Lo rối loạn thị trường khi nới lỏng điều kiện xuất nhập khẩu khí

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Dự thảo Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí không ràng buộc về nghĩa vụ nhập khẩu và dự trữ lưu thông LPG đối với thương nhân kinh doanh LPG, sẽ rất dễ gây ra tình trạng thừa thiếu hàng cục bộ.

Điều kiện nới lỏng

Chiều 22/9, tại TPHCM, Hiệp hội Gas Việt Nam tổ chức hội thảo “Góp ý đổi mới Nghị định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khí”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Anh Khoa - Phụ trách ban Nguồn vốn và Phát triển thị trường, Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas - mã chứng khoán: GAS) - cho biết, lĩnh vực kinh doanh khí tại Việt Nam đang được quản lý theo Nghị định số 87/NĐ-CP ngày 15/6/2018. Tuy nhiên, sau gần 5 năm thực hiện, việc sửa đổi Nghị định 87 là cần thiết để cập nhật về những thay đổi của thị trường, điều chỉnh những vấn đề bất cập, quy định gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh khí.

Với dự thảo thay thế Nghị định số 87/NĐ-CP thì rất nhiều thương nhân kinh doanh LPG đáp ứng đủ điều kiện để trở thành thương nhân xuất nhập khẩu LPG, do không cần phải sở hữu cơ sở vật chất như cầu cảng, kho, hệ thống phân phối, trạm chiết nạp, chai LPG và việc thuê kho LPG đi kèm cầu cảng hiện nay khá dễ dàng. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn hàng trên thị trường, cạnh tranh không lành mạnh.

Lo rối loạn thị trường khi nới lỏng điều kiện xuất nhập khẩu khí ảnh 1

Nếu có quá nhiều thương nhân tham gia vào quá trình phân phối nguồn nên sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng tăng, giảm giá bán bất thường gây rối loạn thị trường.

Ngoài ra, việc có quá nhiều thương nhân tham gia vào khâu nhập khẩu và phân phối nguồn LPG cho thị trường sẽ dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối nguồn hàng. Bởi khi thị trường giá LPG biến động theo chiều hướng giá giảm, thương nhân đầu mối sẽ không nhập khẩu gây thiếu hàng. Ngược lại, khi giá LPG có xu hướng giá tăng, thương nhân đầu mối xuất nhập khẩu LNG sẽ tăng cường nhập hàng để đầu cơ hàng, gây nên tình trạng thừa.

Trên thực, nhu cầu LPG của Việt Nam phụ thuộc khoảng 65% nguồn LPG nhập khẩu. Trong khi không ràng buộc về nghĩa vụ nhập khẩu và dự trữ lưu thông LPG đối với thương nhân kinh doanh LPG, sẽ rất dễ gây ra tình trạng thừa thiếu hàng cục bộ, sẽ có thời điểm thiếu hàng trầm trọng khi nguồn cung LPG thế giới khan hiếm do các thương nhân xuất nhập khẩu quy mô nhỏ không có hợp đồng nhập khẩu LPG dài hạn.

Ông Khoa cũng cho rằng, do có quá nhiều thương nhân tham gia vào quá trình phân phối nguồn nên sẽ thường xuyên xảy ra tình trạng tăng, giảm giá bán bất thường gây rối loạn thị trường. Trong khi đó, đặc thù của thị trường LPG là giá bán được điều chỉnh hàng tháng và Nhà nước không can thiệp vào giá bán của thương nhân.

Do vậy, khi giá LPG thế giới có xu hướng giảm mạnh thì sẽ xảy ra tình trạng bán tháo hàng cắt lỗ và ngược lại. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến các thương nhân có đầu tư cơ sở vật chất (kho cảng, trạm), sở hữu thương hiệu chai LPG và có hệ thống phân phối do giá mua, bán trên thị trường liên tục tăng giảm một cách bất hợp lý.

Ông Khoa kiến nghị, thương nhân xuất nhập khẩu khí phải sở hữu cơ sở vật chất như kho, bồn chứa và Bộ Công Thương phải có quy định về công suất tối thiểu đối với bồn chứa LPG và LNG. Đối với thương nhân xuất nhập khẩu LPG ngoài việc phải sở hữu bồn chứa, phải tham gia trực tiếp vào khâu kinh doanh LPG chai (sở hữu chai LPG và thương hiệu riêng) và có hệ thống phân phối.

Bỏ ghi serial vỏ bình tại cửa hàng

Là người phụ trách thị trường 31 tỉnh, thành từ Quảng Nam đến Cà Mau, bà Nguyễn Thị Nguyệt Dung - Giám đốc PV Gas LPG Miền Nam - góp ý, việc cung cấp danh sách hệ thống kênh phân phối thay vì phải nộp vào cuối năm thì nên dời vào tháng 1 của năm sau để tránh việc bị xử phạt do không cung cấp đúng hạn cho Bộ Công Thương và Sở Công Thương các tỉnh, thành.

Bà Dung cũng kiến nghị, công ty và thương nhân đã quản lý cũng như kiểm định thì nên bỏ việc ghi serial vỏ bình tại cửa hàng, đại lý để không mất thời gian, nhân lực, thiết bị quản lý ghi chép nữa. Ngoài ra, tại cửa hàng còn tồn 1 vỏ tạp hay nhiều vỏ tạp mà chưa kịp trả thì thương nhân cũng bị xử phạt hoặc thu hồi giấy phép. Do đó, nên quy định căn cứ vào số lượng vỏ tạp tương ứng với mức phạt.

Lo rối loạn thị trường khi nới lỏng điều kiện xuất nhập khẩu khí ảnh 2

Hàng ngàn vỏ bình gas bị đơn vị ký gửi bỏ tại một kho ở TP.Thủ Đức, TPHCM nhiều năm qua.

Trong khi đó, ông Hoso Koji Yu - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sopect Gas One - nhấn mạnh, hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về các điều khoản cần có trong hợp đồng cung cấp gas cho khách hàng. Điều này dẫn đến rất nhiều người tiêu dùng không nhận thức được trách nhiệm về đảm bảo an toàn của mình khi sử dụng gas.

“Tôi nghĩ việc ký kết hợp đồng giữa nhà cung cấp gas và người tiêu dùng là cần thiết, cần có quy định cụ thể về nội dung trong hợp đồng cung cấp gas, để phân định rõ được trách nhiệm của người cung cấp gas và người tiêu dùng, nâng cao ý thức sử dụng gas an toàn cho người tiêu dùng”, ông Hoso Koji Yu nói.

Góp ý thêm về dự thảo thay thế Nghị định số 87/NĐ-CP, ông ông Hoso Koji Yu cho rằng, những quy định ở Mục 5, Điều 23 và các điều khoản khác liên quan trực tiếp đến cửa hàng bán lẻ gas đang được nêu trong bản dự thảo là không cần thiết. Ông Hoso Koji Yu đề xuất chuyển những quy định này thành những quy định hợp lý cho thương nhân bán chai gas trực tiếp, người giao gas và người tiêu dùng trực tiếp.

MỚI - NÓNG