Sáng 14/11, thảo luận về Dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) bày bỏ sự lo ngại trước tình trạng để lộ lọt đất an ninh quốc phòng. Theo ông Tạo, quy hoạch đất quốc phòng là bí mật, nhưng thời gian qua lại để lộ, lọt thông tin rất nhiều. Có nhiều khu vực, đất quốc phòng được công khai "nói hết ra cho dư luận biết".
“Chúng ta công bố đất quốc phòng là bao nhiêu, sử dụng bao nhiêu, nói thẳng hết ra là lọt, lộ bí mật. Từ vụ việc ở Đồng Tâm và Tân Sơn Nhất, chúng ta cần suy nghĩ, cân nhắc về vấn đề này. Đất quốc phòng là để bảo vệ an ninh quốc gia, chủ quyền, sao lại để lộ, lọt thông tin để dư luận phản ánh một cách công khai, rộng rãi”, ông Tạo thắc mắc.
Đề cập đến vấn đề quân đội làm kinh tế, ĐB Trịnh Xuân Hùng (Hà Nam) cho rằng đây là những vấn đề rất quan trọng, nhất là vừa qua cũng có quan điểm rằng quân đội không nên làm kinh tế. “Trong thời gian qua, mặc dù có nơi, có chỗ, có lúc quân đội tham gia làm kinh tế chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, nhưng những cái đó chỉ là rất nhỏ. Đây cũng là sai sót của quản lý Nhà nước chưa thanh tra, kiểm tra đến nơi, đến chốn”, ông Hùng nói.
Thể hiện quan điểm cá nhân về nội dung này, ông Hùng khẳng định “vẫn phải quy trì quân đội làm kinh tế”. Tuy nhiên, đã giao làm kinh tế với quốc phòng, văn hóa thì quân đội phải chọn cán bộ có đủ điều kiện, đào tạo đến nơi, đến chốn để việc làm kinh tế quốc phòng thực sự hiệu quả, phát triển tốt hơn.
ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam) phản ánh thực tế là ở vùng sâu, vùng xa, vai trò của kinh tế kết hợp với quốc phòng rất quan trọng. “Nhiều nơi phên dậu của đất nước, tổ chức chính trị mà không chặt chẽ, không xóa đói giảm nghèo được thì rất khó”, ông Tiến nói.
Đánh gia cao hoạt động kinh tế kết hợp với quốc phòng nhưng ĐB Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) cũng phản ánh thực tế là trong quân đội cũng có doanh nghiệp thua lỗ, phá sản. Do đó, quân đội nên làm kinh tế ở những vùng trọng điểm, trọng tâm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.