Năm ngoái, căn bệnh nguy hiểm này đã khiến hơn 165 người tử vong. Các bệnh viện nhi ở hai đầu đất nước gần như quá tải. Trong khi người dân lo sốt vó bởi ngày ngày vẫn nhận được thông tin số ca tử vong tăng lên với những biến chứng khó lường thì Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm “không công bố dịch”.
Người đứng đầu Bộ Y tế không dưới 10 lần họp bàn giải pháp chống đỡ căn bệnh còn không biết nguồn lây từ đâu, đã kêu gọi truyền thông phòng chống dịch thay cho phải công bố làm dân hoang mang, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Gần một năm trôi qua, dịch vẫn cứ âm ỉ và nay lại bùng phát. Phải chăng truyền thông đi lạc quỹ đạo?
Căn bệnh nguy hiểm này ngày càng khó trị hơn khi đã biến đổi chủng virus. Và mới đây, khi giám sát dịch tễ cũng như lấy các mẫu xét nghiệm trong 9 ca tử vong từ đầu năm đến nay, cho thấy đều dương tính với virus gây ra tử vong cao nhất: EV71.
Trong khi nhiều nơi vẫn loay hoay với dịch bệnh thì mới đây tại cuộc họp với y tế dự phòng các tỉnh phía Nam, bác sĩ Lê Hoàng San- Phó Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM cảnh báo: cúm A/H5N1 quay trở lại với 2 ca tử vong chỉ trong một tháng đầu năm 2012.
Và thậm chí, đã xuất hiện tình trạng gia cầm kháng với vaccine tiêm ngừa cho dù năm trước đó dịch cúm A/H5N1 gần như đã được khống chế.
Dịch bệnh thực sự đang bủa vây tứ bề. Tại miền Bắc và miền Trung số ca mắc tay chân miệng ngày càng tăng, trong khi tại phía Nam không chỉ tay chân miệng, sốt xuất huyết và viêm não mô cầu… cũng làm các bệnh viện quá tải. Có những dịch bệnh vốn đã bị khống chế nhưng thi thoảng vẫn bùng lên.
Lẽ nào giải pháp chống dịch đã không mang lại hiệu quả? Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết, công tác giám sát dịch cúm A/H5N1 vẫn được thực hiện thường xuyên và liên tục trong các năm qua. Nhưng không hiểu sao vẫn dễ nhận thấy khi có dịch các cơ quan chức năng vẫn bối rối.
Nguy hiểm hơn khi mới đây Bộ Y tế xác nhận đã có sự xâm nhập của chủng virus cúm Sotr_A/H3N2 tại khu vực phía Nam- một chủng cúm được tái tổ hợp giữa cúm A/H1N1 năm 2009 và cúm A/H3N2 có nguồn gốc từ lợn. Vậy nhưng trong 10 ca mắc virus cúm mới này có 3 ca gần đây nhất mắc bệnh mà không tiếp xúc với lợn.
Một bác sĩ làm việc trong hệ thống y tế dự phòng tại TPHCM không khỏi ngậm ngùi khi cho rằng, dịch bệnh ngày càng bủa vây nhưng hệ thống y tế dự phòng không được đầu tư đúng mức. Vì yếu về nhân lực lẫn vật lực nên việc chống dịch luôn phải loay hoay. Mỗi khi dịch bùng phát thì hô.
Ai cũng biết, phòng chống dịch phải từ gốc, chứ không phải chặn dịch khi dịch bệnh đã làm hàng nghìn con người vào bệnh viện.