Dư địa khai thác nguồn thu rất hạn chế nên phải tính toán chi, kiên quyết loại bỏ những khoản chi không hợp lý.
Năm 2013 việc thu ngân sách dự báo còn khó khăn, trong khi bội chi ngân sách giảm chậm. Ủy ban có khuyến cáo gì để giảm chi, đảm bảo cân đối thu- chi?
Chúng ta đang đứng trước nhiều khó khăn. Thứ nhất là về nguồn thu. Do kinh tế tăng trưởng không như mong muốn nên nguồn bị thu hẹp lại. Thứ hai là xu thế thu thuế phải giảm dần và khoan sức dân, đánh thuế trên diện rộng, không tạo áp lực thuế vào một cá nhân, tổ chức nào.
Dư địa khai thác nguồn thu rất hạn chế nên phải tính đến câu chuyện chi như thế nào cho hợp lý. Trong khuyến cáo của UB TCNS, khi xác định nhiệm vụ chi phải xác định rõ khả năng thu và an ninh tài chính ra sao.
Chúng tôi đề nghị Chính phủ thực hiện tốt chính sách chi đã ban hành. Hạn chế ban hành chính sách mới mà không tính tới khả năng thu, mỗi thứ một tý cộng vào sẽ rất lớn.
Điều quan trọng nhất là phải cân đối thu - chi, phải khống chế tỷ lệ bội chi ngân sách. QH cũng đã quy định trần nợ công, khả năng trả nợ… Trong bối cảnh thu khó khăn thì càng phải thận trọng hơn khi quyết định chi. Nên tái cơ cấu, cố gắng tránh bội chi kép, tức vừa bị bội chi theo chu kỳ, vừa theo cơ cấu.
Chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm
Như ông nói trong bối cảnh hiện này phải tiết kiệm chi, cụ thể đối với chi thường xuyên nên thực hiện ra sao?
Tất cả các nghị quyết của QH đều nêu phải tiết kiệm. Hàng năm Chính phủ xác định các mức dự toán, đều cắt giảm 10% chi thường xuyên sau khi loại trừ yếu tố lương. Tiết kiệm 10% chi phí khác để giai quyết lương. Như năm 2012 trong dự toán đã cắt đi 500 tỷ để đầu tư sang an sinh xã hội khác như xóa đói giảm nghèo…
Mặc dù dự toán đã như thế rồi nhưng quá trình tổ chức thực hiện vẫn có những phát sinh, ví như tăng chi cho hội nghị, khánh tiết, mua sắm xe công, lễ hội… Chúng tôi đã cảnh báo nhiều lần, những khoản chi này vượt do việc chấp hành kỷ luật tài chính chưa nghiêm. Thời gian tới phải kiên quyết loại bỏ.
Thực tế năm nào chúng ta cũng nói tiết kiệm, nhưng tình hình vẫn chưa có nhiều chuyển biến?
Lần này phải kiên quyết. Thực tế có lễ hội huy động ngoài ngân sách. Nhưng huy động nguồn lực ngoài ngân sách, huy động của doanh nghiệp thì cũng là của xã hội, nên vẫn phải tiết kiệm. Tôi nghĩ rằng phải cương quyết từ khâu dự toán, phải cắt giảm đi.
Tiếp nữa là khâu thanh tra, kiểm toán phải xuất toán những khoản chi không hợp lý. Bản thân mỗi đơn vị, cá nhân phải nâng cao ý thức. Với tinh thần của Nghị quyết Trung ương 4, chắc chắn việc này sẽ tích cực hơn.
Còn đối với khoản chi đầu tư công, cần tính toán lại như thế nào, thưa ông?
Phải tập trung cơ cấu lại đầu tư công. Đầu tư công năm nay bố trí chỉ bằng đúng năm ngoái, và bắt đầu phải thu lại để nhường cho các thành phần kinh tế khác.
Hà Nhân ghi