Sở hữu vẻ ngoài “hao hao” món bánh gạo Tokbokki của Hàn Quốc, nhưng bánh đá lại là đặc sản dân dã, quen thuộc của người dân tộc Dao, Nùng sinh sống tại các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ,... tỉnh Hà Giang. Thường xuất hiện vào các ngày lễ, Tết, loại bánh này còn có một tên gọi khác là bánh lưa khoải.
Để có được chiếc bánh đá, sau khi thu hoạch lúa chín, người dân đã tuyển chọn những hạt gạo ngon rồi lấy gạo tẻ trộn với gạo nếp theo tỷ lệ nhất định, sau đó đem ngâm với nước từ 4-5 tiếng, ngâm xong thì đem phơi khô, mang đi nghiền. Tiếp đó, đồ bột gạo lên, chín nhừ rồi mang ra giã. Giã cho dẻo thì bắt đầu nặn thành chiếc bánh to như cục gạch.
Khi tiến hành các thao tác nặn phải thật nhanh, vì nếu để bột nguội chúng không dính quyện được vào nhau. Việc này đòi hỏi người làm vừa phải có thể lực tốt, vừa phải khéo tay. Nguồn gốc của tên gọi "bánh đá" là bởi đặc tính cứng như đá của bánh sau công đoạn phơi khô.
Bánh đá thành phẩm tại một xưởng sản xuất ở Đồng Văn (Hà Giang). |
Sắc màu tự nhiên của bánh đá được tạo thành từ những nguyên liệu tự nhiên như quả gấc (màu đỏ), hoa đậu biếc (màu xanh lam), lá cẩm tím (màu tím), bột nghệ (màu vàng), lá dứa (màu xanh lá)…
Không chỉ vì màu sắc đẹp mắt, lý do món bánh đá được nhiều bạn trẻ ưa thích là chúng có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như nhúng lẩu, nấu bánh canh, nấu món thắng dền (một loại chè) hoặc chiên, rán rồi ăn cùng tương ớt, sữa đặc…
Một số món ăn được chế biến từ bánh đá Hà Giang. |
Khi tìm kiếm cụm từ “bánh đá Hà Giang” trên mạng xã hội TikTok, sẽ có hàng trăm video review về món ăn này hiện lên. Nhiều video có từ vài trăm ngàn tới vài triệu lượt xem, đưa bánh đá trở thành một trong những món "hot trend" của dịp Tết năm nay. Sản phẩm bánh đá Hà Giang cũng xuất hiện rất nhiều trên ứng dụng Shopee với hàng trăm kết quả sau một lần tìm kiếm.
Chị Là Thị Lanh (1992), chủ xưởng sản xuất bánh đá tại xã Sủng Là (Đồng Văn) cho biết bình thường, xưởng của chị có 8-9 người làm, nhưng gần Tết thì có khoảng 10-15 người do nhu cầu thị trường tăng cao.
Theo chị Lanh, giá bán dịp Tết rơi vào khoảng 25.000 đồng/kg nếu mua trực tiếp tại xưởng và 50.000 đồng/kg nếu phải chuyển đi các tỉnh thành khác. Những dịp khác trong năm, thu nhập từ xưởng bánh đá mang lại cho chị Lanh là khoảng 30-50 triệu/tháng. Nhưng trong tháng 11 và 12 năm nay, thu nhập có thể tăng lên mức 50-70 triệu đồng/tháng.
“Mình bán hàng trên Facebook, Zalo và TikTok. Bán trên TikTok đắt hàng nhất bởi vì năm nay bánh đá đang là hot trend trên mạng xã hội này, được nhiều tín đồ ẩm thực quay clip review”, chị Lanh nói. Theo chị, lượng sản xuất của năm nay đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.
Tương tự, chị Thào Thị Dính, chủ một xưởng sản xuất bánh đá tại xã Sà Phìn (Đồng Văn, Hà Giang) cũng cho biết lượng sản xuất của xưởng năm nay tăng khoảng gấp đôi so với năm ngoái.
Hiện tại, giá bán tại xưởng của chị Dính là khoảng 20.000-30.000 đồng/kg, giá khi ship đến tỉnh thành khác khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. “Tháng 12 là thời gian xưởng sản xuất làm việc căng nhất. Vì càng gần Tết thì mặt hàng bánh đá sẽ càng bão hòa, giá thành từ đó cũng bị giảm nhiều”, chị Dính chia sẻ.
Bánh đá được hút chân không, vận chuyển khắp cả nước để đáp ứng nhu cầu thưởng thức của thực khách. Ảnh: A Giàng Hà Giang. |
Hiện bánh đá do chị Lanh sản xuất đang được chuyển tới các chợ phiên vùng cao (Đồng Văn, Mèo Vạc, Hà Giang) và được ship đi các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Nguyên… Trước khi vận chuyển, bánh đá được đóng bao bì, hút chân không để tránh bị hỏng bởi quá trình oxy hóa lên men. Theo chị Lanh, năm nay lượng đơn hàng tại các tỉnh miền núi giảm vì không có nhiều khách du lịch như năm ngoái, nhưng lượng đơn hàng từ các tỉnh thành khác lại tăng vì hot trend bánh đá trên TikTok.
Còn bánh đá của xưởng chị Dính cũng được xuất đến các tỉnh thành miền Bắc như Hà Nội, Bắc Giang, Hưng Yên… nhưng lượng hàng nhiều nhất tập trung ở TPHCM). “Bởi vì một tiktoker sống tại TPHCM đã làm clip review món bánh đá Hà Giang có hơn 20 triệu lượt xem, nhiều nhất trong các clip review món này trên TikTok. Vì vậy nhu cầu mua bánh đá trong miền Nam tăng vọt”, chị Dính giải thích.