Lo vàng lậu được hợp pháp hóa

Lo vàng lậu được hợp pháp hóa
Công ty SJC vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng nhằm giải bài toán khan vàng miếng trên thị trường hiện nay.

Lo vàng lậu được hợp pháp hóa

> Lo ngại vàng lậu đẩy tỷ giá

Công ty SJC vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng nhằm giải bài toán khan vàng miếng trên thị trường hiện nay.

Sản xuất vàng tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng
Sản xuất vàng tại Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) ở Khu chế xuất Tân Thuận, Q.7, TP.HCM. Ảnh: Thuận Thắng.

Tuy nhiên, các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng giải pháp này sẽ tạo điều kiện cho việc hợp pháp hóa nguồn vàng lậu đang trôi nổi trên thị trường, đồng thời đẩy tỉ giá tăng.

Tận dụng nguyên liệu giá rẻ

Giá vàng trong nước cao hơn thế giới gần 3 triệu đồng/lượng

Ngày 13-9, giá vàng thế giới đã giảm 15 USD/ounce, tương đương 370.000 đồng/lượng, còn 1.730 USD/ounce. Trong khi đó giá vàng trong nước chỉ giảm 170.000 đồng/lượng, còn 46,45 triệu đồng/lượng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng trong nước đang cao hơn gần 3 triệu đồng/lượng.

Lãnh đạo Công ty SJC cho biết kiến nghị này đã được gửi đến NHNN từ đầu tuần nhưng đến nay NHNN chưa có văn bản trả lời. Theo Công ty SJC, nguồn trong nước ngày càng khan hiếm, trong khi vàng nguyên liệu nữ trang thấp tuổi không sử dụng trên thị trường rất nhiều, giá lại rẻ. Nếu được dùng vàng nữ trang để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng sẽ giúp tăng cung cho thị trường, đồng thời giảm cách biệt giữa giá vàng trong nước - thế giới. Thời điểm này cũng thuận lợi do giá vàng tăng cao, người dân mang nữ trang đến bán rất nhiều.

Ngoài ra, Công ty SJC kiến nghị được dùng nguồn vàng mua từ các mỏ vàng khai thác trong nước để làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng. Đây là các mỏ có giấy phép khai thác nên cơ quan quản lý nắm được rõ sản lượng. Lãnh đạo Công ty SJC cho rằng nếu tận dụng nguồn vàng được khai thác trong nước để sản xuất vàng miếng sẽ tăng thêm nguồn cung cho thị trường mà không ảnh hưởng đến tỉ giá.

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, tổng giám đốc Công ty SJC, cho rằng việc sử dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ từ vàng phân kim cũng góp phần tăng nguồn cung vàng trong nước, đồng thời kéo giảm giá vàng vì vàng phân kim đang rẻ hơn vàng SJC vài triệu đồng/lượng. Điều quan trọng là biện pháp quản lý, giám sát của NHNN.

Lo cho tỉ giá

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng nếu NHNN cho phép Công ty SJC mua vàng nữ trang để sản xuất vàng miếng sẽ tạo điều kiện cho việc hợp thức hóa vàng lậu, ảnh hưởng đến tỉ giá. Ông Trần Thanh Hải, tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và kinh doanh vàng VN, cho rằng hiện nguồn vàng bóng ký trôi nổi trên thị trường rất nhiều với giá rẻ hơn vàng miếng SJC 2-3 triệu đồng/lượng.

Thời gian qua do NHNN siết chặt việc dập vàng miếng SJC nên nguồn vàng này không tiêu thụ được. Vì vậy, nếu NHNN cho phép Công ty SJC sản xuất vàng miếng từ vàng phân kim hoặc nữ trang để sản xuất vàng miếng SJC sẽ tạo điều kiện để giới kinh doanh tiêu thụ nguồn vàng lậu thu siêu lợi nhuận, đồng thời kích tỉ giá tăng vọt.

Phó tổng giám đốc một công ty vàng khác cho biết về hình dạng vàng bóng ký có hình khối chữ nhật với trọng lượng 1kg, trên mỗi khối vàng có ký hiệu xêri của nhà sản xuất và đủ bốn số 9. Còn vàng phân kim thì đủ hình thù và trọng lượng khác nhau, đồng thời có lẫn tạp chất. Tuy nhiên giới kinh doanh có thể dễ dàng biến vàng bóng ký thành vàng phân kim hoặc nữ trang để đưa đi tiêu thụ.

Do đó vị này cho rằng nếu cho phép dùng nữ trang làm nguyên liệu sản xuất vàng miếng, NHNN có thể đạt được mục tiêu thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới nhưng mặt khác lại làm tăng lượng vàng vật chất trong xã hội, đồng thời tác động đến tỉ giá. Còn nhiều giải pháp khác để thu hẹp khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới như cho phép mở tài khoản ở nước ngoài để cân đối trạng thái, đồng thời bán vàng trong nước để can thiệp thị trường như NHNN từng làm cuối năm 2011. Như vậy NHNN không tốn ngoại tệ để nhập vàng, do vậy không ảnh hưởng đến tỉ giá.

Một chuyên gia, nguyên là vụ phó vụ quản lý ngoại hối, cho rằng những biện pháp này thực chất chỉ mang tính đối phó chứ không phải là giải pháp lâu dài. Theo ông này, để đưa chênh lệch giữa giá vàng trong nước - thế giới về mức 400.000 đồng/lượng như cam kết của thống đốc NHNN, cần nhiều giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó cần vai trò tham gia trực tiếp của NHNN.

Đề nghị sớm công bố đề án huy động vàng

Bà Nguyễn Ngọc Quế Chi cho rằng thời gian qua vàng “phi SJC” bị phân biệt dẫn đến người nắm giữ vàng phi SJC đồng loạt bán ra làm ảnh hưởng đến thanh khoản vàng của các NH thương mại, vì các NH đã phải chuyển một phần vàng huy động sang vàng phi SJC và lượng vàng này đang tồn kho. Theo quy định, cuối tháng 11-2012 các NH không còn được phép huy động vàng, trong khi hiện nay NHNN chưa cho phương án chuyển đổi vàng phi SJC.

Trong khi đó nhu cầu thị trường chỉ tập trung vào vàng miếng SJC khiến thị trường khan hiếm, người tiêu dùng lại thiệt thòi. Theo bà Chi, NHNN nên sớm thống kê và cho phép chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC để tăng thanh khoản vàng cho các NH, qua đó hạ nhiệt giá vàng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, phó giám đốc NHNN TP.HCM, cho biết nơi này đang kiến nghị NHNN sớm công bố đề án huy động vàng trong dân, vì ngày 25-11 các NH không còn được phép huy động vàng. “Trước đây NHNN cho biết sẽ xây dựng đề án huy động nguồn lực này thông qua việc ủy quyền cho các tổ chức tín dụng, nhưng đến nay chưa ban hành. Nếu chưa thể ban hành đề án chính thức, NHNN cũng nên công bố dự thảo để định hướng thị trường” - ông Minh nói. Về tình hình giá vàng hiện nay, ông Minh cho biết đã báo cáo và kiến nghị lên NHNN nhưng ưu tiên của NHNN là giữ ổn định tỉ giá, do vậy nơi này vẫn đang cân nhắc các biện pháp thích hợp để can thiệp thị trường vàng.

Theo Ánh Hồng
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG