Loạn xây dựng biệt phủ ở Sóc Sơn: Đừng đổ lỗi cho dân!

Người dân đua nhau xây nhà xưởng, biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp ở Sóc Sơn Ảnh: Nguyễn Thắng
Người dân đua nhau xây nhà xưởng, biệt thự trái phép trên đất nông nghiệp ở Sóc Sơn Ảnh: Nguyễn Thắng
TP - Đó là ý kiến của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường khi trao đổi về thực trạng xây dựng biệt thự, nhà cao tầng, nhà xưởng trên đất nông nghiệp, đất công ích ở huyện Sóc Sơn.

Có tham nhũng, tiêu cực?

GS Đặng Hùng Võ cho rằng, việc xây dựng biệt thự trên đất rừng, rồi cả việc xây biệt thự, nhà ở, nhà xưởng trên đất nông nghiệp và đất công ích tại Sóc Sơn là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng. “Đã quy hoạch vào mục đích này mà lại sử dụng vào mục đích khác, lại không có hành vi ngăn chặn, thiết lập lại trật tự sử dụng đất đúng mục đích thì đó là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng” - ông Võ nói.

Theo ông Võ, dù phù hợp quy hoạch, nhưng nếu mục đích sử dụng sai ở thời điểm chưa thực hiện quy hoạch cũng không thể chấp nhận được. Bởi vì, nếu thực hiện đúng quy hoạch, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, nhưng sai phạm ở đây lại đang né tránh nộp các loại thuế phí, tiền thuê đất vào ngân sách.

“Theo tôi tình trạng ở Sóc Sơn chỉ còn một cách là kỷ luật cả ông lãnh đạo đã về hưu, lẫn các ông chưa về hưu để xảy ra sai phạm. Nếu để xảy ra tràn lan, trong thời gian nhất định thì cũng có thể xử lý hình sự. Không chỉ ở Sóc Sơn mà ở các nơi khác cũng có vi phạm như vậy. Tôi đã từng nói rằng, tất cả các cấp ở Hà Nội đều phải chịu trách nhiệm, bởi vì báo chí đã phản ánh nhiều lần, các cấp chính quyền đều biết mà tại sao không xử lý?”- ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.

Lý giải nguyên nhân xảy ra tình trạng trên, ông Võ cho rằng, dù chưa có đủ chứng cứ để kết luận, nhưng theo logic, chỉ có lý do bắt nguồn từ động cơ trục lợi, tham nhũng. “Chính quyền được giao nhiệm vụ mà không làm thì chỉ có sự móc ngoặc với người vi phạm pháp luật để bật đèn xanh cho hành vi sai trái. Nếu nói trình độ quản lý kém thì không chính xác hoàn toàn. Theo logic thì đó là việc kém về đạo đức của cán bộ, công chức. Chủ tịch xã thừa nhận sai phạm từ lâu mà lại buông lỏng, không làm gì thì chỉ có thể là tham nhũng (?!). Rất nhiều nơi ở ngoại thành Hà Nội đang diễn ra tình trạng này” - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường bình luận.

Theo GS Đặng Hùng Võ, việc điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa các sai phạm càng chứng minh có động cơ tham nhũng trong quá trình quản lý. “Đã quy hoạch có nghĩa là được hội đồng các cấp đánh giá, giờ lại vì vi phạm mà điều chỉnh quy hoạch thì chỉ có tham nhũng mà thôi” - ông Võ nói.

Phải xử nghiêm vi phạm của cán bộ, kể cả đã về hưu

Bàn về giải pháp để giải quyết thực trạng vi phạm trên, ông Võ khẳng định cần mạnh tay xử lý các công trình vi phạm. Có những ý kiến mang tính hữu khuynh, sợ phá đi sẽ thiệt hại, nhưng muốn lập lại kỷ cương thì không phá dỡ không được. Ông Võ cho rằng, cần dứt khoát xử lý nghiêm vi phạm để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật. “Lúc này, chúng ta phải đặt ra nhiệm vụ thực thi pháp luật lên trên hết, không có đồng tiền nào có thể cản trở được, có như thế mới giải quyết được vấn đề. Không xử lý nghiêm, không xử lý đúng thì các hành vi vi phạm sẽ tiếp tục”, ông Võ lo ngại.

“Như sai phạm ở đất rừng phòng hộ huyện Sóc Sơn vừa qua, vì trước đây không xử lý nghiêm, chúng ta phát hiện năm 2008, đến năm 2013 lại đưa lên báo chí lần nữa. Đến năm 2018, báo chí tiếp tục phản ánh mà không xử lý thì số lượng vụ vi phạm sẽ tăng. Không thể nói người dân có nhu cầu để rồi buông lỏng cho làm trái pháp luật.  Chính quyền địa phương có nhiệm vụ phản ánh nhu cầu của nhân dân lên các cấp cao hơn để từ đó có những quy hoạch phù hợp. Nếu có nhu cầu xây nhà xưởng, thì cụm công nghiệp sẽ ra đời hoặc mở rộng với các giải pháp về môi trường, chứ không thể nói vì nhu cầu mà chấp nhận nhìn dân làm sai pháp luật” - Giáo sư Võ phân tích.  

Cũng theo ông Đặng Hùng Võ, trách nhiệm trước hết thuộc về lãnh đạo cấp xã, bởi vì UBND xã được pháp luật giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát trên địa bàn. Ở đâu vi phạm đất đai phải xử lý. Nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo cấp cao hơn xử lý ngay.

“Theo tôi tình trạng ở Sóc Sơn chỉ còn một cách là kỷ luật cả ông lãnh đạo đã về hưu, lẫn các ông chưa về hưu để xảy ra sai phạm. Nếu để xảy ra tràn lan, trong thời gian nhất định thì cũng có thể xử lý hình sự. Không chỉ ở Sóc Sơn mà ở các nơi khác cũng có vi phạm như vậy. Tôi đã từng nói rằng, tất cả các cấp ở Hà Nội đều phải chịu trách nhiệm, bởi vì báo chí đã phản ánh nhiều lần, các cấp chính quyền đều biết mà tại sao không xử lý?”, ông Đặng Hùng Võ nhấn mạnh. Ông Võ cũng đề nghị, nếu không quản lý được đất đai nên giải tán Tổng cục Quản lý đất đai, giải tán luôn chi cục quản lý đất đai các tỉnh. “Tất nhiên quản lý đất đai tại nước ta rất phức tạp. Nhưng nếu làm tham mưu mà không tốt thì nên giải tán. Đất rừng thì bị xâm hại, đất nông nghiệp cũng không còn nông nghiệp nữa. Nói một cách khái quát, thực trạng quản lý đất đai rất yếu kém” - GS Đặng Hùng Võ nói.

MỚI - NÓNG