Loay hoay huy động vàng trong dân

Loay hoay huy động vàng trong dân
TP - Theo các chuyên gia, việc huy động lượng vàng ước tính 300 - 500 tấn (tương đương 17-21 tỷ USD) đang “ngủ yên” trong dân trở thành nguồn lực cho phát triển nền kinh tế khó có thể thành hiện thực nếu không tuân theo các quy luật thị trường.

> Nên đánh thuế vàng như thế nào?
>Thêm 2 ngân hàng được giữ hộ vàng

Bài toán khó

Theo ước tính của Hiệp hội Vàng thế giới, số lượng vàng vật chất nằm trong dân khoảng 400-500 tấn. Nếu theo giá vàng tại thời điểm này trên thị trường, thì lượng vàng nằm trong dân có giá trị giao động từ 17-21 tỷ USD tương đương 16% GDP.

Theo tính toán, chỉ cần huy động được một nửa số vàng trong dân, thì ít nhất cũng có gần 10 tỷ USD đưa vào nền kinh tế, nguồn ngoại tệ này sẽ làm giảm áp lực vay nợ từ các tổ chức tài chính quốc tế hoặc tăng tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối. Cùng đó sẽ giúp NHNN có nguồn lực để chủ động và sẵn sàng điều tiết thị trường.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên ban cố vấn của Chính phủ cho rằng, sau một thời gian dài can thiệp thị trường, giờ cũng là lúc Ngân hàng nhà nước (NHNN) nên rút lại sự can thiệp. NHNN chỉ làm nhiệm vụ giám sát về khối lượng vàng nhập khẩu và giám sát cả giá cả nhập khẩu nếu thấy cần thiết. Cùng đó là tập trung thực hiện các biện pháp để huy động nguồn lực vàng trong dân như mục tiêu đề ra trước đây của NHNN.

“Thời gian rồi NHNN đứng ra độc quyền nhập khẩu vàng là việc bất đắc dĩ nhằm khôi phục lại dự trữ ngoại tệ và nhằm tạo điều kiện để “đuổi” vàng ra khỏi hệ thống ngân hàng. Đến giờ sứ mạng đó đã hoàn thành”, ông Nghĩa nói.

 “Việc huy động vàng trong dân mà chưa làm triệt để, chỉ làm theo kiểu mua bán thì cũng chỉ giải quyết được một phần khó khăn. Tất cả sẽ phụ thuộc vào chính sách. Nếu chính sách an toàn, bảo đảm được quyền lợi của người dân thì họ sẽ tin tưởng và mới có thể huy động được” 

TS Cao Sỹ Kiêm

Nguyên Thống đốc NHNN, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến việc 400 tấn vàng đang ngủ yên trong dân là do chính sách huy động còn chưa thuyết phục. Vấn đề là người dân khi giữ vàng, mua vàng, bán vàng đều có một yêu cầu là phải bảo toàn được vốn của số vàng ấy. Chính vì thế, nếu Nhà nước huy động, sử dụng phải đảm bảo làm sao cho họ vừa có lời mà lại an toàn. Khi người dân có nhu cầu, muốn rút vàng ra thì Nhà nước cần trả cho họ bằng vàng.

Phải theo quy luật thị trường

Theo đại diện một doanh nghiệp tham gia kinh doanh vàng, để huy động được số vàng đang cất trữ trong dân để phục vụ cho nhu cầu vốn của nền kinh tế, cần phải tuân theo những quy tắc cơ bản nhất. Chẳng hạn: thị trường vàng phải được lưu thông một cách bình thường. Người dân có nhu cầu bán vàng để lấy tiền chi tiêu hoặc đầu tư, kinh doanh họ phải thực hiện được một cách dễ dàng.

Còn nếu không cho phép vàng thực hiện theo bản chất, chức năng vốn có của nó, sẽ càng làm cho quá trình kiểm soát của Nhà nước đối với loại tiền tệ đặc biệt này trở nên phức tạp và sẽ không tận dụng được những nguồn lực to lớn trong toàn xã hội.

Để huy động được vàng, NHNN có thể đứng ra phát hành chứng chỉ vàng dài hạn. Chứng chỉ vàng này có các loại mệnh giá như: 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ; 1 lượng, 2 lượng, 5 lượng, 10 lượng...

“Đặc điểm của vàng huy động thông qua phát hành chứng chỉ là người gửi vàng không được phép rút vàng trước hạn, thay vì hình thức tiết kiệm như trước đây. Do vậy, vốn vàng có thể được sử dụng làm một nguồn lực dài hạn cho đầu tư phát triển. Khi đó, về vĩ mô, nền kinh tế sẽ đuợc lợi vì nguồn vàng trong dân tập trung về ngân hàng, góp phần tăng dự trữ quốc gia và tiết kiệm được USD, vì không cần nhập khẩu hàng mấy chục tấn vàng vật chất mỗi năm”, ông Long đề xuất.

Trả lời báo chí mới đây, một đại diện NHNN cho biết, NHNN đang tính tới việc Nhà nước sẽ đứng ra huy động vàng thông qua các tổ chức tín dụng, hay nói cách khác, các tổ chức tín dụng sẽ làm đại lý cho NH Nhà nước trong việc huy động vàng.

Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua các tổ chức trung gian. Mặt khác, Nhà nước sẽ dùng nhiều công cụ khác nhau như kinh doanh vàng tài khoản trên thị trường quốc tế để bảo hiểm rủi ro biến động của giá vàng thế giới. Khi đó, có thể chuyển số vàng này thành ngoại tệ góp phần phát triển kinh tế…

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.