Bộ Tài chính và Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình thị trường hàng hoá Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Theo đó, hàng hóa dồi dào, sức mua yếu, giá cả ổn định.
Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Mùng 3 Tết, nguồn hàng dồi dào hơn. Nhiều siêu thị, cửa hàng, quầy hàng tại chợ truyền thống mở hàng kinh doanh trở lại, hoạt động mua bán diễn ra tấp nập. Trong hệ thống siêu thị, nguồn hàng vẫn phong phú, đa dạng, giá bán ổn định so với trước Tết. Tại chợ truyền thống, ngoài mặt hàng hoa quả phục vụ cho việc dâng lễ đầu năm, chủ yếu thực phẩm tươi sống như: thủy hải sản, thịt bò, các loại rau củ.
“Mùng 3 Tết, giá mặt hàng rau củ, hoa tươi tại chợ nhìn chung không tăng nhiều, mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thuỷ sản tương đối ổn định so với ngày mùng 2 Tết. Mặc dù nhu cầu bắt đầu tăng nhưng nguồn cung tương đối phong phú nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến”, Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Chợ truyền thống, giá thịt lợn 120.000-150.000 đồng/kg (tuỳ loại). Giá gà ta làm sẵn 150.000-180.000 đồng/kg; thịt bò thăn 280.000-300.000 đồng/kg. Giá tôm 300.000-400.000 đồng/kg; cá trắm: 90.000-120.000 đồng/kg.
Người dân nhộn nhịp mua thực phẩm tươi sống như rau xanh. Ảnh Trọng Quân. |
Các loại rau củ, hoa quả tương đối ổn định. Giá bắp cải 12.000-15.000 đồng/kg, su hào 5.000-7.000 đồng/củ, cà chua 14.000-20.000 đồng/kg (tùy địa phương), cam canh 50.000-70.000 đồng/kg, bưởi diễn 15.000-25.000 đồng/quả, hoa cúc 5.000-7.000 đồng/cành, hoa hồng loại có cành lộc 10.000-12.000 đồng/cành, hoa ly và hoa thược dược 25.000-35.000 đồng/cành.
“Nguồn cung mặt hàng thực phẩm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả các hàng hóa tại hệ thống siêu thị ổn định. Tại chợ truyền thống, giá các mặt hàng ổn định so với những ngày giáp Tết và tăng nhẹ so với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường”, Vụ Thị trường trong nước cho biết.
Thực phẩm đổ về chợ đầu mối tăng mạnh
Báo cáo tình hình giá cả thị trường Mùng 3 Tết của Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) cũng chỉ ra kết quả tương tự Vụ thị trường trong nước.
Theo Cục Quản lý Giá, ở TPHCM, hầu hết siêu thị đã mở cửa hoạt động trở lại như Co.opmart, Aeon, Lotte Mart, Mega Market... Bên cạnh đó, tiểu thương tại một số chợ cũng bắt đầu bán hàng trở lại để phục vụ nhu cầu của người dân, sức mua tăng do mua sắm chuẩn bị cúng tiễn. Người dân tập trung mua sắm chủ yếu là rau, củ, quả, trái cây, hoa tươi, thực phẩm tươi sống, giá các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm giảm giá và dần trở lại mức giá ngày thường.
Lượng hàng hoá đổ về chợ đầu mối như Hóc Môn, Thủ Đức, Bình Điền tăng mạnh so với Mùng 2 Tết. Mỗi chợ có từ 560 - 830 tấn rau củ, hoa quả, thuỷ hải sản đổ về chợ, tăng khoảng 50 -90 tấn/chợ so với Mùng 2 Tết.
Tại chợ truyền thống ở Hà Nội như chợ Tam Trinh – Hoàng Mai, Chợ Văn Chương, Đống Đa, Chợ Kim Quan - Long Biên, giá mặt hàng ổn định so với mùng 2 Tết. Nhu cầu người dân tập trung ở một số mặt hàng tươi sống như rau xanh, thủy hải sản, thịt…
Tại Cần Thơ, nhiều điểm vui chơi, giải trí, du lịch và hàng quán trên địa bàn hoạt động xuyên suốt, phục vụ nhu cầu vui Xuân của người dân trên địa bàn thành phố và du khách. Trên cơ sở đó, góp phần tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn trong ngày nghỉ Tết.
Tại Lạng Sơn, siêu thị đã mở cửa bán hàng phục vụ nhu cầu của người dân. Cơ bản hàng hóa đa dạng, phong phú nên không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá.
Bộ Tài chính cho biết, giá hàng hoá tiêu dùng thiết yếu trong ngày Mùng 4 Tết không có sự biến động bất thường do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm vẫn chưa nhiều. Ngoài ra, mùng 4 Tết sẽ có nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh tiếp tục mở cửa bán trở lại; một số các siêu thị mở cửa hoạt động trở lại chính thức (như chuỗi Winmart, các cửa hàng tạp hóa…), hoạt động mua sắm sẽ sôi động hơn.