Không lấy được C/O, doanh nghiệp (DN) sẽ không có tiền và tận dụng được cơ hội từ hiệp định.
Cơ quan quản lý mong DN quan tâm hiệp định
Ngày 29/6, tại Hội nghị “Tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA: Cơ hội phát triển cho DN Việt Nam sau cú sốc COVID-19”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết, sự quan tâm của DN đối với EVFTA còn tương đối ít; số lượng câu hỏi gửi về Bộ đối với hiệp định còn hạn chế. “Điều này cũng dễ hiểu vì 50% DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, số còn lại là hoạt động trong những lĩnh vực nội địa như xây dựng, sản xuất… Trong số 50% DN xuất nhập khẩu này, chủ yếu là ngồi ở Việt Nam, chờ khách hàng đến mua mà không cần biết khách hàng là ai”, ông nói.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ, cho rằng, các DN Việt sẽ phải đối mặt một loạt vấn đề như an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, quy định về bảo vệ môi trường, nguồn vốn, lao động… Trong đó, nổi cộm là việc DN thiếu thông tin thị trường Liên minh châu Âu (EU), cũng như chưa được chuẩn bị kiến thức, kỹ năng đầy đủ về xuất khẩu hàng hóa sang EU...
Theo ông Thân, Chính phủ cần đẩy nhanh hơn nữa tiến trình cải cách các thủ tục hành chính, cùng với đó là chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách, đề xuất và trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung, kịp thời thông qua một số đạo luật quan trọng như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Bảo vệ môi trường, Bộ luật Lao động và một số luật về thuế để phù hợp các quy định của EVFTA, để các DN có cơ sở pháp lý. Đồng thời, các bộ, ban ngành cần có kênh thông tin riêng về EVFTA để DN sớm nắm bắt được những quy định.
DN làm 1 thủ tục mất 2,5 tháng
Tại hội nghị, nhiều DN bày tỏ những vướng mắc trong quá trình thực hiện EVFTA, trong đó vấn đề giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) khiến DN lo ngại nhất. Bà Lê Thị Nụ, đại diện Cty Cổ phần Đầu tư Wood Alliance, nói rằng, đối với DN đồ gỗ, thông thường khi xuất khẩu thành phẩm qua các thị trường như Mỹ, Trung Đông, châu Phi và một số nước châu Á, cần phải làm C/O thông qua Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Công Thương. Tuy nhiên, khi xin C/O tại VCCI, có trường hợp phải mất 2,5 tháng mới hoàn thành thủ tục. Trong khi đó, thời gian vận chuyển hàng từ Việt Nam sang Mỹ mất 40-48 ngày nữa nên khiến nhiều lô hàng bị lỗ.
Đại diện Hiệp hội DN dịch vụ logistics tại Việt Nam cho rằng, C/O nên là vấn đề Việt Nam phải đặt lên hàng đầu khi đưa ra các kế hoạch triển khai thực thi hiệp định. Ông Trần Việt Cường, Tổng giám đốc Cty TNHH Sản xuất và phân phối Cacao Đồng Nai, cho rằng, Việt Nam nên áp dụng bằng tem, mã vạch từng khâu một để truy xuất nguồn gốc chuẩn, minh bạch, từ khâu thu mua, sơ chế, bảo quản, tiêu thụ.
Bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết, khó khăn khi cấp C/O thường gặp phải là do DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nội khối, không đáp ứng được quy định về quy tắc xuất xứ.
EVFTA được thực thi trong bối cảnh chuỗi cung ứng đang có sự dịch chuyển do dịch COVID-19, nhiều DN lo lắng, một số DN nước ngoài có thể vào Việt Nam để tận dụng các thuế quan ưu đãi, dẫn tới việc làm giả thương hiệu Việt, như với ngành gạo.