Loài ớt mang huyền tích chim chào mào

0:00 / 0:00
0:00
TP - A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là con chim chào mào. Ớt A Riêu được đặt từ huyền tích loài chim này ăn những trái ớt mọc ở rừng từ đó phát tán hạt giống khắp núi rừng. Loại ớt tí hon vị cay, thơm là đặc sản riêng có ở vùng cao xứ Quảng.
Loài ớt mang huyền tích chim chào mào ảnh 1
Lễ hội ớt A Riêu

Từ loại gia vị thường thấy trong gian bếp của người Cơ Tu ở vùng núi Đông Giang (Quảng Nam), ớt A Riêu đã thành đặc sản được nhiều người biết đến, mang lại thu nhập cho người dân.

Ông Arất Bói - Chủ tịch UBND xã Mà Cooih nói rằng, người dân trong xã tự hào về cây đặc sản ớt A Riêu - thứ quả bé xíu vốn mọc hoang dã ở bìa rừng nay được đưa về trồng trên nương rẫy, dần trở thành sản phẩm kinh tế chủ lực.

Vị chủ tịch xã lý giải, A Riêu trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là con chim chào mào. Loại ớt A Riêu được đặt tên này với huyền tích loài chim chào mào ăn những trái ớt mọc ở rừng, từ đó phát tán hạt giống khắp núi rừng. Nhờ điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu riêng biệt đã tạo ra sự khác biệt của giống ớt tí hon có vị cay, thơm nồng, vừa khác hẳn với các giống ớt ở nơi khác.

Cả xã có 640 hộ dân thì có 247 hộ trồng ớt. Người dân ở đây chủ yếu là bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu. Trước đây nguồn thu nhập chính từ cây ngô, sắn, chuối, gỗ keo… thì giờ đây ớt A Riêu giúp nhiều hộ xóa nghèo.

Trung bình, mỗi kí ớt có giá từ 250-300 nghìn đồng. Thoạt đầu tưởng như giá ớt rất cao, nhưng để hái được một kí ớt bé xíu này người dân phải mất cả buổi, cộng quãng thời gian lội bộ hàng mấy tiếng đồng hồ lên rẫy. Chưa kể, loại quả hoàn toàn hữu cơ tự nhiên và mùi vị riêng có khiến nhiều người bị “mê hoặc”.

A Rất Thị Ý (ở xã Mà Cooih) trồng 3 nghìn gốc ớt trên rẫy. Chị nói, không ngờ một ngày cây ớt A Riêu mà người dân hay ăn lại có thể trở thành sản phẩm bán ra tiền, giúp cho bà con bớt nghèo. Từ xưa đến nay, trong gian bếp của hầu hết người dân vùng cao này luôn trữ sẵn một lọ ớt muối, lúc lên nương, rẫy ớt muối cũng là thức ăn kèm với cơm nắm. Cách đây gần chục năm đặc sản này được nhiều người biết đến, người dân trong xã đưa cây ớt về trồng trên các nương rẫy, tuyệt nhiên không sử dụng bất kỳ loại thuốc gì mà để phát triển tự nhiên. Năm 2022 ớt A Riêu là sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. “Riêng trái ở A Riêu thì 100% là hữu cơ, vì người trồng chẳng tác động gì cả, để cây sinh trưởng tự nhiên. Phải như vậy ớt mới giữ được vị thơm nồng đặc trưng, ăn rồi chỉ có nghiện”, chị Ý cười tươi.

Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Bảo cho hay, trong kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021 – 2025, ớt A Riêu là một trong những loại cây trồng chủ lực được ưu tiên phát triển.

Nông sản này được gieo trồng phổ biến tại nhiều xã và hiện nay đã nhân giống được 12 ha với khoảng 100 hộ dân tham gia. Loại ớt này cho năng suất thu hoạch quanh năm, với sản lượng ước tính trên địa bàn đạt 10,5 tấn. Ớt khi được sơ chế, sẽ được bảo quản, chế biến thành nhiều loại thực phẩm đặc trưng của địa phương như ớt A Riêu muối, tương ớt A Riêu, muối ớt A Riêu, ớt A Riêu muối chua...

Năm 2019, sản phẩm ớt A Riêu muối đã được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận sản phẩm OCOP 3 sao và năm 2022 được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh.

“Giống ớt A Riêu này hiện được công nhận là nông sản hữu cơ hoàn toàn tự nhiên và gắn nhãn OCOP 4 sao cấp tỉnh, góp phần nâng cao sinh kế và phát triển bền vững cho đồng bào dân tộc miền núi theo hướng sản xuất hàng hóa và bảo tồn đa dạng sinh học”.

Phó chủ tịch UBND huyện Đông Giang Đinh Văn Bảo

Độc lạ lễ hội ớt A Riêu

Mới đây, Lễ hội ớt A Riêu lần đầu tiên được tổ chức tại huyện miền núi Đông Giang khiến cả người dân và du khách háo hức. Hôm ấy, người dân khắp nơi đổ về Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang dự lễ hội độc đáo này.

Trong số nhiều hoạt động đặc sắc, nhiều người bị thu hút bởi hoạt động rước vật thiêng ớt A Riêu như một cách bày tỏ tri ân của người dân với sản vật được thiên nhiên ban tặng. Ngoài ra, người dân và du khách còn được trải nghiệm nét văn hóa, ẩm thực truyền thống của người Cơ Tu như múa trống chiêng hòa cùng lửa thiêng, bắn ná, bơi lội, trưng bày ẩm thực truyền thống,…

Chị Vũ Lê, du khách Hà Nội trong chuyến du lịch miền Trung cũng kịp tham gia dịp lễ hội ớt. Chị cho hay lần đầu tiên trải nghiệm du lịch vùng núi nên khá mới lạ và hào hứng. “Mình ăn thử ớt A Riêu thấy vị cay và rất thơm, kết hợp cùng mì Quảng thật sự rất hợp vị. Nhiều sản vật núi rừng bày bán thấy cũng rất hấp dẫn nhưng sợ nặng không mang về được nên mình mua ít hũ ớt đặc sản này về biếu người thân”, nữ du khách chia sẻ.

Loài ớt mang huyền tích chim chào mào ảnh 2
Thu hoạch ớt A Riêu

Vơ Ních Ưn (ở xã Ba, huyện Đông Giang) cũng bị cuốn hút bởi nhiều hoạt động sôi nổi của ngày hội. “Hiếm khi có dịp tham gia lễ hội, bà con lại được miễn phí vé trải nghiệm nên mình chở vợ con lên đây chơi. Không có nhiều tiền nên sau trải nghiệm mình mua hũ ớt A Riêu về để cả nhà cùng thưởng thức”, Ưn nói.

Trực tiếp tham gia lễ hội, chứng kiến lễ kí kết bao tiêu sản phẩm ớt A Riêu giữa đại diện Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang và HTX Nông lâm nghiệp Mà Cooih, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng, cho rằng đây sẽ là cơ hội rất lớn cho sinh kế người dân vùng cao.

Ông cho rằng, lễ hội ớt A Riêu sẽ là một hoạt động gắn với phát triển nông sản và du lịch sinh thái trên địa bàn nhằm góp phần tôn vinh, khẳng định giá trị, nguồn gốc xuất xứ và thương hiệu ớt A Riêu.

“Đây sẽ là cơ hội giúp người dân kết nối, mở ra kênh tiêu thụ và kích cầu tiêu thụ cũng như hút khách du lịch đến vùng cao xứ Quảng”, ông Dũng nói.

MỚI - NÓNG