Lỗ vẫn lên chức

Ông Dương Chí Dũng và thương vụ ụ nổi tai tiếng
Ông Dương Chí Dũng và thương vụ ụ nổi tai tiếng
TP - Trong khoảng 10 năm trở lại đây, trước khi làm cục trưởng, ông Dương Chí Dũng làm lãnh đạo hai tổng công ty Nhà nước lớn, nhưng đều để lại thua lỗ nặng nề. Vậy nhưng mỗi khi doanh nghiệp sắp “chìm”, ông lại được thăng quan.

> Ông Dương Chí Dũng vẫn ở Việt Nam?

U nổi do Vinalines mua
U nổi do Vinalines mua.

Nhìn lại quy trình bổ nhiệm

Ngày 6-2-2012, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 142, cho ông Dương Chí Dũng thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV) Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.

Cũng theo quyết định trên, một trong những căn cứ quan trọng để Thủ tướng cho ông Dũng thôi chức, để Bộ trưởng GTVT bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng là tờ trình số 8794, ngày 23-1-2012 của Bộ GTVT và tờ trình số 07, ngày 9-1-2012 của Bộ Nội vụ.

Hai ngày sau quyết định của Thủ tướng, Bộ trưởng GTVT đã có quyết định bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng làm Cục trưởng Hàng hải Việt Nam.

Vậy các cơ quan tham mưu đã làm gì, khiến xảy ra bổ nhiệm nhầm cán bộ có sai phạm, nay bị khởi tố, truy nã đặc biệt? Ngày 22-5, trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng cho biết: “Mọi việc đều công khai theo đúng trình tự bài bản.

Hồi đó chưa có kết luận thanh tra gì ở Vinalines. Ở các cấp đều đưa ra họp hành và xin ý kiến khắp nơi trước khi bổ nhiệm ông Dũng”.

Cùng quan điểm, Thứ trưởng GTVT phụ trách hàng hải (hơn 1 năm nay) Nguyễn Hồng Trường nói: “Quy trình làm đầy đủ. Lúc đó, ông Dương Chí Dũng đương chức Chủ tịch HĐTV Vinalines, chưa có biểu hiện gì bất
bình thường”.

Ông Đỗ Hồng Thái -Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, cho biết do ông Dương Chí Dũng là cán bộ ở bên ngoài, nên quy trình bổ nhiệm do cấp trên
xem xét.

Theo Quyết định số 27, ngày 19-2-2003, của Thủ tướng Chính phủ, ban hành kèm theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, thì trường hợp ông Dương Chí Dũng thuộc diện cán bộ được bổ nhiệm là nguồn cán bộ từ nơi khác về, không phải nguồn tại chỗ (Cục Hàng hải), thì việc làm quy trình bổ nhiệm phải tuân theo nguyên tắc sau:

Tập thể lãnh đạo cơ quan (Bộ GTVT), phải thảo luận thống nhất về chủ trương; làm việc với cấp ủy và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức đang công tác để trao đổi ý kiến về nhu cầu bổ nhiệm, tìm hiểu và xác minh lý lịch của cán bộ, công chức; trao đổi kết quả làm việc với cơ quan, đơn vị nơi cán bộ, công chức công tác.

Cuối cùng phải lấy ý kiến của cấp ủy cơ quan (Đảng ủy ban Cán sự Bộ GTVT) về việc bổ nhiệm cán bộ, thảo luận, nhận xét, đánh giá và biểu quyết.

Ở đây cần phải xem lại quy trình bổ nhiệm ông Dũng của Bộ GTVT, bởi từ ngày 7-9-2011, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã công bố quyết định thanh tra việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý và sử dụng vốn, tài sản tại Vinalines.

Thời điểm bổ nhiệm (ngày 8 - 2 - 2012), Đoàn thanh tra của TTCP đã có báo cáo bước đầu về kết quả thanh tra, để trên cơ sở đó cho Vinalines giải trình.

Càng lỗ lớn, càng lên chức

Ông Dương Chí Dũng
Ông Dương Chí Dũng.

Ngoài ra, nếu xét đến quá trình công tác của ông Dương Chí Dũng, không mấy sáng sủa. Giai đoạn 2003-2005, khi ông Dũng làm Chủ tịch HĐQT và TGĐ Tổng Cty Xây dựng đường thuỷ (thuộc Bộ GTVT) để lại khoản lỗ khổng lồ.

Theo kết quả kiểm toán tài chính năm 2005 của Kiểm toán Nhà nước, lỗ năm 2005 của toàn Tổng Cty Xây dựng đường thủy là 45,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế đến hết năm 2005 là gần 412 tỷ đồng.

Từ kết quả kiểm toán này, Kiểm toán Nhà nước đã đề nghị kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân ở các công ty có sai phạm, yếu kém gây lỗ làm mất vốn Nhà nước để xử lý theo quy định, đồng thời yêu cầu Bộ GTVT kiểm tra, xem xét làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân trong việc quản lý yếu kém nhiều năm của Tổng Cty Xây dựng đường thủy để xử lý.

Tuy nhiên, sau đó, không những không bị xử lý gì, mà tháng 8-2005, ông Dũng còn được điều về làm Tổng giám đốc Vinalines, một tổng công ty 91, quy mô lớn hơn rất nhiều so với doanh nghiệp cũ.

Cũng tương tự như vậy, trước khi rời ghế Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines, làm Cục trưởng Hàng hải, chỉ 6 tháng đầu năm 2011 Vinalines thua lỗ 660 tỷ đồng (trong đó số lỗ của các đơn vị thuộc Vinalines là 507 tỷ đồng, riêng 5 đơn vị chuyển từ Vinashin sang lỗ 153 tỷ đồng).

Chưa kể, trong năm 2011, Vinalines xảy ra hàng loạt sự cố: Chìm tàu, nhiều tàu bị nước ngoài bắt giữ gây thiệt hại lớn...

Cục phó Đỗ Hồng Thái tạm điều hành Cục Hàng hải

Ngày 22-5, lãnh đạo Bộ GTVT đã có buổi làm việc tại Cục Hàng hải Việt Nam. Sau khi lấy ý kiến đề cử, Bộ GTVT đã giao ông Đỗ Hồng Thái - Phó Cục trưởng Cục Hàng hải, tạm điều hành Cục này, thay ông Dương Chí Dũng đang bị truy nã đặc biệt.

Trước đó, Bộ GTVT cũng cử một đoàn công tác tới nhà ông Dương Chí Dũng để nắm tình hình động viên gia đình, nếu gặp ông Dũng thì vận động, đưa ra đầu thú.

Trao đổi với Tiền Phong sau khi được giao điều hành Cục, ông Đỗ Hồng Thái nói: “Được sự chỉ đạo của Bộ GTVT, và những biện pháp dân vận kịp thời của lãnh đạo Cục và các tổ chức đoàn thể, nên hoạt động của cục vẫn diễn ra bình thường”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.