Loạt tiến sĩ AI quốc tế lý giải sức hút của Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia Trí tuệ Nhân tạo (AI) của FPT Software mang đến cho các bạn sinh viên thấy bức tranh tổng quan về ngành AI tại Việt Nam và trên thế giới, diễn giải sức hút đến từ sức mạnh ứng dụng và các lầm tưởng về khả năng thay thế con người.

Sự kiện Press Start On AI nằm trong chuỗi sự kiện Technology Lead The Journey do FPT Software và AIESEC tại Việt Nam hợp tác tổ chức, chia sẻ cho các bạn sinh viên thực trạng của ngành AI tại Việt Nam, cơ hội và định hướng phát triển sự nghiệp AI trong nước và quốc tế.

Loạt tiến sĩ AI quốc tế lý giải sức hút của Trí tuệ Nhân tạo Việt Nam ảnh 1
Chương trình Press Start On AI được phát trực tuyến trên Facebook FPT Software

Trong chương trình, anh Nguyễn Xuân Phong - Giám đốc Trí tuệ nhân tạo FPT Software, đang nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu AI Mila Quebec, một trong những viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, khái quát bốn khu vực theo cấp độ phát triển AI toàn cầu, lần lượt là Bắc Mỹ - châu Âu - Nhật, Hàn, Trung - và các nước còn lại. Anh ví AI là công nghệ dạng tổng quát như dòng điện, có thể ứng dụng đa ngành, đưa đến cách mạng 4.0 và được các nước top đầu tập trung ứng dụng trong sản xuất.

Mở đầu chương trình, diễn giả đề cập ngay đến sức mạnh ứng dụng đa dạng của AI, điển hình là Deepfake (công nghệ sáng tạo video và âm thanh giả). Bằng những dữ liệu đầu vào, AI có khả năng tính toán vô vàn kết quả đầu ra, một mặt có thể phục vụ mục đích học tập, giải trí, mặt khác có thể bị sử dụng cho các mục đích tiêu cực. “AI là một con dao hai lưỡi, người làm AI cần phải đặt vấn đề đạo đức và giá trị nhân văn lên hàng đầu”, anh Xuân Phong nhận định.

Anh Nguyễn Duy Khương, Tiến sĩ Khoa học Máy tính và Phân tích Dữ liệu, với hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành, làm việc tại công ty hàng đầu thế giới về thương mại điện tử Rakuten- Nhật Bản cho biết, dữ liệu tốt trong AI có thể giúp tăng năng suất lên từ 300 đến 500%. Ví dụ, AI có thể giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu và thử nghiệm đến 10 lần trong ngành vật liệu mới, đưa ra dự đoán các phân tử thuốc có hiệu quả điều trị cao nhất và giảm số lượng thử nghiệm trong chế tạo thuốc đặc trị, vaccine mới…

Với lầm tưởng về AI “chiếm đoạt thế giới”, nhóm diễn giả cho biết AI hiện tại chỉ có thể thay thế các giao thức lặp đi lặp lại của con người. Các kết quả được AI đưa ra vẫn cần con người kiểm tra, chưa đủ khả năng tự lập luận hay hiểu các tầng lớp ý nghĩ sâu sắc. Vì vậy, AI hiện là trợ thủ đắc lực nhất của con người để tăng năng suất làm việc và tiết kiệm nguồn lực.

Hai diễn giả đồng tình ở tiềm năng phát triển AI to lớn tại Việt Nam, trong các ngành chúng ta có thế mạnh như nông nghiệp, sản xuất, ngân hàng. Trong cuộc đua cạnh tranh AI toàn cầu khốc liệt, Việt Nam có nguồn nhân lực trẻ, có nền tảng kiến thức khoa học và toán rất tốt, là những điều kiện căn bản để phát triển AI. Đặc biệt, trong bối cảnh đất nước chuyển đổi số mạnh mẽ, lượng dữ liệu ngày một lớn là nguồn tài nguyên quý để người làm AI khai thác, ra quyết định đầu tư và định hướng phát triển lâu dài.

Trao đổi với các bạn sinh viên khối CNTT của các trường đại học, nhóm diễn giả cho rằng như mọi cuộc cách mạng công nghiệp khác, ứng dụng AI sẽ loại bỏ một số vị trí công việc nhưng đồng thời sẽ tạo ra nhiều vị trí làm việc, ngành học mới. Mọi sinh viên công nghệ đều nên tự phổ cập về dữ liệu và AI, đặc biệt là MLOps, bởi AI sẽ được ứng dụng rộng rãi vào tất cả các lĩnh vực trong tương lai.

Các trường đại học lớn tại Việt Nam, trên thế giới đều đưa AI trở thành ngành đào tạo, nhưng việc tự trau dồi, cập nhật công nghệ qua các khóa học trực tuyến rất cần thiết do sự thay đổi theo từng ngày.

Các công ty công nghệ lớn nắm rõ sự đổi thay này, họ luôn chú trọng đầu tư cho đào tạo và bồi dưỡng nhân sự để phát triển tài năng. Chủ động trau dồi từ khi còn là sinh viên sẽ là một điểm cộng để các bạn gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Đó là lời khuyên của anh Duy Khương và anh Đào Việt Bách, Trưởng Bộ phận Tuyển dụng & Thu hút Nhân tài thuộc Học viện FPT Software.

Trong khuôn khổ chương trình, các diễn giả cũng đưa ra góc nhìn của nhà tuyển dụng trong việc lựa chọn CV của sinh viên công nghệ. Các diễn giả gợi ý, với các bạn chưa có nhiều kinh nghiệm, các bạn có thể thêm bài tập lớn, dự án nghiên cứu đã tham gia để nhà tuyển dụng hình dung rõ hơn về thế mạnh và kỹ năng của mình. Cách diễn đạt súc tích, ngắn gọn và dùng chính xác từ khóa sẽ thu hút nhà tuyển dụng, giúp nhà tuyển dụng “khớp” hồ sơ vào vị trí công ty đang tìm kiếm.

Trước đó, Technology Leads The Journey đã tổ chức số đầu tiên với đội ngũ AIESEC phía Nam vào tháng 11/2021, có nội dung xoay quanh chủ đề rút ngắn hành trình trở thành chuyên gia AI. Các diễn giả trẻ tuổi là chuyên gia nghiên cứu từ AiLab thuộc FPT Software đã chia sẻ về trường hợp nghiên cứu thực tế, cách ứng dụng kiến thức từ trường đại học, mang đến thông tin hữu ích về các chương trình làm việc độc đáo cho chuyên ngành AI.

Sau hai số, chuỗi chương trình do AIESEC Việt Nam tổ chức cùng FPT Software đã nhận được sự quan tâm của hàng ngàn bạn sinh viên, với gần một nghìn câu hỏi gửi về trong khi sự kiện diễn ra và hơn 4.000 lượt tham dự, lượt xem trên các nền tảng trực tuyến, cho thấy sức hút của ngành này đối với các bạn trẻ, thế hệ làm chủ tương lai.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.