà yến săn bắt trên địa bàn hoàn toàn phù hợp để chúng sinh trưởng ở Đắk Lắk và sản sinh ra loại yến sào cao nguyên có giá trị. Viện đã hợp đồng với Cty Yến sào Khánh Hòa để được tư vấn kỹ thuật, giúp nhân đàn, ngừa dịch bệnh, bảo tồn loài yến quý. Từ nhà chim ngẫu nhiên đầu tiên này, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện đã mọc thêm vài nhà yến khác, chỉ sau dăm bảy tháng chủ nhân đã có sản phẩm thu hoạch.
Bắc Tây Nguyên có nhà yến ở thành phố Kon Tum, Nam Tây Nguyên nhà yến đã mọc lên ở thị xã Bảo Lộc. Điều này cho thấy yến sào thời biến đổi khí hậu không chỉ ở ngoài khơi hoặc ven biển, mà còn di cư lên miền núi, nơi bình độ cao hơn 500m so với mặt đại dương.
Nắm bắt nhu cầu đầu tư xây nhà yến đang rộ lên, Cty Yến sào Khánh Hòa từng phối hợp với nhiều tỉnh, thành mở các khóa huấn luyện kỹ năng, truyền đạt kinh nghiệm nuôi chim yến cho người dân.
Theo chuyên gia kỹ thuật của Cty, điều kiện sinh cảnh lý tưởng cho yến là trong vùng có 30% rừng cây, 20% mặt nước, 50% đồng lúa và cây bụi thấp với khí hậu nóng ẩm. Vậy nên các tỉnh từ đèo Hải Vân trở vào phía Nam nước ta đều có thể phát triển ngành yến sào thuận lợi.
Điểm để phân biệt chim yến và các loài khác cùng họ với yến như én (nhạn), là chim yến không bao giờ đậu, chúng chỉ treo mình trên các vách đá dựng đứng hoặc những thanh làm tổ. Yến bay rất nhanh, vận tốc bay tối đa có thể lên tới 130-160 km/h, đuôi bằng, sải cánh hình lưỡi liềm dang rộng hết cỡ, lượn bắt côn trùng liên tục trên không suốt ngày, mỗi năm kết tổ bằng nước bọt từ 2-3 lần. Chim én cánh ngắn và rộng hơn, bay thấp và chậm, chân khỏe hay đậu xuống dây điện, ăngten, tổ kết bằng đất sét hoặc cỏ cây...