Lo ngại lạm quyền khi quyền lực tập trung vào Trưởng đặc khu

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định
TPO - Uỷ ban thẩm tra dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (HCKTĐB) lo ngại, việc tập trung nhiều quyền lực cho chức danh Trưởng Đơn vị Hành chính kinh tế đặc biệt nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ, sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ. 

Vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng

Sáng 11/9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đơn vị HCKTĐB (đặc khu). Theo tờ trình của Chính phủ, qua hơn 25 năm phát triển mô hình khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế - thương mại đặc biệt... mặc dù đã có những đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nhưng mô hình này hiện không còn mới, hệ thống pháp luật thiếu thống nhất.

Từ năm 1942, trên thế giới có nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như  “khu thương mại tự do”, “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp - công nghệ cao thông minh”… với chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn.

Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế biển, thể chế chính trị và xã hội ổn định; nền kinh tế thị trường dần hoàn thiện theo hướng hiện đại; hội nhập quốc tế sâu rộng, có thị trường với dân số hơn 90 triệu người và sức mua tăng khá nhanh. Các khu vực Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc đều có vị trí chiến lược, có tiềm năng phát triển các ngành, nghề công nghệ cao, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp... Do vậy, cần thiết phải xây dựng Luật điều chỉnh riêng để tạo cơ sở pháp lý áp dụng đối với mô hình phát triển mới này.

Theo dự thảo luật, nhà đầu tư chiến lược được coi là nhà đầu tư có dự án đầu tư tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đáp ứng một trong những điều kiện sau:

Dự án đầu tư khu dịch vụ, du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp có casino với quy mô vốn đầu tư tối thiểu 44.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư kết cấu hạ tầng có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư sản xuất thuộc ngành, nghề ưu tiên phát triển của đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn thuộc danh sách 500 doanh nghiệp, tập đoàn lớn nhất thế giới theo xếp hạng của Tạp chí Forbes của năm trước thời điểm cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư kinh doanh, có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 6.000 tỷ đồng.

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB, dự thảo luật đề xuất theo hướng không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không tổ chức HĐND và UBND). Tại các đơn vị này, chính quyền địa phương là Trưởng Đơn vị HCKTĐB, là người có thẩm quyền quyết định và tổ chức thực hiện toàn bộ các hoạt động hành chính, kinh tế - xã hội trên địa bàn đơn vị HCKTĐB.

Trưởng Đơn vị, các cơ quan khác của Nhà nước ở đơn vị HCKTĐB chịu sự giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh và của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh.

Lo ngại lạm quyền, mất dân chủ

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định, cho biết, về vấn đề này còn 3 loại ý kiến khác nhau:

Loại ý kiến thứ nhất, tán thành phương án như Chính phủ trình và cho rằng phương án này thể hiện tính "đặc biệt" về tổ chức bộ máy chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB. Bởi Hiến pháp năm 2013 về chính quyền địa phương quy định có độ "mở” để tạo không gian cho cải cách tổ chức bộ máy chính quyền địa phương khi cần thiết, vì vậy, quy định như dự thảo luật là phù hợp.

Loại ý kiến thứ hai, đề nghị quy định Trưởng đơn vị HCKTĐB là đại diện của chính quyền cấp tỉnh tại đơn vị HCKTĐB. Theo loại ý kiến này, chính quyền cấp tỉnh trực tiếp thực hiện vai trò của chính quyền địa phương tại đơn vị HCKTĐB nên sẽ vẫn phù hợp với Hiến pháp.

Loại ý kiến thứ ba thì cho rằng, việc tổ chức chính quyền địa phương đơn vị HCKTĐB là một cá nhân cần được cân nhắc thêm về tính hợp hiến, bởi trong Hiến pháp không có điều khoản nào xác định chính quyền địa phương có thể tổ chức không đầy đủ HĐND và UBND. Mặc khác, tổ chức chính quyền địa phương theo loại ý kiến thứ hai cũng không phù hợp với Hiến pháp.

Về tư cách pháp lý, Trưởng Đơn vị HCKTĐB là chính quyền địa phương nhưng không do nhân dân địa phương bầu ra một cách trực tiếp hoặc gián tiếp mà do cấp trên bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, cách chức nên không rõ mối quan hệ với chính quyền cấp tỉnh cũng như không có sự liên hệ trực tiếp với Nhân dân địa phương.

Việc tập trung nhiều quyền lực (116 thẩm quyền trên 13 lĩnh vực) cho chức danh Trưởng Đơn vị HCKTĐB nhưng không có cơ chế giám sát quyền lực ngang cấp, tại chỗ mà thực hiện giám sát từ trên xuống sẽ không tránh khỏi hình thức, dễ dẫn tới tình trạng lạm quyền, mất dân chủ.

Hơn nữa, nếu dự thảo luật chỉ quy định vượt trội về giao thẩm quyền mà không vượt trội về cơ chế giám sát, không làm rõ được phương thức thực thi quyền lực của người giữ chức danh này là không bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, cũng như chưa thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và quy định của Hiến pháp về kiểm soát quyền lực.

MỚI - NÓNG
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
Nhà báo Phùng Công Sưởng: 'Thanh Thủy truyền cảm hứng cho giới trẻ'
TPO - Phát biểu tại họp báo, nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập Báo Tiền Phong - thay mặt ban tổ chức HHVN 2022 nhấn mạnh: “Cô ấy đã thực sự tỏa sáng rực rỡ trước hơn 70 thí sinh quốc tế và đem vinh quang về cho nhan sắc nước nhà. Chúng tôi rất vui và tự hào vì thành quả của Hoa hậu Huỳnh Thị Thanh Thủy. Đây là lần đầu HHVN đăng quang ở cuộc thi quốc tế có uy tín, bề dày này”.
Dịp 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm kéo dài
Dịp 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm kéo dài
TPO - Diễn biến khí tượng thực tế tại khu vực Thủ đô Hà Nội ít ngày qua có biến động khó lường, với việc không khí lạnh kéo về muộn, tác động gây mưa và hạ nhiệt ở khu vực cũng chưa rõ rệt. Dự kiến từ đêm 20/11 Hà Nội chuyển lạnh ẩm và có thể kéo dài nhiều ngày.