Vượt rừng vào nội địa
Như Tiền Phong đã đưa tin, xuất phát từ việc Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) kiểm tra, phát hiện 17 người nước ngoài lưu trú trái phép trên địa bàn, Cơ quan an ninh điều tra (Công an thành phố Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 đối tượng về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép”. Trong đó, có 2 nữ sinh viên là Trần Thị Phương Thảo và Đinh Thị Huệ (cùng sinh năm 1999, trú tại Thanh Sơn, Phú Thọ); đối tượng còn lại là Ou Guo Pei (quốc tịch Trung Quốc).
Công an xác định, Trần Thị Phương Thảo và bạn trai người Trung Quốc đã bắt tay với một số đối tượng khác thiết lập đường dây đưa người Trung Quốc vào cư trú trái phép tại Việt Nam. Theo thỏa thuận, Thảo sẽ “gom” các căn hộ để cho những người Trung Quốc nhập cảnh trái phép thuê lại.
Ngày 14/4, Thảo đón đoàn khách đầu tiên gồm 6 người vào ở sau đó bị phát hiện, trong đó có đối tượng tên Vương (đang bỏ trốn). Mở rộng điều tra, Công an thành phố Hà Nội phát hiện thêm 12 người Trung Quốc tại 2 căn hộ do Đinh Thị Huệ thuê.
Vĩnh Phúc: Bắt giam kẻ đưa trái phép người Trung Quốc vào Việt Nam
Chiều 4/5, Giám đốc Công an tỉnh Vĩnh Phúc - Ðinh Ngọc Khoa cho biết, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã khởi tố, bắt giam đối tượng Nguyễn Thị Hồng Hạnh (36 tuổi, ở TP Vĩnh Yên) để điều tra về tội “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”.
Nguyễn Thị Hồng Hạnh là người liên quan trực tiếp đến nhóm 52 người quốc tịch Trung Quốc bị bắt quả tang nhập cảnh và cư trú trái phép trên địa bàn TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc trong ngày 3 và 4/5.
Cụ thể, đêm 3/5, 39 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép bị phát hiện khi cư trú tại các phường Khai Quang và Liên Bảo thuộc TP Vĩnh Yên. Ðến sáng 4/5, cơ quan chức năng tiếp tục bắt giữ thêm 13 người khác tại phường Liên Bảo. Minh Đức
Theo một cán bộ Công an quận Thanh Xuân, lời khai ban đầu của các bị can cho thấy, những người dự kiến sẽ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam sẽ được tập trung ở thành phố Nam Ninh (Trung Quốc) rồi được các đối tượng trong đường dây đưa lên khu vực biên giới Việt- Trung. Tại đây, các đối tượng chia thành nhóm nhỏ 5-6 người vượt biên trái phép bằng đường rừng vào Việt Nam. Khi vào Việt Nam, họ được đưa đón bằng ô tô tới các điểm lưu trú mà Thảo, Huệ đã thuê sẵn.
Tại mỗi căn hộ, nhóm của Thảo, Huệ chỉ bố trí cho 5-6 người ở để tránh bị phát hiện. Quá trình sinh sống, toàn bộ đồ ăn, thực phẩm thiết yếu của những người nhập cảnh trái phép do các đối tượng là người Việt Nam cung cấp. Những người nhập cảnh trái phép này liên tục thay đổi địa điểm lưu trú. Khoảng thời gian mà họ ở tại mỗi căn hộ chỉ trong vòng 1-2 tuần, sau đó họ lại chuyển địa điểm nên cơ quan chức năng Việt Nam rất khó phát hiện.
“Đường dây này hoạt động rất chặt chẽ từ khâu tổ chức, gom người, vận chuyển đến dẫn đường,… tiếp nhận lưu trú và là những mắt xích khép kín. Do đó, mỗi người nhập cảnh trái phép mất chi phí hàng chục triệu đồng”, một cán bộ Công an quận Thanh Xuân cho biết.
Rà soát người nước ngoài cư trú trái phép
Ngày 4/5, trao đổi với phóng viên Tiền Phong xung quanh các vụ phát hiện người nước ngoài cư trú trái phép trên địa bàn Thủ đô, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, trước đó, Công an thành phố đã có kế hoạch thực hiện cao điểm rà soát đối với người nước ngoài lưu trú trên địa bàn thành phố, đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.
Cùng với yêu cầu nhiệm vụ, Công an thành phố Hà Nội cũng đã ban hành quy chế chịu trách nhiệm đối với lực lượng cảnh sát khu vực, nếu để “lọt” người nước ngoài nhập cảnh trái phép lưu trú, sẽ quy trách nhiệm cụ thể để xử lý.
“Quy định cũng nêu rõ cán bộ phải chịu trách nhiệm như thế nào, trong trường hợp nào phải chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm đến đâu,… đồng thời căn cứ vào tình tiết, lỗi vi phạm để đánh giá xử lý”, Trung tướng Nguyễn Hải Trung nói.
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 có những diễn biến phức tạp, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Bộ Công an yêu cầu công an các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có: Không để xảy ra vi phạm như trốn cách ly, lơ là, mất cảnh giác để dịch lan ra cộng đồng; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm; Đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác người vi phạm các quy định về phòng chống dịch tại địa bàn cơ sở, những đối tượng nhập cảnh trái phép.
“Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú, quản lý địa bàn, nắm hộ quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, quản lý người nước ngoài để chủ động phối hợp các đơn vị chức năng truy vết, sàng lọc, khoanh vùng, dập dịch”, Thượng tướng Nguyễn Văn Sơn yêu cầu.