Lo ngại Sông Tranh 2

Lo ngại Sông Tranh 2
TP - Rất nhiều điều để giật mình về thủy điện ở Việt Nam nói chung và thủy điện Sông Tranh 2 nói riêng. Động đất tại Bắc Trà My sẽ tiếp tục diễn ra. Những cuộc tranh cãi suông và đổ lỗi cho nhau cũng vậy.

> Nỗi lo động đất Quảng Nam

Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam thị sát hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành
Lãnh đạo Tỉnh ủy Quảng Nam thị sát hầm thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: Nguyễn Thành.

Động đất nhỏ, dữ liệu quý

Theo Quy chế Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, ban hành kèm Quyết định Số 264/2006/QĐ-TTg, Viện VLĐC chỉ có chức năng thông báo “các trận động đất có cường độ bằng hoặc lớn hơn 3,5 độ richter xảy ra trên đất liền và vùng Biển Đông gần bờ”.

Chỉ khi có chuỗi số liệu quan trắc động đất trực tiếp, mới có thể khẳng định các suy đoán nguyên nhân động đất nào đúng hay sai và tổ chức kế hoạch phòng chống thảm họa sát với thực tế. Chỉ khi đó mới có cơ sở giải thích cho dân các nguyên nhân động đất. Việc trước mắt là khẩn trương lên kế hoạch ứng phó với thảm họa.

Trong số 25 trạm quốc gia, chỉ có trạm ở tỉnh Bình Định ghi nhận được các trận động đất dưới 3,5 độ richter ở khu vực thủy điện Sông Tranh 2 mà thôi. Với các trận dưới 2 độ richter tại vùng Sông Tranh 2, trạm ở Bình Định gần như mù.

Một trạm đặt ở Huế không thuộc mạng 25 trạm quốc gia cũng có thể ghi nhận được các trận động đất dưới 3,5 độ richter ở vùng Sông Tranh 2.

Thực tiễn là như thế. Vậy mà những lúc có biến, Viện VLĐC vẫn thông báo các con số rất cụ thể về số lượng các trận động đất dưới 3,5 độ richter tại vùng thủy điện Sông Tranh 2.

Họ lấy đâu ra các số liệu ấy? Dựa vào các máy đo gia tốc nền của Ban Quản lý Dự án Thủy điện 3 đặt tại đập thủy điện Sông Tranh 2 chăng?

“Tôi khẳng định các máy đo gia tốc nền đó không thể đo được độ lớn tại chấn tiêu các trận động đất nhỏ do chúng có độ khuếch đại rất nhỏ”, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nhận định.

Ghi nhận các trận động đất nhỏ cho phép bám sát diễn biến của các cấu trúc địa tầng từ đó đi đến nhận định gần thực tiễn nhất khả năng thức giấc của các đứt gãy địa chất hoặc khả năng xuất hiện động đất kích thích lớn.

Các trận động đất nhỏ còn đem đến các thông tin quý giá về cấu trúc và trạng thái các tầng địa chất gần mặt đất.

Theo TS Vũ Bằng, Giám đốc Cty Cổ phần Nghiên cứu Môi trường Tia đất Bảo vệ Sức khỏe, một bộ số liệu quan trắc liên tục các trận động đất nhỏ là cơ sở để theo dõi và đánh giá nguy cơ trượt, sạt lở núi, đồi trên bề mặt đất khu vực được quan trắc.

Với ý nghĩa ấy, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nhiều năm liền kiên trì đề xuất các dự án lập trạm quan trắc động đất thường xuyên tại các vùng trọng điểm nhưng đều không thành.

Năm 2010, ông từng kiến nghị một đề án trị giá 10 tỷ đồng quan sát nghiên cứu dự báo động đất cho Thủ đô Hà Nội và các công trình trọng điểm như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sơn La, và nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Nhưng không ai để ý.

Gửi lên Vụ Quản lý Khoa học Tự nhiên & Khoa học Xã hội Nhân văn, Bộ Khoa học&Công nghệ, ông không thấy phản hồi. Viện VLĐC, đơn vị duy nhất có tư cách pháp nhân nghiên cứu động đất trên lãnh thổ VN và cũng là nơi ông từng phụ trách, cũng không mặn mà.

Tại Viện VLĐC, các đồng nghiệp hậu sinh của ông bác đề án với lý do nó đã được một nhà khoa học VN ở hải ngoại làm rồi.

Nhà khoa học hải ngoại ấy là TS Phạm Văn Ngọc, Viện Vật lý Địa cầu Paris, Pháp. Ông nghiên cứu tìm các dấu hiệu dự báo động đất, chẳng hạn tìm dấu hiệu thay đổi điện trở của đất. Hướng này, thế giới làm từ lâu, nhất là ở Mỹ, Nga, Nhật Bản.

Nhưng đề án của GS.TS Nguyễn Đình Xuyên đi theo hướng khác. “Tôi không đi tìm các dấu hiệu dự báo động đất, không tìm cách đo điện trở đất như nghiên cứu của TS Phạm Văn Ngọc.

Tạm thời, tôi thống kê được cả thảy 11 dấu hiệu tiền động đất để nghiên cứu dự báo động đất ở một số vùng trọng điểm”, GS.TS Nguyễn Đình Xuyên nói.

Trục trặc từ tổng hành dinh

Viện Vật lý Địa cầu (VLĐC), tổng hành dinh của hệ thống nghiên cứu động đất VN, quản 25 trạm quốc gia. Nhưng mạng lưới ấy bị đánh giá là chắp vá, số liệu thu nhận được xử lý phập phù. Kể cả được ưu tiên đường truyền, nhiều khi cũng bó tay nếu địa phương mất điện. Thiếu kinh phí nên chỉ đại bản doanh ở Hà Nội có một máy phát điện dự phòng.

Tại Trung tâm Báo tin Động đất&Cảnh báo Sóng thần, sau năm năm thành lập, đơn vị này chỉ có ba cán bộ biên chế, trong khi phải đảm trách nhiệm vụ nặng nề do Chính phủ giao cho.

Thiếu cán bộ, hiện tại Trung tâm phải mượn cán bộ không có chuyên môn địa chấn đi trực động đất – sóng thần, khiến không ít lần dẫn đến sai sót.

Một trong những điển hình là việc thông báo sai nghiêm trọng thông số trận động đất ngày 25-8-2011 trên Biển Đông.

Trận động đất này được thông báo gần như sai tất cả các thông số cơ bản như tọa độ xảy ra động đất, cấp động đất, và độ sâu chấn tiêu của động đất.

Chẳng hạn, độ sâu chấn tiêu - vị trí nguồn trong lớp vỏ Trái Đất phát sinh ra trận động đất, được thông báo lên tới 250 km.

Theo GS.TSKH Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất, Viện Khoa học&Công nghệ VN, các trận động đất dù là mạnh nhất cũng chỉ xảy ra dọc theo ranh giới của các mảng kiến tạo của lớp vỏ ngoài của Trái Đất dầy khoảng 80 km rắn và chắc. Lớp này được gọi là thạch quyển.

Hầu như chưa có trận động đất nào trên thế giới được thông báo có độ sâu chấn tiêu đạt đến 100 km. Vậy mà ở VN, độ sâu chấn tiêu 250 km đã được phát đi toàn thế giới cho đến khi một nhà khoa học không thuộc Viện VLĐC phát hiện.

Lo ngại Sông Tranh 2

Một đơn vị nghiên cứu hàng đầu thiếu thốn nhiều thứ như thế liệu có đảm bảo hoàn thành tốt chức trách ở thủy điện Sông Tranh 2 không?

Do không có máy quan trắc động đất đặt tại chỗ, Viện VLĐC thường xuyên lấy số liệu ghi được bởi các máy gia tốc mà chủ đầu tư đặt ở thân đập để về đánh giá tình hình động đất và các rung chấn mặt đập.

Xử lý bộ số liệu ghi bởi máy gia tốc từ ngày 24-12-2011 đến 15-4-2012, các chuyên gia Viện VLĐC đã cho ra kết quả 37 lần rung chấn khác nhau.

Trong số đó, có ba lần rung chấn mặt đập đạt cường độ cấp VII, chỉ thấp hơn một cấp so với giới hạn tối đa mà đập chịu đựng được.

Thủy điện Sông Tranh 2
Thủy điện Sông Tranh 2.

Ba lần rung chấn khủng ấy trùng với thời gian ba trận động đất duy nhất mà mạng trạm động đất của Viện VLĐC ghi nhận được trong khoảng thời gian nói trên. Điều đáng nói là cả ba trận động đất này đều rất bình thường, chỉ mạnh 2,8; 2,9; và 3,1 độ richter.

Trong khi đó, với hai trận động đất mạnh 4,2 độ richter ngày 3-9 và 7-9 vừa qua, cán bộ Viện VLĐC cũng mang dữ liệu ghi được bởi máy gia tốc về xử lý. Kết quả, rung động mặt đập do hai trận này gây ra lại ở cấp VI, thấp hơn một cấp so với ba trận động đất nhỏ ở trên.

Tại sao lại có chênh lệch cường độ ngược chiều rung động mặt đập gây bởi hai nhóm trận động đất chênh nhau tới một thang độ richter như vậy? Xin lưu ý, độ sâu chấn tiêu – tức khoảng cách từ mặt đất đến vị trí nguồn phát sinh động đất, của hai trận động đất lớn nhất ngày 3-9 và 7-9 lần lượt là 7,5 km và 10 km.

“Như vậy, chấn tiêu hai trận động đất nằm rất gần mặt đất, có thể gây rung chấn lớn”, TS Địa chất Vũ Bằng nói. Có hay không sai sót trong xử lý số liệu tại Viện VLĐC?

Hàng loạt câu hỏi quan trọng khác lẽ ra cần được trả lời tại cuộc họp tất cả các bên liên quan hôm 12-9 ở tỉnh Quảng Nam.

Chẳng hạn, chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có đặt hàng Viện VLĐC nghiên cứu xác định giới hạn động đất cực đại ở thủy điện Sông Tranh 2 để thiết kế khả thi và thiết kế kỹ thuật công trình không? Viện VLĐC có được mời nghiên cứu vi phân vùng động đất trong vùng xây dựng để đánh giá các thông số, xác định cấp động đất phông, xác định gia tốc dao động nền không? Trước khi thiết kế cụ thể, có xác định xem công trình đặt trên nền đá gốc nào, nền đá granite hay đá magma, không?

Lãnh thổ VN được chia thành ba miền kiến tạo gồm miền kiến tạo Việt Bắc, Tây Bắc, và Lào-Thái. Với miền kiến tạo Lào Thái, vùng nằm trên lãnh thổ VN gọi là miền uốn nếp Lào-Việt. Vùng còn lại, bên ngoài lãnh thổ VN gọi là miền uốn nếp Thailand-Malay, cắt qua Nam Bộ nước ta.

Các miền kiến tạo này được phân cách nhau bởi các đứt gãy bậc 1, tức là các đứt gãy có tiềm năng động đất lớn nhất. Chẳng hạn các đứt gãy bậc 1 Sông Hồng, Sông Chảy phân chia các miền kiến tạo Việt Bắc với Tây Bắc; đứt gãy Lai Châu-Điện Biên phân chia hai miền kiến tạo Tây Bắc và Lào Thái.

Trong quá trình vận động, các miền kiến tạo được chia thành các khối nhỏ hơn gọi là các địa khối bậc 2. Các địa khối này được ngăn cách bởi các đứt gãy bậc 2, tức có tiềm năng gây động đất cao thứ hai.

Cả nước có cả thảy 30 đứt gãy bậc 2 và chúng đều có khả năng sinh chấn hoặc phát sinh động đất. Độ lớn cực đại của các trận động đất tại các đứt gãy bậc 2 này được xác định là 5,0-5,5 độ richter. Thủy điện Sông Tranh nằm gần ba đứt gãy đều thuộc nhóm đứt gãy bậc 2.

Ở nhiều nước, để xây dựng các nhà máy thủy điện, ngay từ khi lập dự án, chủ đầu tư phải bố trí kinh phí đưa hệ thống quan trắc động đất vào như một thành phần của nhà máy thủy điện. Hệ thống đó phải được xây dựng trước khi xây dựng đập và hoạt động suốt quá trình vận hành nhà máy.

Các nhà khoa học từng kiến nghị điều này khi xây dựng thủy điện Hòa Bình nhưng không ai làm. Với thủy điện Sơn La lớn nhất nước, cũng không ai làm dù có kiến nghị.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Phương, khoảng hai năm lại đây, có các đới đứt gãy ở Thanh Hóa và Nghệ An hoạt động khá mạnh. Gần đây nhất, chính là các đới đứt gãy ở thủy điện Sông Tranh 2.

Chả nhẽ vẫn không chịu cho lắp đặt các trạm quan trắc khi nhiều thứ ở đây còn rất mù mờ và khi cả dân và chính quyền ngày đêm lòng như lửa đốt?

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.