> Chiêu mới nâng giá thuốc
> Lo thuốc ‘bèo’ vào bệnh viện!
Thuốc rẻ…lên sàn
Bộ Y tế đã tìm cách ngăn chặn tình trạng loạn đấu thầu thuốc, mỗi nơi mỗi giá vốn tồn tại từ nhiều năm qua bằng việc cho ra đời Thông tư 01 có hiệu lực từ giữa năm 2012.
Theo quy chế đấu thầu mới, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định và có giá thấp nhất. Trong quá trình chấm thầu, những mặt hàng đạt 70 điểm trở lên sẽ được vào vòng trong đấu giá, thuốc nào có giá thấp nhất sẽ trúng thầu.
Các công ty dược vốn lâu nay chỉ đi “lòng vòng” bởi thuốc không đạt tiêu chuẩn vào thầu nay như được “mở cờ trong bụng”. Nhiều thuốc của Trung Quốc giá rẻ bắt đầu trúng thầu ở nhiều nơi.
Theo quy định đấu thầu mới, các loại thuốc nằm trong khoảng từ 70 điểm đến mức tối đa 100 điểm đều nằm trong diện được chấm thầu như nhau. Điều này khiến các bác sĩ lo ngại là thang điểm đấu thầu mới không phân biệt thuốc đạt chất lượng hay không. |
Trong 9 tỉnh thành có thuốc ngoại trúng thầu vào bệnh viện, Trung Quốc đang nằm ở “top 5”. Nhiều loại thuốc có cùng hoạt chất và hàm lượng như các thuốc trên của các công ty trong nước và nước ngoài đều… đứng xa nhìn vì giá cao.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, loại kháng sinh tiêm Ceftriaxone 1g của Trung Quốc trúng thầu mới đây chỉ có giá chưa tới 9 nghìn đồng/lọ. Trong khi đó, “Nguyên liệu sản xuất ra lọ kháng sinh này có nguồn gốc từ châu Âu có giá khoảng 8 nghìn đồng, cộng với chi phí bao bì, lọ thủy tinh, đóng gói, điện nước và khấu hao sản xuất khoảng 6 nghìn nữa. Như vậy để lọ thuốc này ra đời ít nhất chi phí cho nó đã 14 nghìn”- Giám đốc một công ty dược trong nước nói.
Đó cũng là lý do mà các hãng được đầu tư bài bản từ nguyên liệu và làm tương đương sinh học phải chịu lép vế trước các thuốc giá rẻ đến từ Ấn Độ, Trung Quốc và Pakistan hay Malaysia.
Quy định đấu thầu mới khiến các bác sĩ lo ngại là thang điểm đấu thầu không phân biệt thuốc đạt chất lượng hay không. Trao đổi với Tiền Phong hôm qua 8/7, TS Huỳnh Hiền Trung - Phó Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TPHCM cho biết, các công ty dược có đầu tư công nghệ, kỹ thuật cao sẽ thua thiệt khi giá thuốc cao hơn những công ty có kỹ thuật sản xuất đơn giản.
“Bất kỳ công ty nào có thuốc được cấp phép vào Việt Nam đều đạt trên 70 điểm. Vì vậy, họ có quyền tham gia đấu thầu. Nhưng khi xét về giá thì chắc chắn các loại thuốc rẻ như Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ được chọn”- dược sĩ Trung nói và khẳng định: “Nếu Bộ Y tế không có tiêu chuẩn kỹ thuật để xem xét thuốc giữa châu Âu hoặc châu Á thì dễ cào bằng giữa thuốc giá rẻ như Ấn Độ và Trung Quốc với thuốc của Mỹ, Bỉ, Italia hay Pháp”.
Người bệnh sẽ thiệt
Nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực dược, ông Phạm Đức, giám đốc một công ty dược ở quận 10 nói giá nguyên liệu sẽ quyết định chất lượng của viên thuốc. Theo tính toán của ông Đức, hầu hết nguyên liệu của Trung Quốc và Ấn Độ đều có giá rất rẻ so với châu Âu.
Một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh xin giấu tên cho biết, có loại thuốc động kinh của Ấn Độ giá chỉ 5 nghìn đồng/viên trong khi thuốc của Anh sản xuất giá gần 20 nghìn đồng/viên. “Nhiều năm theo dõi điều trị chúng tôi đã không dùng thuốc loại này của Ấn Độ bởi bệnh nhân không đỡ bệnh lại phải điều trị dài ngày”- bác sĩ này nói. |
“Ví dụ như để sản xuất ra kháng sinh, các công ty phải nhập nguyên liệu Cefoperazon về từ Thụy Sỹ với giá hơn 360 USD/kg. Nhưng nguyên liệu này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập về Việt Nam chỉ 200USD/kg”- ông nói.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, loại nguyên liệu Ceftazidim mua từ Pháp có giá dao động từ 500- 550USD/kg nhưng nhập từ Trung Quốc giá 150 USD/kg hay Cefixim nhập từ Ý giá 360 USD/kg trong khi nguyên liệu này từ Ấn Độ giá chỉ 170 USD/kg. “Đánh đồng các thuốc để rồi chọn thuốc giá rẻ thì chắc chắn thuốc của Trung Quốc sẽ còn trúng thầu nhiều”- ông Đức cảnh báo.
Theo TS Huỳnh Hiền Trung, thuốc không chất lượng lọt vào danh mục, khi điều trị không hết bệnh thì người bệnh mất tiền và tốn thời gian. “Theo tôi, Bộ Y tế nên điều chỉnh thang điểm lại cho phù hợp và tách biệt giữa hàng chất lượng cao và chất lượng thấp”- TS Trung kiến nghị.
Một bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh xin giấu tên cho biết, có loại thuốc động kinh của Ấn Độ giá chỉ 5 nghìn đồng/viên trong khi thuốc của Anh sản xuất giá gần 20 nghìn đồng/viên. “Nhiều năm theo dõi điều trị chúng tôi đã không dùng thuốc loại này của Ấn Độ bởi bệnh nhân không đỡ bệnh, điều trị dài ngày”- bác sĩ này nói.
Nhiều bác sĩ cũng cho biết trong điều trị, thuốc rất quan trọng, quyết định đến 70% chất lượng điều trị. Do đó khi đặt nặng về giá thì thiệt thòi trước hết thuộc về bệnh nhân do họ không có cơ hội được điều trị bằng thuốc tốt. Không chỉ người bệnh chịu thiệt. Theo các chuyên gia, các công ty sản xuất thuốc trong nước, đầu tư sản xuất nhượng quyền, mua nguyên liệu châu Âu sẽ khó cạnh tranh lại với thuốc nước ngoài giá rẻ.