Loạt công trình của chủ chung cư mini bị cháy sai phép: Ai 'chống lưng' cho ông Nghiêm Quang Minh?

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, bị can Nghiêm Quang Minh - người vừa bị Công an Hà Nội khởi tố, bắt tạm giam do liên quan vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, đã xây dựng ít nhất 8 toà chung cư mini tại nhiều quận của Hà Nội. Hầu hết trong số đó đều xây dựng sai phép.

Trong khi đó, tại Hà Nội, hàng trăm tòa chung cư mini biến tướng khác cùng rơi vào tình trạng tương tự...

Hàng loạt vi phạm

Trong số các chung cư mini do ông Minh đầu tư hoặc cùng đầu tư, số lượng tại quận Thanh Xuân là nhiều nhất, lên tới sáu tòa, trong khi hai tòa còn lại ở quận Đống Đa và quận Tây Hồ. Toàn bộ các chung cư mini này đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, xây dựng cao tầng, xây dựng sai với giấy phép xây dựng, không đảm bảo các quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Loạt công trình của chủ chung cư mini bị cháy sai phép: Ai 'chống lưng' cho ông Nghiêm Quang Minh? ảnh 1

Chung cư mini của ông Nghiêm Quang Minh tại phường Bưởi, quận Tây Hồ

Tại phường Nhân Chính (quận Thanh Xuân), một cán bộ UBND phường cho biết, trên địa bàn phường có 2 bất động sản liên quan đến ông Nghiêm Quang Minh (chủ căn chung cư mini bị cháy trên phố Khương Hạ). Cụ thể, một tòa chung cư mini ở số 28/12 Chính Kinh. Theo hồ sơ, tòa nhà được cấp phép xây dựng cấp từ năm 2010, cao 6 tầng, có lửng, có tum.

Phường cùng các lực lượng chức năng khác cũng đã tiến hành kiểm tra, xác định tòa chung cư này cao 7 tầng 1 tum. Chính quyền địa phương đã vận động một số đơn vị hỗ trợ cho người dân 200.000 đồng/hộ để chuyển xe sang tòa chung cư bên cạnh để hạn chế nguy cơ cháy nổ.

Ngoài ra, với những hộ làm chuồng cọp, phường đề nghị cư dân cắt lỗ thông chuồng cọp để hạn chế nguy cơ cháy nổ. Theo ghi nhận của PV Tiền Phong chiều ngày 19/9, tòa nhà được xây 100% diện tích đất, nằm bên cạnh các tòa nhà cao tầng khác. Tầng 1 của tòa nhà được dùng làm bãi để xe. Tòa nhà có ban công, nhưng hầu hết đều được làm chuồng cọp, hàn kín mít.

Một bất động sản nữa liên quan đến ông Nghiêm Quang Minh là văn phòng cho thuê tại số 18 Ngụy Như Kom Tum. Theo đó, giấy phép công trình này được cấp là 6 tầng, có hầm, có lửng, có tum.

Ngoài hai bất động sản trên, phường cũng đang rà soát các chung cư mini và nhà cao tầng cho thuê theo kế hoạch của thành phố, của quận Thanh Xuân. Quá trình kiểm tra, rà soát cùng phối hợp tuyên truyền phòng cháy chữa cháy và các biện pháp cứu nạn, cứu hộ khi xảy ra cháy, vị cán bộ này nói.

Loạt công trình của chủ chung cư mini bị cháy sai phép: Ai 'chống lưng' cho ông Nghiêm Quang Minh? ảnh 2

Chung cư mini bị cháy trong ngõ 29/70 Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa qua

Ghi nhận tại số nhà 95 ngõ 378 Thụy Khuê (phường Bưởi, quận Tây Hồ), đây là một chung cư mini có dấu hiệu xây dựng sai phép. Con ngõ nhỏ chỉ khoảng 3 mét sâu hun hút dẫn tới căn chung cư mini nói trên.

Được biết, chung cư mini này được ông Minh xây dựng khoảng chục năm trước. Bà Tích (người dân ở đối diện chung cư mini) cho biết, bà từng là tổ trưởng tổ dân phố số 2, sau vụ cháy tại chung cư mini quận Thanh Xuân, bà và người dân tại đây vô cùng lo lắng vì chung cư mini này có quy mô rất lớn nhưng lại chỉ có một lối ra vào duy nhất.

"Rất mong cơ quan chức năng có biện pháp đảm bảo an toàn cho chính người dân trong chung cư mini và người dân ở trong ngõ”, bà Tích chia sẻ.

Ngoài ra, ông Nghiêm Quang Minh cùng kết hợp xây dựng nhiều chung cư khác trên địa bàn phường Nhân Chính, Khương Mai, Khương Hạ, Thanh Xuân. Đa số đều xây dựng sai với giấy phép xây dựng ban đầu.

Theo tìm hiểu của PV, một “trùm” chung cư mini có tiếng khác cũng đang sở hữu nhiều chung cư trên địa bàn Hào Nam, Xã Đàn (quận Đống Đa) và phường Lê Đại Hành (quận Hai Bà Trưng).

Cụ thể, chung cư mini ở số 26 Vân Hồ 3 tổ 60 phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng là 2 tòa nhà được cấp phép xây dựng quy mô 5 tầng và tum nhưng đã xây dựng hoàn thiện, hợp khối và lên tầng thứ 8. Công trình này được xây dựng từ năm 2018 nhưng vi phạm vẫn tồn tại đến thời điểm này.

Né tránh thông tin cho báo chí?

Để có thông tin cụ thể về công trình chung cư mini số 95 ngõ 378 Thụy Khuê, PV Tiền Phong đã nhiều lần liên hệ với ông Hoàng Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Bưởi nhưng không nhận được phản hồi.

Sáng 19/9, PV Tiền Phong có mặt tại trụ sở UBND phường Bưởi nhưng toàn bộ lãnh đạo UBND phường liên quan đều không có mặt tại phường. Bộ phận một cửa UBND phường không nhận đặt lịch làm việc với cơ quan báo chí và hướng dẫn lên gặp văn phòng UBND phường.

Tuy nhiên, ông Trọng (người có nhiệm vụ nhận đặt lịch làm việc của báo chí - PV) cũng không có mặt tại văn phòng.

Tương tự tại phường Lê Đại Hành, bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Chủ tịch UBND phường không phản hồi thông tin PV đề nghị cung cấp.

Theo tìm hiểu của PV, đối với công trình chung cư mini số 26 Vân Hồ 3 tổ 60, phường Lê Đại Hành, từ tháng 2/2018, UBND phường Lê Đại Hành, Tổ Thanh tra xây dựng phường đã nhiều lần lập biên bản vi phạm hành chính đối với bà Lưu Hoàng Ly (chủ công trình) về việc xây dựng nhà sai nội dung ghi trong giấy phép xây dựng được cấp và bản vẽ thiết kế đã được phê duyệt.

Khi đó, chủ nhà xin “tự khắc phục tháo dỡ phần vi phạm trước ngày 15/3/2018 (vì chưa có thợ)”. Dù sau đó thanh tra xây dựng đã có nhiều văn bản đề xuất Chủ tịch UBND phường Lê Đại Hành ban hành quyết định xử phạt theo thẩm quyền. Thế nhưng công trình vẫn ngang nhiên sai phạm và tồn tại đến nay.

Tại nhiều phường khác của Hà Nội, khi PV Tiền Phong liên hệ hỏi về chung cư mini thì đều nhận được câu trả lời “đang bận”, “chưa xếp được lịch” và nhiều lý do khác.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính pháp) cho biết, pháp luật quy định rất cụ thể các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, các hình thức xử lý, mức xử phạt, trình tự thủ tục xử phạt vi phạm hành chính; trình tự thủ tục áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong đó có biện pháp buộc tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Cơ quan có thẩm quyền có trách nhiệm lập phương án và tổ chức tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Tuy nhiên, LS Cường cho biết, pháp luật hiện nay chưa có quy định cụ thể là thời gian lập phương án tổ chức cưỡng chế là bao lâu, khi nào thì phải tổ chức xong việc thi hành quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng.

Ngoài ra pháp luật cũng không có quy định cụ thể nếu cán bộ, cơ quan có thẩm quyền không tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng khi đã có quyết định cưỡng chế tháo dỡ thì sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự như thế nào.

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho rằng, quy định trách nhiệm của UBND quận, UBND phường, thanh tra xây dựng về quản lý trật tự xây dựng đã khá cụ thể. Để xảy ra tình trạng vi phạm tràn lan như vừa qua rõ ràng phải có tình trạng cán bộ chức năng tiếp tay hoặc làm ngơ cho sai phạm. “Tình trạng này đã nhiều lần được phản ánh nhưng xử lý hời hợt và thiếu quyết liệt. Vụ cháy vừa qua là tiếng chuông cảnh báo, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của cán bộ liên quan”, vị đại diện cho hay.

MỚI - NÓNG