Loay hoay đối phó vì học sinh tăng đột biến

Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang xây thêm phòng học vì số lượng học sinh năm nay tăng đột biến. Ảnh: Thanh Trần.
Trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) đang xây thêm phòng học vì số lượng học sinh năm nay tăng đột biến. Ảnh: Thanh Trần.
TP - Các trường học ở Đà Nẵng và Quảng Nam đang “mướt mồ hôi” xây thêm phòng ốc, thấp thỏm nhiều nỗi lo… khi các khu công nghiệp, khu dân cư đua nhau mọc lên ở “thành phố đáng sống”.  

Bà Nguyễn Thị Thảo, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) cho hay, năm nay số học sinh vào lớp 1 tăng đến 850 em so với năm ngoái, riêng hai phường Nại Hiên Đông và phường Thọ Quang tăng đột biến. Quận đã phải xây thêm hàng chục phòng học mới với kinh phí gần 49 tỷ đồng để đảm bảo học sinh được học ngày hai buổi. Điển hình như  trường Tiểu học Ngô Mây xây thêm 8 phòng, trường Nguyễn Tri Phương 9 phòng, trường Tô Vĩnh Diện 12 phòng, trường Hai Bà Trưng thêm cơ sở mới với 13 phòng….

Hiện tại, trường Tiểu học Nguyễn Phan Vinh vẫn đang trong quá trình xây dựng. Theo bà Thảo, việc số lượng học sinh tăng mạnh vào năm nay là do Sơn Trà ngày càng có nhiều khu chung cư, khu công nghiệp kéo theo nhiều gia đình đến nhập cư đăng ký cho con đi học.

Tại quận Cẩm Lệ, trường Tiểu học Trần Nhân Tông (phường Hòa Thọ Đông) phải xây thêm cơ sở 2 với 10 phòng học, do số lượng học sinh vào lớp 1 của trường tăng bất ngờ. Năm trước, nhà trường có 114 học sinh lớp 1, dự tính năm nay sẽ có khoảng 150 em nhưng thực tế lên tới 258 em. 

Ông Phạm Hồng Thái, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ cũng nhìn nhận việc học sinh tăng đột biến là do địa bàn có thêm nhiều khu dân cư mới, khu công nghiệp nhiều, người ở các địa phương khác tìm đến sinh sống, làm việc ngày một đông. “Điều tra phổ cập giáo dục được hoàn thành vào trước 31/12 hàng năm. Tuy nhiên dân nhập cư, phát sinh về sau ngày càng nhiều, thành thử địa phương không thống kê kịp và dự đoán chính xác được sẽ tăng bao nhiêu. Trong khi đó, việc xây trường lớp dựa trên kết quả điều tra và dự báo tăng trong những năm tới. Như năm nay quận xây thêm phòng học để phục vụ cho cả những năm về sau, song thực tế chỉ đủ đáp ứng cho năm học này vì học sinh tăng đột biến. Nếu mỗi năm số học sinh đều tăng như vậy thì sẽ tái diễn tình trạng năm trước đủ, năm sau thiếu”, ông lo ngại. Năm học này, quận xây thêm một trường mới, một số trường xây thêm phòng học như Trần Văn Dư, Thái Thị Bôi... Mặc dù thêm phòng ốc nhiều nhưng các trường cũng chỉ ở mức “vừa khít” chứ không thoải mái, dôi dư. 
Theo thống kê của Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng, năm học 2017 – 2018, thành phố có hơn 86.000 học sinh tiểu học, tăng gần 3.200 học sinh so với năm trước.

Ở một số trường phía Bắc tỉnh Quảng Nam, tình trạng học sinh tăng đột biến cũng khiến lãnh đạo các trường toát mồ hôi. Thầy Lưu Cúc, Hiệu trưởng trường Tiểu học Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc, thị xã Điện Bàn) thở dài: “Việc tăng học sinh thì đã nhiều năm, nhưng năm nay tăng đột biến, từ 155 em lên 201 em. Thành thử phải thêm một lớp 1 nữa. Dù quy định chỉ được 35 em/lớp nhưng trường vẫn phải nhận nhiều hơn, có lớp tới 39, 40 em. Không nhận thì phụ huynh cứ đem con tới trường khóc, trách thầy cháu muốn vô lớp mà không cho”. 

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) cũng tăng hơn 50 học sinh lớp 1, trường phải bố trí thêm một lớp 1 nữa dù phòng học vốn đã bức thiết. Theo cô Phạm Thị Diệu, Hiệu trưởng nhà trường, sự phát triển của các khu công nghiệp, khu dân cư khiến các trường rơi vào tình trạng quá tải. Hiện trường chỉ bố trí được khoảng 80% học sinh học ngày 2 buổi. 

MỚI - NÓNG