> Doanh nghiệp ì ạch cổ phần hóa, thua lỗ liên miên
> Haprosimex bán cả nhà máy có trả hết nợ?
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, ông Phạm Công Bình (ảnh), Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Phó trưởng Ban thường trực Ban đổi mới sắp xếp doanh nghiệp thành phố Hà Nội cho biết: Theo kế hoạch mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 29-12-2012 thì hầu hết các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tại Hà Nội sẽ cổ phần hoá hết, chỉ còn giữ lại 10 DN 100% vốn nhà nước; 18 DN và 7 bộ phận DN nhà nước giữ trên 50% vốn. Lộ trình cổ phần hoá (CPH) sẽ chia làm 2 đợt, từ nay đến 2015 và từ 2015-2020.
Thành phố đang khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm hai việc: Một là triển khai đề án tái cơ cấu DN, trọng tâm là 5 tổng công ty nhà nước hiện nay của thành phố đồng thời gắn với CPH. Tái cơ cấu có việc sắp xếp lại ngành nghề, thị phần, chiến lược kinh doanh. Từ đó sắp xếp lại bộ máy tổ chức, con người. Ngay trong năm 2013, Hà Nội sẽ CPH từ 15-20 doanh nghiệp...
Thưa ông, đổi mới sắp xếp DNNN tại Hà Nội đang gặp nhiều vướng mắc, nhất là liên quan đến đất đai?
Chủ yếu vướng mắc là do các cơ chế chính sách tồn tại phức tạp về nhà cửa, đất đai. Theo quy định, phải thực hiện sắp xếp nhà đất sau Quyết định 09 của Thủ tướng thì mới đưa ra CPH. Vướng nhiều nhất về đất đai là các doanh nghiệp thương mại, du lịch.
Nhiều trường hợp sử dụng nhà đất chỉ dựa trên một công văn do thành phố giao quản lý, thậm chí có nơi không có cả giấy tờ, nhà đất giao cho một nhóm người theo cơ chế khoán kinh doanh.
Đến nay có trường hợp tự chia nhà đất công sản, biến thành nhà ở...Thứ hai là tồn tại trong xử lý tài chính, công nợ. Mặc dù trong quy định hướng dẫn xử lý về đất đai gần đây có thoáng hơn nhưng xử lý vẫn khó.
Nhà máy dệt kim Haprosimex bán liệu có người mua?. Ảnh: Hà Anh . |
Trước đây khi CPH khách sạn Phú Gia từng gây xôn xao dư luận và nay là câu chuyện tại Hacinco. Ông có bình luận thêm gì về tình trạng này?
CPH khách sạn Phú Gia ở bờ hồ Gươm nhiều người bây giờ vẫn kêu là rẻ. Thực tế đất thì tiếp tục thuê sử dụng đúng mục đích còn chỉ tính tiền nhà và tài sản trên đất thôi.
Nhiều doanh nghiệp có bề dày lịch sử lâu dài nhưng bên cạnh tích luỹ thành tích cũng tích luỹ tồn tại suốt bao nhiêu năm nay. Nay mình thay đổi sở hữu đi thì phải xử lý biết bao câu chuyện, vấn đề.
Ngay như công ty thoát nước mà CPH thì bán cổ phần rất khó vì toàn là thoát nước thải thu làm sao được tiền trong bối cảnh này hoặc như công ty nước sạch có lịch sử, hệ thống truyền dẫn từ thời Pháp thuộc đến nay cũng không dễ tính toán? Về tình trạng tại Hacinco, trong năm 2013 Hà Nội sẽ xử lý dứt điểm việc CPH tại đây.
Thua lỗ tại các DNNN do Hà Nội quản lý ngày càng trầm trọng nhưng dường như nhiều năm qua chưa có giám đốc nào bị thay thế, xử lý, thưa ông?
Hàng loạt DNNN tại Hà Nội nhiều năm thua lỗ. Điển hình như: Công ty TNHH nhà nước MTV Mai Động, Cty Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Hà Tây, Công ty ăn uống dịch vụ du lịch Sóc Sơn, Cty Kỹ thuật Điện Thông, Cty TNHH MTV Thương mại và Đầu tư Hà Nội...Hàng chục công ty nhà nước khác của Hà Nội tỷ suất lợi nhuận trên vốn chỉ đạt tỷ lệ từ 1 đến 2%, thậm chí nhiều doanh nghiệp khác chưa đạt 1% (nguồn: Chi cục Tài chính Doanh nghiệp Hà Nội) |
Quy định nếu 2 năm thua lỗ phải cách chức, thay thế giám đốc DNNN đã có từ năm 2006 nhưng thực tế chưa thực hiện được! Cách đây mấy năm Hà Nội đã có văn bản yêu cầu DNNN để kinh doanh thua lỗ thì phải khấu trừ lương.
Văn bản nêu ra là như thế nhưng thực chất chỉ mới “dọa” thôi còn để xử lý được cần phải sự ra tay của cả hệ thống chính trị. Quá trình cơ cấu lại sẽ phải đi liền với sắp xếp lại tổ chức, bộ máy nhân sự.
Một vấn đề khác đặt ra hiện nay, đó là nhiều trường hợp đầu tư thua lỗ mà không ai phải chịu trách nhiệm. Nhiều trường hợp, lãnh đạo DN có quyền duyệt đầu tư lên tới 50% giá trị tài sản hoặc vốn điều lệ.
Tôi ví dụ DN vốn có khoảng 10.000 tỷ đồng mà giám đốc được ký đầu tư đến 5.000 tỷ đồng thì là quá lớn. Trong khi đó năng lực của lãnh đạo doanh nghiệp thì hạn chế, bộ máy không tham mưu tốt nên khi quyết định thì thua lỗ, đổ vỡ.
Có nhiều trường hợp quyết định đầu tư mang tính duy ý chí. Tiền của nhà nước thì phải quản lý chặt nhưng đôi khi có chính sách đang từ quá chặt chẽ lại chuyển sang quá dễ dãi.
Tái cấu trúc DNNN quyết định thành công vẫn là xử lý về con người và sử dụng khai thác nguồn lực. Để kiểm tra, kiểm soát phải có quy định rạch ròi về chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm, thẩm quyền của từng vị trí.
Cảm ơn ông!
Minh Tuấn
thực hiện