Loạt dự án bệnh viện nguy cơ vỡ tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhiều dự án xây dựng bệnh viện lớn của Hà Nội đang có nguy cơ “có vỏ mà rỗng ruột” do khó khăn trong đấu thầu thiết bị y tế.

Theo báo cáo của thành phố Hà Nội, tổng số dự án thuộc lĩnh vực y tế tại Nghị quyết số 37/NQ-HĐND ngày 10/12/2022 là 22 dự án, trong đó có 5 dự án chuyển tiếp giai đoạn 2016-2020; 7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư và 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư.

Loạt dự án bệnh viện nguy cơ vỡ tiến độ ảnh 1

Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã gần hoàn thiện ẢNH: HIỂU MINH

Cụ thể, 5 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016-2020 triển khai nâng cấp, xây dựng và mở rộng 5 bệnh viện: Đa khoa huyện Thường Tín; Nhi Hà Nội giai đoạn I; Đa khoa Hà Đông; Đa khoa huyện Ba Vì và Đa khoa Sơn Tây.

7 dự án đã được phê chủ trương đầu tư, bao gồm: Nâng cấp Bệnh viện Tâm thần Hà Nội và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội; xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội cơ sở 2, Trung tâm Pháp y Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Hòe Nhai, đồng thời cải tạo và nâng cấp đầu tư hệ thống khí y tế và hệ thống xử lý chất thải lỏng y tế tại các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội.

Còn lại 10 dự án đang lập, trình báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, gồm: Xây dựng Bệnh viện Thận cơ sở 2; cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Bắc Thăng Long; nâng cấp Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội; Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội; xây mới Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Hà Nội khu vực phía Bắc; Bệnh viện Mắt thành phố Hà Nội; Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Nam và cải tạo, nâng cấp Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân, thành phố phấn đấu đến năm 2025 đạt 30-35 giường bệnh/vạn dân. Nếu lấy con số tối thiểu là 30 giường bệnh/vạn dân thì Hà Nội đang cần bổ sung 4.204 giường bệnh.

Tuy nhiên, khi triển khai, các dự án bệnh viện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc liên quan đến gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế.

“Quá nhiều quy trình vướng mắc khiến không ai dám làm, chủ đầu tư cũng lo khi tổ chức đấu thầu mua sắm” Đại diện Sở Y tế chia sẻ

Bệnh viện có nguy cơ bỏ không

Ghi nhận tại dự án bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín (giai đoạn 1), dự án thuộc dự án nhóm B, quy mô 300 giường bệnh, đạt tiêu chuẩn Bệnh viện hạng II, được giao cho Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 684 tỷ đồng.

Hiện các khối nhà chính cao 9 tầng, khối nhà kỹ thuật 4 tầng đã cơ bản hoàn thành. Nhà thầu xây lắp đang thi công, lắp đặt các hạng mục điện chiếu sáng, thiết bị điện, cửa kính... Đại diện Cty CP xây lắp Xuân Mai cho biết, hiện các hạng mục xây lắp trong gói thầu đã thực hiện được khoảng 95%, với tốc độ thi công hiện nay chỉ trong tháng 6/2023 sẽ hoàn thành toàn bộ gói thầu xây lắp.

Hiện dự án chỉ còn 1 khối nhà nằm trên diện tích làm sân đường chưa giải phóng mặt bằng (GPMB) do là nhà đất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam nằm trong khuôn viên của Bệnh viện, chủ đầu tư đã có văn bản đề nghị Bảo hiểm Thành phố, và Bảo hiểm Thành phố đã có Văn bản gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề nghị sớm bàn giao tòa nhà phục vụ thi công. Trên mặt bằng còn 1 ngôi mộ chưa được di dời, Chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Thường Tín để di dời sớm nhất có thể.

Vướng mắc nhất đối với dự án bệnh viện đa khoa Thường Tín (giai đoạn 1) là thiết bị y tế, rất có khả năng bệnh viện xây xong nhưng không có đầy đủ thiết bị để phát huy tốt nhất hiệu quả đầu tư.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, không chỉ dự án bệnh viện Thường Tín, rất nhiều bệnh viện lớn của Hà Nội như dự án bệnh viện đa khoa Sơn Tây, bệnh viện đa khoa Hà Đông... cũng trong viễn cảnh tương tự.

Lý do bởi tất cả đều đang lúng túng trong việc tổ chức đấu thầu mua sắm thiết bị y tế. Khó khăn đến ngay từ khâu lập danh mục cấu hình thiết bị y tế, tiếp đến xây dựng cấu hình... Ngoài ra, có những thiết bị không có trong danh mục niêm yết trên cổng thông tin của Bộ Y tế... chủ đầu tư cũng không dám mua.

Một đại diện Ban quản lý dự án cho biết: ‘’Khó khăn là rõ ràng vì xây dựng xong một bệnh viện mà không có đầy đủ thiết bị y tế thì cũng không thể hoạt động được. Do đó chúng tôi phải vừa làm vừa dò đường. Tuy nhiên chúng tôi sẽ quyết tâm đẩy nhanh tiến độ, đồng thời tuân thủ chặt chẽ các quy định, mong các bộ ngành sớm có những hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ cho Chủ đầu tư chúng tôi trong quá trình thực hiện”, vị này cho hay.

MỚI - NÓNG