Loạt MV dung tục của rapper Việt bị gỡ

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Đó được xem là kết cục tất yếu của những sản phẩm âm nhạc có ngôn từ dung tục, hình ảnh phản cảm, khiêu dâm gây tranh cãi gay gắt thời gian qua.

Tối 20/9, các MV triệu view trên nền tảng YouTube của rapper Bình Gold như Ông bà già tao lo hết, Trơn, Lái máy bay, Bốc bát họ, Quan hệ rộng biến mất. Những MV này từng vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của khán giả lẫn truyền thông. Người hâm mộ lo ngại ngôn từ dung tục, cảnh quay phản cảm với nhân vật nữ mặc đồ hở hang, động tác khiêu dâm ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ.

Ngoài ra, việc để những MV kể trên được phát tán rộng rãi dễ tạo trào lưu a-dua, khó kiểm soát với các cơ quan quản lý.

Những người yêu thích nền âm nhạc sạch và chân chính ủng hộ hành động ẩn các MV gây tranh cãi của Bình Gold. Đó cũng là cơ hội để nam rapper thể hiện sự cầu thị, tiếp thu những ý kiến đóng góp tích cực từ phía khán giả.

Trước đó, trong chuyên mục Góc nhìn văn hoá với chủ đề Xóa bỏ ca khúc phản cảm, dung tục: Quyền lực trong tay khán giả phát sóng trưa 16/9 đã trích dẫn một phân đoạn nhạc, hình ảnh trong MV mới của Chi Pu và Bình Gold kèm lời dẫn lên án gay gắt. Cụ thể, VTV gọi các sản phẩm âm nhạc như Sashimi, Ông bà già tao lo hết… là rác.

Loạt MV dung tục của rapper Việt bị gỡ ảnh 1

Chi Pu chưa có động thái nào trước bão chỉ trích của dư luận. Nhiều người cho rằng nếu nghệ sĩ không tự giác, cơ quan chức năng nên vào cuộc để xoá bỏ những MV có nội dung dung tục, phản cảm.

Đây không phải lần đầu Chi Pu, Bình Gold bị báo chí, truyền hình điểm mặt với những MV dung tục, phản cảm. Không riêng Chi Pu, Bình Gold, nhiều nghệ sĩ lọt vào danh sách đen với loạt sản phẩm có ca từ dung tục, phản cảm.

Vào tháng 10/2021, MV Rap chậm thôi của RPT MCK, RPT Jin, RZ Ma$ và loạt mixtape của Bray biến mất sau khi vấp phải làn sóng chỉ trích dữ dội của cộng đồng mạng. Khi tìm kiếm từ khóa Tượng trên YouTube, bản gốc đạt gần 7 triệu lượt xem đăng từ ngày 16/11/2020 đã biến mất. Truy cập vào link ban đầu của MV, khán giả nhận thông báo: “Video unavailable. This video is private”. Tình huống tương tự xảy ra với Rap chậm thôi của RPT MCK, RPT Jin, RZ Ma$.

Giới chuyên môn nhận định nhạc nhảm phổ biến do khâu phát hành dễ và sự phát triển bùng nổ của các mạng xã hội. Các cá nhân có thể tự thu âm, sản xuất MV để đăng lên mạng và việc các sản phẩm dung tục, phản cảm xuất hiện tràn lan cho thấy sự dễ dãi, thiếu trách nhiệm với cộng đồng của một số người tham gia sáng tác âm nhạc đại chúng.

Trước làn sóng chỉ trích, tẩy chay của cộng đồng mạng, nhiều nghệ sĩ có động thái ẩn MV và lên tiếng xin lỗi. Rapper Chị Cả - chủ nhân ca khúc Censored bị “ném đá” loạn luân đã xin lỗi khán giả và cho biết không chọn lọc ngôn từ khi sáng tác vì nghĩ tác phẩm không dành cho đại chúng. "Tôi không ngờ bài hát được lan truyền rộng rãi như vậy. Tôi sẽ xóa, ẩn tác phẩm trên các nền tảng và yêu cầu đánh bản quyền trên Tiktok”- anh nói.

Loạt MV dung tục của rapper Việt bị gỡ ảnh 2

Rapper Chị Cả bị chỉ trích vì ca khúc Censored có nội dung phản cảm.

“Tôi gửi lời xin lỗi đến mọi người vì đã viết bình luận một cách thiếu suy nghĩ. Tôi biết không nên dùng từ này bừa bãi, gây hiểu nhầm như vậy. Tôi hoàn toàn không có chủ ý xấu, nên xin được tự kiểm điểm sâu sắc về việc này”- Rhymastic thành khẩn sau khi MV Tượng bị chỉ trích.

Trước thực trạng kể trên, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã soạn văn bản gửi đến Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý các rapper đã phát hành sản phẩm có nội dung vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục và vi phạm pháp luật trên mạng xã hội. Đề nghị xử phạt hành chính với những rapper vi phạm theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.

Theo đó, mức phạt cao nhất đối với hành vi lưu hành bản ghi âm, ghi hình có nội dung "xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo" là 50 triệu đồng và "sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội" là 40 triệu đồng.

Bên cạnh những án phạt hành chính thì chính khán giả có quyền lực mềm để thể hiện thái độ cũng trách nhiệm của mình để thanh lọc những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng, nhảm nhí với ngôn từ dung tục, phản cảm.

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.